Chú trọng phát triển nông nghiệp hữu cơ
Những năm qua, thực hiện phát triển nền nông nghiệp tốt với tinh thần trách nhiệm với đất, chia sẻ đồng cảm với người tiêu dùng, huyện Phú Lương đã đạt được những kết quả tích cực. Đến nay, huyện đã xây dựng được 28 sản phẩm OCOP, trong đó có 11 sản phẩm đạt 4 sao… Phú Lương cũng là một trong những địa phương dẫn đầu của tỉnh Thái Nguyên về phát triển nền nông nghiệp tốt. Huyện có diện tích cây chè lớn thứ 2 tỉnh Thái Nguyên chỉ sau huyện Đại Từ.
Hiện nay, việc phát triển nông nghiệp theo tiêu chuẩn hữu cơ đã được nông dân ở huyện Phú Lương (Thái Nguyên) hưởng ứng tích cực. Bên cạnh những thuận lợi còn không ít khó khăn và thách thức để nông nghiệp Phú Lương vươn ra thị trường trong nước và xuất khẩu.
Một trong những khó khăn trong việc phát huy giá trị nông sản của địa phương đó là tập quán sản xuất của người dân còn manh mún, nhỏ lẻ theo kinh tế hộ gia đình. Do đó, khi triển khai thực hiện đòi hỏi sự kiên trì và định hướng liên kết sản xuất giữa các hộ gia đình phải xuyên suốt.
Ông Nguyễn Quốc Hữu, Bí thư Huyện ủy huyện Phú Lương (Thái Nguyên) cho biết, địa phương xác định liên kết giữa các hộ sản xuất, hợp tác xã (HTX) là nòng cốt, góp phần hình thành nền nông nghiệp hữu cơ.
Trong xây dựng các vùng nguyên liệu chuyên canh, tập trung, HTX vừa có vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân, vừa đồng hành cùng bà con trong tư vấn sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật, định hướng phát triển thị trường.
Đơn cử như ở huyện Phú Lương, sự phát triển của HTX Chè an toàn Khe Cốc (xã Tức Tranh) không chỉ góp phần khai thác giá trị sản phẩm chè bản địa mà còn tạo ra giá trị khác như làm du lịch, bảo vệ môi trường. Từ đó xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, chất lượng, an toàn và minh bạch.
“Để nông nghiệp hữu cơ tạo ra sự đột phá về thu nhập cho bà con, rất cần sự kiên trì, nỗ lực của các bên. Thời gian tới, huyện Phú Lương sẽ tiếp tục đồng hành cùng nông dân, HTX, doanh nghiệp và nhà khoa học trong phát triển nông nghiệp hữu cơ thông qua các hoạt động hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, vật tư, quảng bá và xây dựng thương hiệu”, ông Nguyễn Quốc Hữu cho hay.
Hiện nay tổng diện tích chè của huyện là trên 4.000ha, sản lượng chè búp tươi đạt khoảng 47.000 tấn, giá trị kinh tế đạt hơn 1.300 tỷ. Tuy nhiên trên tổng số 12.000 tỷ tiền thu từ chè thì con số 1.300 tỷ của Phú Lương còn khiêm tốn về giá trị, do đó việc nâng cao giá trị hàng hóa, đa dạng mẫu mã, đa dạng phân khúc sản phẩm, tăng cường liên kết các hộ dân, các HTX để nâng cao giá trị sản phẩm là rất cần thiết.
Hợp tác xã kiến tạo chuỗi giá trị nông sản
Thời gian qua, tại những địa bàn còn gặp khó khăn, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư trong phát triển sản xuất nông nghiệp nói chung, nông nghiệp hữu cơ nói riêng ở huyện Phú Lương, các HTX đã thể hiện vai trò liên kết, khai thác tốt các tiềm năng địa phương, có thể kể đến như HTX Nông sản nếp vải Ôn Lương; HTX Nông sản Phú Lương; HTX Chè an toàn Khe Cốc…
Chất lượng phát triển của HTX thể hiện qua việc ngày càng có nhiều HTX tham gia chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.
Ông Tô Văn Khiêm, Giám đốc HTX Chè an toàn Khe Cốc cho biết, HTX ngày càng đóng vai trò quan trọng, là đầu mối của nông dân. HTX tạo ra vị trí trong chuỗi, liên kết với doanh nghiệp để tổ chức cho nông dân sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn mà thị trường yêu cầu cũng như tiêu chuẩn xuất khẩu ngày càng khắt khe. Nhờ đó, số lượng các loại nông sản có dư lượng hóa chất vượt mức cho phép, không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ngày càng giảm.
Cũng theo ông Khiêm, việc liên kết giữa các HTX, liên kết giữa nhà nông với nhà khoa học, nhà nước, ngân hàng và doanh nghiệp cần được thực hiện tốt hơn nữa để tạo ra thị trường ổn định, có sự hỗ trợ lẫn nhau nhằm đa dạng hóa các sản phẩm với nhiều phân khúc khách hàng và nâng cao giá trị sản phẩm. Khi người dân thấy thu nhập của mình nâng lên sẽ tự nguyện hưởng ứng việc liên kết sản xuất, tuân thủ các quy trình sản xuất đảm bảo chất lượng sản phẩm, tuy nhiên để làm được điều đó cần có sự kiên trì, quyết tâm cao và không nóng vội.
Hiện nay, để hỗ trợ phát triển các sản phẩm hữu cơ, huyện Phú Lương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm duy trì và phát triển nhãn hiệu chứng nhận "chè Phú Lương”, nhãn hiệu tập thể “chè Tức Tranh”, “chè Vô Tranh”.
Hằng năm, huyện hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tham gia hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh; trưng bày sản phẩm tại các siêu thị, trung tâm thương mại và đưa sản phẩm chè lên các sàn thương mại điện tử.
Các chương trình hỗ trợ về bao bì, tem nhãn, phân bón, máy làm cốm đã thúc đẩy giá trị của nếp Vải, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị như cốm, bánh chưng, rượu, bánh dày, cơm cháy… Với chăn nuôi lợn và gà, hiện địa phương đang tập trung theo hướng sản xuất an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh thực phẩm, từng bước hình thành các chuỗi sản xuất và tiêu thụ.
Cùng với các sản phẩm chè, Phú Lương còn có đặc sản gạo nếp vải nổi tiếng. Đây là nguồn liệu để tạo nên thương hiệu làng nghề bánh chưng Bờ Đậu nổi tiếng cả nước. Các sản phẩm như mật ong rừng, gia súc, gia cầm cũng được chú trọng phát triển và bước đầu có chỗ đứng trên thị trường.
Phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, VietGAP năm 2024, huyện Phú Lương phấn đấu sẽ có sản phẩm OCOP đạt 5 sao. Những sản phẩm đó phải thiết thực, để từ sản phẩm đó người dân có thể vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu bền vững.
Phát triển nông nghiệp theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP đã giúp huyện Phú Lương trở thành điểm sáng của ngành nông nghiệp Thái Nguyên. Đây là tiền đề quan trọng để chính quyền địa phương xây dựng một nền nông nghiệp trách nhiệm, bền vững trong những năm tới./.