Phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng an toàn

Quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ ở các vùng ven đô ở Việt Nam đang đặt ra vấn đề cần thiết phải có một chiến lược phát triển nông nghiệp đô thị (NNĐT) trong tổng thể chiến lược quốc gia về phát triển bền vững.
htyan-1661218533.jpg
Các đại biểu dự hội thảo

NNĐT xuất phát điểm là các mô hình tận dụng các diện tích nhỏ, các lô đất trống, sân vườn, thảm cỏ, ban công, sân thượng, nơi sinh hoạt cộng đồng trong các đô thị để trồng cây hoặc chăn nuôi gia cầm, gia súc nhỏ đáp ứng những nhu cầu thiết thực cho cư dân đô thị. Thời gian sau đó, sự phát triển ngày càng cao của khoa học công nghệ và nhu cầu cuộc sống nâng lên của đời sống, mô hình này.

Dần dần với sự hỗ trợ của khoa học công nghệ và nhu cầu ngày càng cao của đời sống, mô hình này đã được quan tâm đầu tư trở thành trong những ngành kinh tế sinh thái có giá trị cao trong và ven đô thị. Nhận thức được sự quan trọng và tiềm năng phát triển của NNĐT, Tại huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội, nhóm nghiên cứu Chính sách nông nghiệp thuộc Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: “Phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng an toàn”.

Hội thảo diễn ra với sự chủ trì của TS. Lê Thị Thanh Loan - Trưởng nhóm và các thành viên nhóm nghiên cứu Chính sách nông nghiệp, các cán bộ Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, các nhà khoa học đến từ trường Đại học Lâm nghiệp, Đại học Thái Nguyên, trường Đại học Chu Văn An, cán bộ các phòng Phòng Kinh tế, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp tổng hợp, Hội nông dân từ các huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Ba Vì và thị xã Sơn Tây (Hà Nội).

Các nội dung được trình bày tập trung vào một số nội dung như: các phương pháp tiếp cận trong nghiên cứu phát triển nông nghiệp đô thị, điều kiện để hình thành nông nghiệp đô thị, đặc trưng của nông nghiệp đô thị, thực trạng và một số giải pháp để phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trong bài trình bày của mình, PGS.TS Nguyễn Phượng Lê đã chỉ rõ, NNĐT bao gồm những loại cây trồng đáp ứng trước tiên cho nhu cầu lương thực thực phẩm tươi sống an toàn và hoạt động tiện tích cho người dân đô thị, sau đó là các mục tiêu khác như trang trí và hỗ trợ sức khoẻ, cuộc sống của người dân.

Chính vì vậy, các loại cây trồng chủ yếu được lựa chọn là rau, hoa, củ, quả, cây xanh, thảm cỏ, cây cảnh, cây trang trí, cây dược liệu, cây trồng nông nghiệp và sinh vật hữu ích khác. Bên cạnh đó, NNĐT còn là giải pháp hiệu quả để giúp kiến tạo hệ sinh thái vi khí hậu từ làm đẹp cảnh quan kiến trúc môi trường đến kiến tạo không gian sống trong lành, không gian thư giãn nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe; giải pháp giảm thiểu tiếng ồn, ô nhiễm không khí, hiệu ứng nhà kính, bê tông hóa và những tác động tiêu cực khác của quá trình đô thị hóa góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Ngoài ra, với đặc trưng là hoạt động sản xuất và phân phối tại chỗ nên nguồn thực phẩm từ NNĐT có các loại chi phí thấp, nhất là chi phí vận chuyển, đóng gói và lưu trữ, tỉ lệ hao hụt do lưu giữ và vận chuyển giảm xuống rất nhiều so với các thực phẩm thông thường, độ tươi ngon và dinh dưỡng của thực phẩm tăng lên, góp phần tích cực trong giảm phát thải CO2 và tiết kiệm chi phí cho người sản xuất.

Phát triển NNĐT vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển, khi mà nhu cầu cân bằng đời sống và hưởng thụ giá trị tinh thần của bộ phận dân cư có thu nhập cao ngày càng tăng. Các cấp, các ngành đều đang quan tâm đến việc phát triển lĩnh vực này khi mà các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng và các đô thị loại I trong giai đoạn 2020 - 2030 đều có xu hướng mở rộng không gian từ trung tâm lõi đô thị ra ngoại thành. Chiến lược phát triển NNĐT cần phải được đặt trong tổng thể chiến lược quốc gia về phát triển bền vững để có thể đáp ứng nhu cầu của người dân về lương thực, thực phẩm và các nhu cầu tiện ích của cư dân cũng như yêu cầu cấp bách về nhiệm vụ cải thiện môi trường sống, kiến tạo cảnh quan kiến trúc không gian đô thị thông minh và đáng sống cho người dân trong tương lai.

Phát biểu tại hội thảo, TS. Lê Thị Thanh Loan đã cho rằng, Hà Nội đã xác định phát triển NNĐT là định hướng cơ bản của ngành kinh tế, nhưng hiện nay vẫn chưa có định hướng phát triển rõ ràng và chưa phân rõ hiện nay nông nghiệp Hà Nội đang phát triển là nông nghiệp đô thị hay nông nghiệp truyền thống. Để phát triển NNĐT thì Hà Nội cần tiến hành rà soát điều chỉnh, bổ sung và hoàn thành quy hoạch phát triển nông nghiệp cũng như xây dựng nông thôn, thị trường tiêu thụ nông sản ổn định cũng như khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển nông nghiệp theo hướng quy mô lớn, chất lượng và hiệu quả cao. Để có thể phát triển NNĐT trong thời gian tới, phần lớn các nhà khoa học và các nhà quản lý tham dự hội thảo đều thống nhất rằng, các giải pháp cần phải triển khai ngay và luôn trong thời gian tới là:

- 1. Các quận, huyện cần tiến hành xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp đô thị có tính chất dài hạn, phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị tại quận; tiến hành khoanh vùng chức năng riêng biệt cho đất sản xuất nông nghiệp; quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp đô thị. Triển khai linh hoạt việc huy động và tận dụng tối đa các không gian ở đô thị để sản xuất nông nghiệp nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao, mang lại môi trường sống xanh cho người dân đô thị.

- 2. Thành phố và các địa phương cần có các chính sách, các chương trình phát triển nông nghiệp đô thị để ứng dụng các công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất; cần có giải pháp phù hợp để tiếp tục phát huy thế mạnh của địa phương; thực hiện tốt việc hỗ trợ vốn, công nghệ và đào tạo chuyển giao kỹ thuật mới, mô hình mới cho người dân; hỗ trợ người dân trong việc truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.

- 3. Cần phải có chính sách hỗ trợ, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đô thị của các quận, huyện để đảm bảo cho việc sản xuất diễn ra thường xuyên. Trong trường hợp có điều kiện về kinh phí, cần tiến hành tổ chức thêm không gian trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương tại các khu vực dễ thấy, dễ tiếp cận với khách hàng.

Các đại biểu đánh giá cao về sự công phu, tính thời sự và giá trị tham khảo trong thực tiễn cho Hà Nội và các địa phương khác. Hội thảo có ý nghĩa về giá trị khoa học và đóng góp cho thực tiễn phát triển NNĐT trong bối cảnh mới của khu vực đô thị trên cả nước trong thời gian tới. Hội thảo diễn ra sôi nổi với các câu hỏi và góp ý chia sẻ thêm kinh nghiệm của các thành viên tham dự./.

Phạm Thị Thanh Thủy