Nuôi lợn rừng 'sang chảnh' thoát cảnh rớt giá, cận tết khách tới tấp đặt hàng

Những con lợn được nuôi theo phương thức bán chăn thả, thức ăn chủ yếu là cỏ voi, cám ngô và bã bia nên chất lượng đặc biệt. Cận tết, đàn lợn rừng "sang chảnh" đang được người mua tới tấp đặt hàng.
nuoi-lon-rung-03-1705826846.jpg
Chăn nuôi lợn rừng theo hướng hữu cơ đã giúp cho các hộ chăn nuôi ở Quỳnh Thắng không lâm vào tình trạng lợn rớt giá.

Đưa con lợn rừng phát triển trên đất đồi

Tận dụng điều kiện tự nhiên đồi núi, thức ăn dồi dào, những năm qua, người dân xã Quỳnh Thẳng (Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã đầu tư phát triển mạnh nghề nuôi lợn rừng, góp phần tăng thêm nguồn thu nhập. Nghề nuôi lợn rừng ở Quỳnh Lưu phát triển đầu tiên tại xã Quỳnh Thắng, sau đó nhân rộng ra nhiều địa phương khác như Quỳnh Tam, Tân Sơn, Quỳnh Châu, Tân Thắng...

Qua thống kê từ ngành chăn nuôi huyện Quỳnh Lưu, tổng đàn lợn rừng trên địa bàn huyện hiện có khoảng hơn 1.000 con, trong đó khoảng hơn 600 con trọng lượng từ 30 – 50 kg/con.

Tại trang trại chăn nuôi lợn rừng của ông Hồ Khắc Hiệp (tại thôn 9, xã Quỳnh Thắng) có quy mô 100 con. Thời điểm này, ông Hiệp đang tích cực đầu tư chăm sóc cẩn thận để kịp bán vào dịp Tết. Để chất lượng thịt thơm ngon, gia đình ông Hiệp nuôi lợn rừng đủ 12 tháng mới xuất bán. Nguồn thức ăn hoàn toàn từ tự nhiên như thân cây mía, cây ngô, củ sắn, khoai lang và bổ sung thêm bã bia và ít muối khoáng.

nuoi-lon-rung-02-1705826979.jpg
Trang trại chăn nuôi lợn rừng của ông Hồ Khắc Hiệp cho hiệu quả kinh tế cao. (Ảnh tư liệu)

Trao đổi về cơ duyên đến với nghề nuôi lợn rừng, ông Hiệp cho biết: Ngay sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông trở về quê hương lập gia đình rồi tham gia vào lao động sản xuất. Trước đây đất đá khô cằn, khí hậu khắc nghiệt nên rất ít hộ xây dựng mô hình trang trại. Một số hộ cũng chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa dám mạnh dạn để xây dựng trang trại nên cái đói, cái nghèo cứ bán riết. Sau đó ông quyết định chọn loài lợn đen để nuôi thử và tôi đã thành công bước đầu”.

Tuy nhiên, thời gian đầu do chưa nắm bắt được kỹ thuật nên trang trại gặp nhiều khó khăn. Do vậy ông Hiệp đã tích cực học hỏi và tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi tại địa phương.

Học được cách làm giàu bền vững từ các trang trại, ông Hiệp đã mạnh dạn áp dụng các mô hình vào điều kiện khắc nghiệt ở địa phương, đặc biệt là việc chăn nuôi lợn.

Sau chuyến đi tham quan mô hình chăn nuôi lợn ở Hoà Bình, ông Hiệp thấy được sự thành công trong mô hình chăn nuôi lợn đen (lợn mán, lợn mường). Nhận thấy điều kiện tự nhiên ở quê mình có thể chăn nuôi loài động vật này, ông Hiệp quyết định bỏ vốn đầu tư trang trại nuôi giống lợn sạch với số lượng ban đầu là hơn 50 con. Sau một thời gian dài, đến nay tổng số con lợn trong trang trại đã tăng lên hàng trăm con.

Lợn rừng không lo rớt giá, cận tết khách đặt nhiều

“Hiện nay trong tổng đàn 100 con thì có 50 con lợn đạt trọng lượng từ 30 – 40 kg, thời gian xuất bán vào dịp Tết với giá bán tại chuồng 130.000 đồng/kg. Đối với lợn rừng đủ tiêu chuẩn bán vào dịp Tết, thời điểm này chúng tôi hạn chế nguồn thức ăn dễ gây béo để tránh lượng mỡ phát triển mà tập trung vào nạc”- ông Hiệp chia sẻ thêm.

Cũng là một hộ chăn nuôi lợn rừng nổi tiếng tại xã Quỳnh Thắng, hiện trang trại của anh Lê Văn Phương ở thôn 2 có quy mô trên 250 con lợn rừng. Anh Phương cho biết, mấy năm trước anh tìm hiểu về chăn nuôi lợn rừng bởi đó là đặc sản, chất lượng thịt thơm ngon, giá cả cao hơn lợn nhà rất nhiều. Khi bắt đầu hình thành ý định, anh đã định hướng đến khách hàng sử dụng sản phẩm của mình tại các nhà hàng, khách sạn trong và ngoài tỉnh.

nuoi-lon-rung-01-1705826979.jpg
Hiện trang trại của anh Lê Văn Phương ở thôn 2 có quy mô trên 250 con lợn rừng.

Những ngày đầu mới nuôi lợn rừng, anh Phương cũng gặp rất nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm. Vừa làm vừa học hỏi quy trình chăn nuôi an toàn, anh Phương đã tạo ra được sản phẩm lợn rừng chất lượng, sạch, thơm ngon. Dần dần, thương hiệu thịt lợn rừng của anh Phương được nhiều người biết đến, nhiều người tìm đến đặt mua hàng, việc chăn nuôi thuận lợi hơn. Thấy mô hình trang trại của anh Phương hoạt động tốt, đưa lại hiệu quả kinh tế cao nên nhiều người dân trong xóm, trong xã tìm đến mua con giống về nuôi.

Anh Phương cho biết, để chất lượng thịt thơm ngon cần áp dụng phương thức bán chăn thả, thức ăn chủ yếu là cỏ voi, cám ngô và bã bia, do vậy mà đàn lợn rừng tại đây luôn được người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện giờ trong trang trại của anh có trên 250 con lợn rừng, trong đó khoảng 150 con đến thời kỳ xuất thịt (trọng lượng từ 30 – 60 kg/con).

Nhờ chuyển hướng sang chăn nuôi lợn rừng theo hướng hữu cơ đã giúp cho các hộ chăn nuôi ở Quỳnh Thắng không lâm vào tình trạng lợn rớt giá thời gian qua. Được biết vào thời điểm cận tết hiện nay, khách  hàng đã liên hệ để đặt hàng. Việc phát triển đàn lợn rừng chất lượng cao không chỉ giúp cho người dân chăn nuôi có thêm nguồn thu nhập đáng kể mà còn làm phong phú thêm vật nuôi trên địa bàn./.

Bình Châu