Cần chính sách đột phá trong liên kết thương mại để phát huy các lợi thế khu vực đồng bằng sông Hồng

Vùng đồng bằng sông Hồng chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu xuất nhập khẩu chung của cả nước, cộng với vị trí hết sức thuận lợi để phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ và logistics lớn của cả nước, song để phát huy hết các tiềm năng, lợi thế của toàn vùng, cần có nhiều chính sách đột phá.

Đây là nội dung chính của Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng đồng bằng sông Hồng, do Bộ Công Thương tổ chức sáng nay (5/6), tại Hà Nội.

lien-ket-dong-bang-song-hong-01-1717573577.jpg
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại hội nghị xúc tiến thương mại và phát triển xuất khẩu vùng Đồng bằng sông Hồng.

Liên kết thiếu đồng bộ, tiêu thụ qua nhiều trung gian

Vùng đồng bằng sông Hồng bao gồm 11 tỉnh, thành phố, gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình. Đây cũng là vùng đi đầu về công nghiệp hóa-hiện đại hóa, nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, kết cấu hạ tầng vùng đã được đầu tư phát triển mạnh.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của toàn vùng đạt trên 260,88 tỷ USD, cao nhất trong 6 vùng kinh tế, chiếm 38% kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Cùng đó, thu hút đầu tư nước ngoài vùng đồng bằng sông Hồng lớn nhất nước ước đạt 17,382 tỷ USD, trong đó 5/11 địa phương trong vùng thuộc nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước.

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, trong tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh, tỉnh Hải Dương được đánh giá là địa phương có tiềm năng về phát triển kinh tế nông nghiệp với nhiều sản phẩm nông sản đa dạng, phong phú, chất lượng và sản lượng cao.

Bà Vũ Thị Kim Phượng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương cho hay năm 2023, kinh tế của Hải Dương đạt mức tăng trưởng xấp xỉ 9%; đứng thứ 13 cả nước và thứ 6/11 vùng Đồng bằng sông Hồng. Riêng quý 1/2024, tăng trưởng kinh tế của Hải Dương ước đạt 9,8%, đứng thứ 6 cả nước và đứng thứ 2 vùng đồng bằng sông Hồng.

Hầu hết nông sản của tỉnh đã được đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, Chuyển đổi Số, cấp mã số vùng trồng, cấp chứng nhận Vietgap, Globalgap; hình thành mô hình chuỗi liên kết; nhiều sản phẩm được xuất khẩu với số lượng lớn, thị trường xuất khẩu được mở rộng sang nhiều nước, nhất là các thị trường cao cấp như châu Âu, Mỹ, Pháp, Nhật bản, Hàn Quốc… đem lại giá trị kinh tế cao.

Tuy vậy, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương cho rằng hoạt động liên kết vùng, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản tại một số địa phương, trong đó có Hải Dương vẫn còn bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc.

Dẫn chứng việc này, bà Phượng thông tin một số hợp tác xã chưa mạnh dạn tham gia tiêu thụ nông sản; chưa phát huy được vai trò cầu nối nông dân với doanh nghiệp, một số có tham gia nhưng cũng ở mức độ, quy mô hạn chế. Bên cạnh đó, liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân chưa bền vững, chủ yếu vẫn là thỏa thuận mua bán, việc tiêu thụ còn qua nhiều trung gian, hiệu quả kinh tế chưa cao.

"Sự hợp tác, liên kết giữa các địa phương trong vùng vẫn còn mang tính đơn lẻ, chưa khai thác, phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Hoạt động liên kết, hợp tác giữa các địa phương được triển khai nhưng chưa mạnh; chưa có cơ chế chính thức về liên kết vùng riêng. Không gian và địa bàn hoạt động liên kết giữa các địa phương trong vùng còn mang tính tự phát…," đại diện Sở Công Thương tỉnh Hải Dương nói.

lien-ket-dong-bang-song-hong-04-1717573565.jpg
Vải thiều Thanh Hà là một đặc sản nổi tiếng của tỉnh Hải Dương được xúc tiến thương mại với nhiều hình thức đa dạng.

Còn theo ông Phạm Khắc Nam, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh, trên địa bàn tỉnh tập trung nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp cũng như lượng hàng hóa xuất nhập khẩu rất lớn, đặc biệt thời gian tới, tỉnh cũng cấp phép cho nhiều dự án có qui mô lớn đầu tư hoạt động, do vậy nhu cầu sử dụng điện rất lớn

"Bắc Ninh kiến nghị Bộ Công Thương quan tâm, giúp địa phương đảm bảo cung ứng điện, phát triển điện mặt trời giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất-kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế," ông Nam nêu ý kiến.

Đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng cho thấy hoạt động xuất khẩu của vùng đồng bằng sông Hồng phát triển chưa đồng đều ở các tỉnh, thành phố trong vùng.

Tính riêng năm 2023, 65,2% kim ngạch xuất khẩu của vùng đồng bằng sông Hồng đến từ tỉnh Bắc Ninh, Hải Phòng và Hà Nội. Hơn nữa, xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI, khi khối này chiếm tới 73,6% tổng kim ngạch xuất khẩu, tức là tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm 26,4% kim ngạch xuất khẩu.

Đặc biệt, theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), việc triển khai hoạt động xúc tiến thương mại liên kết vùng còn gặp phải một số khó khăn, đặc biệt là hạn chế về cơ cấu tổ chức và nguồn lực thực hiện.

Cụ thể, 11 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng hiện có 3 mô hình trung tâm xúc tiến thương mại, thuộc các đơn vị quản lý khác nhau dẫn đến những bất cập trong công tác quản lý nhà nước và triển khai có hiệu quả hoạt động. Bên cạnh đó, một số địa phương gặp khó trong việc bố trí địa điểm, dịch vụ thuận lợi để tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại lớn, thường xuyên.

“Ngay tại 3 cực tăng trưởng là Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh đến nay vẫn thiếu các trung tâm hội chợ triển lãm, hội nghị đảm bảo diện tích và đầy đủ công năng phù hợp để tổ chức sự kiện mang tính chất khu vực, quốc tế nhằm thu hút đầu tư, thúc đẩy thương mại, quảng bá văn hóa, du lịch quốc gia,” ông Vũ Bá Phú nêu bất cập.

Liên kết với nhau để cùng thống nhất đồng hành phát triển

Có thể khẳng định việc liên kết để khơi dậy tiềm năng, lợi thế của các địa phương, phát triển kinh tế vùng luôn là trọng tâm trong chính sách điều hành của Chính phủ và được các bộ, ngành cũng những địa phương "đầu tàu" triển khai.

Kinh nghiệm từ Hà Nội cho thấy với lợi thế là vùng có Thủ đô Hà Nội, trung tâm về chính trị của cả nước nên vùng đồng bằng sông Hồng có nhiều thuận lợi trong việc thí điểm những cơ chế, chính mới.

Bà Nguyễn Kiều Oanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết trong lĩnh vực cơ khí, Hà Nội đã hình thành, phát triển các cụm liên kết ngành, các nhóm doanh nghiệp chuyên doanh sản phẩm cơ khí tạo ra sức cạnh tranh cao như các khu cụm công nghiệp cơ khí liên kết ngành chuyên sâu về linh kiện cơ khí chính xác cho ngành điện tử, ôtô, xe máy…

Nhưng trên hết, khu cụm công nghiệp liên kết còn cho phép các doanh nghiệp có nhiều cơ hội gặp gỡ tìm hiểu, thiết lập quan hệ hợp tác, chuyên môn hóa trong sản xuất, đặc biệt là trong lĩnh vực giao dịch, gia công đặt hàng, vận tải, cung cấp, xử lý chất thải…

“Sự hợp tác này cho phép giảm thiểu rất nhiều về chi phí, tồn kho, thời gian giao nhận. Ngoài ra, khu cụm công nghiệp liên kết còn có lợi thế nhanh chóng triển khai ứng dụng, lan tỏa, chuyển giao tri thức và công nghệ mới…,” bà Nguyễn Kiều Oanh nói.

lien-ket-dong-bang-song-hong-02-1717573672.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thăm các gian hàng của doanh nghiệp ngành Công Thương khu vực phía Bắc.

Để tạo ra sự lan tỏa lớn hơn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đề nghị các địa phương cần tính toán, liên kết với nhau để cùng thống nhất đồng hành phát triển các sản phẩm thế mạnh chủ lực cho từng nhóm sản phẩm của vùng, từ đó xác định các mô hình chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị phù hợp để khai thác các giá trị sản phẩm tốt nhất.

Cùng đó, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bộ, ngành liên quan đẩy mạnh, xúc tiến xuất khẩu trọng tâm cho từng giai đoạn, từng khu vực thị trường mục tiêu, xây dựng tốt nhất mô hình liên kết phù hợp, khi đó mỗi mắt xích trong các chuỗi này đều được hưởng lợi, từ đó từng bước cân bằng phát triển kinh tế nội vùng.

Ông Tân cũng lưu ý các doanh nghiệp kịp thời cập nhật thông tin về thị trường nước ngoài để nắm bắt được thị hiếu tiêu dùng tại từng thị trường, điều chỉnh sản phẩm phù hợp theo từng thị trường, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm. Nghiên cứu, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại tìm kiếm cơ hội kinh doanh, trong đó có các chương trình của địa phương hoặc của Bộ Công Thương.

“Các doanh nghiệp cần đầu tư xác đáng cho việc bồi dưỡng kiến thức, năng lực của nhân sự tham gia thương mại quốc tế, cập nhật các xu hướng công nghệ, thương mại điện tử từ đó có thể mở ra nhiều cơ hội tiếp cận khách hàng, cắt giảm chi phí trung gian, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm,” Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh./.

Bình Châu