Thức dậy vùng đất phèn nhờ sáng kiến ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao

Những vùng đất chua phèn kém hiệu quả đã được anh Nguyễn Hoàng Duy Lưu (34 tuổi) đánh thức với nhiều sáng kiến ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao. Bằng nhiệt huyết và sự sáng tạo anh đã đưa khoa học công nghệ đến với nông dân, làm lợi cho bà con hàng trăm triệu đồng.
sang-kien-nong-nghiep-01-1704185475.jpg
Anh Lưu (bìa trái) hướng dẫn nông dân ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao vào nông nghiệp.

Những sáng kiến tạo sức bật nông nghiệp công nghệ cao

Sau khi tốt nghiệp ngành Cảnh quan và kỹ thuật hoa viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, anh Nguyễn Hoàng Duy Lưu về làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao (Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM). Tại đây, anh đã có rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học cũng như những sáng kiến trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao giúp bà con nông dân và thanh niên nông thôn vận dụng vào trồng trọt, chăn nuôi để nâng cao hiệu quả, tăng năng suất, chất lượng.

Anh Lưu đã tổ chức các chuyên đề tập huấn giới thiệu kỹ thuật sản xuất nông nghiệp công nghệ cao áp dụng thành công vào các mô hình thực tế ở nhiều nơi, như: trồng nấm bào ngư xám, hoa lan, rau ăn lá, dưa lưới, nuôi lươn không bùn, nuôi cá chạch lấu thương phẩm hay kỹ thuật ủ phân bón sinh học từ phụ - phế phẩm nông nghiệp bằng phương pháp ứng dụng công nghệ cao… cho thanh niên nông thôn, bà con nông dân tại 5 huyện ngoại thành của TP.HCM và các tỉnh Đắk Nông, Bình Dương, Tây Ninh, Tiền Giang, Long An.

Cụ thể, trong chương trình "Trí thức khoa học trẻ tình nguyện", anh Lưu đã có sáng kiến "Xây dựng quy trình trồng dưa lưới trên giá thể sử dụng nguồn nước bị nhiễm phèn, mặn tại Cần Giờ". Sáng kiến này đem lại hiệu quả tốt, một năm cho thu hoạch 3,5 tấn dưa/1.000 m2, tương đương mức độ làm lợi gần 128 triệu đồng/1.000 m2/năm.

"Điều này góp phần làm thay đổi nhận thức của thanh niên nông thôn vì giúp họ khai thác quỹ đất bị nhiễm phèn trước đó để hoang phí vì nghĩ không làm được gì", anh Lưu bày tỏ.

sang-kien-nong-nghiep-03-1704185447.jpg
Nguyễn Hoàng Duy Lưu bên khu vườn tại Ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao.

Bên cạnh đó, sáng kiến "Sử dụng dung dịch tảo và khoáng trong quy trình gieo ươm các giống cà tím, ớt, rau ăn lá, bầu, bí và khổ qua trong nhà màng" của anh Lưu đã giúp tăng tỷ lệ nảy mầm của hạt giống, giúp bộ rễ phát triển khỏe, tăng khả năng kháng bệnh khi xuất vườn và giảm thời gian trồng đến lúc thu hoạch, giúp tăng tính cạnh tranh trên thị trường, giảm thiệt hại cho bà con nông dân khi gieo hạt trực tiếp ngoài đồng ruộng...

Còn với sáng kiến "Tổ chức các chương trình tham quan, hướng nghiệp, trải nghiệm nông nghiệp công nghệ cao cho học sinh, sinh viên, đoàn viên, thanh niên", không những là người hướng dẫn, anh Lưu còn đóng vai trò là đầu mối liên hệ, sắp xếp, hỗ trợ tiếp đón các "Chuyến xe tri thức" của Thành đoàn TP.HCM và tổ chức các chương trình cho thanh thiếu nhi tham quan, trải nghiệm tại Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM.

Thu hút sự quan tâm của hàng vạn nông dân

Theo anh Lưu, với tính tương tác cao nhờ ứng dụng công nghệ 4.0 vào các mô hình nông nghiệp, bước đầu học sinh hình thành sự ham thích, kích thích sự sáng tạo của các bạn. Đi từ tham quan đến tham gia, các bạn đã được hòa mình vào các hoạt động trong không gian nông nghiệp xanh - sạch - đẹp, đầy ắp những ý tưởng mới và hoài bão để cùng hướng tới xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao tiên tiến, hiện đại cho nước nhà", anh Lưu chia sẻ.

Anh lưu cũng cho biết hiệu quả của các sáng kiến trên đã phát huy được tinh thần xung kích, sáng tạo của thanh niên ở mọi lĩnh vực với phương châm "Lấy chuyên môn làm tình nguyện để phục vụ cộng đồng", từ đó lan tỏa được các phương pháp, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cho thanh niên nông thôn và người nông dân áp dụng vào chăn nuôi, trồng trọt để nâng cao hiệu quả kinh tế trên chính mảnh đất của mình.

Để thanh niên nông thôn có thể áp dụng kỹ thuật cao một cách hiệu quả, anh Lưu cho rằng: "Cần phải có mức độ ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp nhiều hơn. Đặc biệt, mỗi thanh niên làm nông nghiệp cần tìm tòi, chịu khó để vận dụng các phương pháp nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất ngày một nhiều hơn, từ đó nâng cao hiệu quả, tăng năng suất trong trồng trọt và chăn nuôi. Phải sản xuất sản phẩm nông nghiệp ngày càng chất lượng hơn, có sức cạnh tranh không chỉ trong mà còn cả ngoài nước".

sang-kien-nong-nghiep-02-1704185560.jpg
Anh Lưu (bìa trái) hướng dẫn nông dân ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao vào nông nghiệp.

Về hiệu quả mang lại, anh Hà Thanh Sang, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện đoàn Củ Chi, cho biết: “Mô hình chuyển giao trên đã thu hút được hơn 30.000 lượt người tham quan, tìm hiểu trong hơn một năm qua. Đồng thời, các lớp tập huấn về ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất thu hút được 328 đoàn viên, thanh niên tham gia”.

Đến nay, anh Lưu đã có 15 sáng kiến góp phần mang lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của TP. Đồng thời, anh còn tập huấn, giới thiệu các phương pháp canh tác nông nghiệp công nghệ cao cho thanh niên trên địa bàn TP.HCM.

Trong năm 2023, anh Lưu đã tham gia nghiên cứu khoa học và công nghệ cao; đưa ra giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp ứng dụng hay còn gọi chung là tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp công nghệ cao, đạt cấp quốc gia. Mô hình này mang tên “Quy trình sản xuất cây hương thảo trong nhà màng áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt”. Mô hình đã được chuyển giao cho ba đơn vị ở các tỉnh Ninh Thuận, Phú Yên, Hậu Giang và một hộ nông dân trồng lan ở huyện Củ Chi. Với những sáng kiến sau khi được các đơn vị trên ứng dụng đã làm tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập, với mức lợi nhuận 500-600 triệu đồng/năm./.

Trọng Bình