Phát triển bền vững từ kinh tế xanh

Kinh tế xanh nhấn mạnh đầu tư phát triển chú trọng tới giảm thiểu ô nhiễm, nhất là giảm phát thải carbon và duy trì, phát triển nguồn vốn của tự nhiên, đem đến quyền lợi cho mọi người.

Các yếu tố cần thiết cho sự thành công của việc xây dựng một nền kinh tế xanh bao gồm năng lượng bền vững, những công việc xanh, các ngành kinh tế với lượng khí thải thấp, chính sách xanh, các toà nhà xanh, nông nghiệp, thuỷ sản, lâm nghiệp, công nghiệp, tiết kiệm năng lượng, du lịch, giao thông bền vững, quản lý chất thải, hiệu quả sử dụng nước và các nguồn tài nguyên khác.

Tăng trưởng bền vững từ kinh tế xanh

Tăng trưởng xanh là sự tăng trưởng dựa trên quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế nhằm tận dụng lợi thế so sánh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tăng trưởng xanh không những giúp đảm bảo bền vững về môi trường, nâng cao năng lực chống chịu của quốc gia trước biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai, dịch bệnh, mà còn tạo bình đẳng trong tiếp cận cơ hội và hưởng lợi của mọi người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển, góp phần truyền tải, chia sẻ các giá trị nhân văn, các giá trị văn hóa cốt lõi, lối sống có trách nhiệm của từng con người và của toàn xã hội.

slide-environment3-1657594581.jpgẢnh minh họa. 

Thực tiễn cho thấy, với lợi thế nằm trong khu vực nhiệt đới, gió mùa, có nguồn năng lượng mặt trời dồi dào, năng lượng gió phong phú, sinh vật tăng trưởng nhanh, Việt Nam đang đẩy mạnh xây dựng khung pháp lý về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất và đời sống, tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng tối thiểu và dán nhãn năng lượng cho các sản phẩm tư liệu sản xuất và thiết bị tiêu dùng.

Việt Nam đã phát triển thành công nhiều dự án năng lượng tái tạo, như: các dự án sử dụng năng lượng mặt trời trong sản xuất điện ở các tỉnh Nam Trung Bộ; các dự án năng lượng gió với nhiều nhà máy điện gió ở Bình Thuận, Ninh Thuận;

Trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và xây dựng cũng có nhiều bước tiến đáng kể trong quá trình thực hiện tăng trưởng xanh. Nhiều chương trình đã được ứng dụng vào thực tế, mang lại hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, như: quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) cho các loại nông sản chủ lực (như: rau quả, chè, lúa, cà phê), các quy trình tưới tiết kiệm nước cho lúa, cho các loại cây trồng cạn.

Chương trình khí sinh học trong ngành chăn nuôi, tiết kiệm và nâng cao hiệu quả năng lượng trong đánh bắt thủy sản; kế hoạch hành động giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất xi măng; triển khai quản lý tổng hợp chất thải rắn; phát triển đô thị xanh hay kế hoạch hành động giảm phát thải khí CO2 trong hoạt động hàng không dân dụng.

Những năm gần đây, nhiều địa phương đã tích cực hưởng ứng phong trào trồng cây, gây rừng góp phần bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu. Nhờ đó tăng mật độ cây xanh ở cả khu vực thành thị, nông thôn, tạo môi trường sống trong lành và góp phần bảo vệ thiên nhiên, môi trường, đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân đối với việc trồng và bảo vệ cây xanh.

Chiến lược tăng trưởng xanh là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng các chính sách liên quan đến kinh tế xanh ở Việt Nam trong giai đoạn tới. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh đã trở thành đường lối, quan điểm của Đảng và chính sách xuyên suốt của Nhà nước và là một nội dung căn bản của đường hướng phát triển ở Việt Nam hiện nay.

Các chiến lược phát triển kinh tế xanh hiện nay

Để đảm bảo phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, Chính phủ xác định: Đẩy mạnh áp dụng rộng rãi sản xuất sạch hơn; nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, đồng thời giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, bảo vệ chất lượng môi trường, sức khỏe con người, đảm bảo phát triển bền vững; Xây dựng văn hóa tiêu dùng văn minh, hài hòa và thân thiện với thiên nhiên; Từng bước thực hiện dán nhãn sinh thái, mua sắm xanh; Phát triển thị trường sản phẩm sinh thái và sáng kiến cộng đồng về sản xuất và tiêu dùng bền vững...

Ngày 25/9/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Chính phủ đã đề ra hai nhiệm vụ chiến lược:

Một là, xanh hoá sản xuất; thực hiện một chiến lược công nghiệp hoá sạch thông qua rà soát, điều chỉnh những quy hoạch ngành hiện có; sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên; khuyến khích phát triển công nghệ xanh, nông nghiệp xanh.

Hai là, xanh hoá lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; kết hợp lối sống đẹp truyền thống với những phương tiện văn minh hiện đại.

dien-gio-1657595274.jpgViệt Nam có nhiều lợi thế để phát triển năng lượng xanh - Ảnh minh họa. 

Ngày 20/3/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 403/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020, trong đó, đề ra 4 nhiệm vụ quan trọng: Xây dựng thể chế và kế hoạch tăng trưởng xanh tại địa phương; Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; Thực hiện xanh hóa sản xuất; Thực hiện xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững.

Tiếp đó, tại Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 được Chính phủ ban hành thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong thực hiện phát triển bền vững, thông qua các hành động thiết thực, cụ thể.

Tại hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu năm 2021 (COP26), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu cam kết của Việt Nam trong việc "sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050". Việt Nam chủ trương kết hợp hài hòa, chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, thực hiện có trách nhiệm các cam kết quốc tế về tăng trưởng xanh, bền vững.

Mối liên hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường

Với hơn 30 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới, Việt Nam đạt được thành tựu ấn tượng về tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, ổn định xã hội. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn đầu đổi mới (1986-1990) chỉ đạt 4,4%, thì đến năm 2019 đạt 7,02%. Năm 2020, mặc dù chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng Việt Nam là một trong số ít quốc gia đạt được mức tăng trưởng dương.

Khu vực doanh nghiệp có đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng GDP, thu hút khoảng 85% lao động thị trường. Doanh nghiệp mới thành lập tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng, nhiều mô hình kinh doanh mới áp dụng kinh tế số đã tạo ra các doanh nghiệp lớn tiên phong trong đầu tư và ứng dụng khoa học, công nghệ, thân thiện với môi trường, có thương hiệu và năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế.

13-1645070314-kinh-te-xanh-ktmt-1-1657594644.jpgBảo Bảo vệ môi trường là bảo vệ sự sống của chính chúng ta - Ảnh minh họa. 

Tuy nhiên, thực tiễn sức ép môi trường đang đe dọa tăng trưởng bền vững của Việt Nam. Chất lượng môi trường ở nhiều nơi đến mức báo động, ô nhiễm môi trường nước, không khí ở các đô thị lớn, khu công nghiệp, các làng nghề ngày càng gia tăng trầm trọng.

Rừng tiếp tục bị tàn phá nặng nề, tài nguyên, khoáng sản bị khai thác bừa bãi, đất đai bị xói mòn và thoái hoá; Đa dạng sinh học trên đất liền và dưới biển đều bị suy giảm, tình trạng xâm nhập mặn tại duyên hải miền Trung và đồng bằng Sông Cửu Long ngày càng nặng nề; Các sự cố môi trường nghiêm trọng xảy ra ngày càng nhiều như động đất, hạn hán, cháy rừng, bão lụt,…

Hiện nay, trên cả nước có đến 60% các khu công nghiệp, doanh nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, tại các đô thị chỉ có khoảng 60% - 70% chất thải rắn được thu gom, cơ sở hạ tầng thoát nước và xử lý nước thải, chất thải chưa thể đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Con người đang phải gánh chịu hậu quả của việc phát triển kinh tế nóng vội mà không quan tâm đến bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường.

Tình trạng ô nhiễm môi trường dẫn đến những nguy cơ nghiêm trọng về sức khỏe, đặc biệt là đối với trẻ em và người cao tuổi, làm giảm tuổi thọ, gia tăng dịch bệnh; Tác động lớn đến môi trường sinh thái, nguy cơ làm tuyệt chủng một số loài động vật quý hiếm; Thiên tai và ô nhiễm môi trường làm giảm GDP của các quốc gia; Gây ảnh hưởng xấu đến các hoạt động kinh tế như giảm khả năng sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tác động đến các hoạt động kinh tế của doanh nghiệp.

Việc phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường là vấn đề sống còn của đất nước, nhân loại, là nhiệm vụ cấp bách không chỉ của mỗi quốc gia mà còn là nghĩa vụ cao cả của mỗi người dân, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Có thể thấy, bảo vệ môi trường là bảo vệ sự sống của chính chúng ta. Vì vậy, mỗi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hãy chung tay góp sức bảo vệ môi trường để cùng tồn tại và phát triển... Trong tiến trình hội nhập kinh tế với các nước trong khu vực và thế giới, Việt Nam luôn là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ môi trường.

Thy Nhân (t/h)