Thu nhập nửa tỷ đồng mỗi năm nhờ chăn nuôi lợn công nghệ cao ở vùng biên cương

Đó là tấm gương của anh Trương Văn Công sinh sống tại xã Cần Yên, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng (xã sát vùng biên giới với Trung Quốc) đã không ngại khó, ngại khổ vươn lên để có được cuộc sống ổn định như ngày hôm nay.

Năm 2017, sau khi đi xuất khẩu ở Nhật Bản trở về, anh Công đã ấp ủ kế hoạch làm giàu từ chính quê hương của mình. Với số vốn đã tích cóp được, anh đã mở trang trại nuôi lợn với diện tích khoảng 200m2 và 100 con lợn giống. Anh cố gắng dùng kiến thức mình đã học được để chăm nuôi cho đàn lợn của mình.

Bước đầu khởi nghiệp ai cũng gặp khó khăn, đối với anh Trương Văn Công cũng không phải ngoại lệ. Năm 2018, dịch bệnh tả lợn châu Phi hoành hành khắp nơi. Trang trại lợn của anh Công cũng bị mắc phải, thế là bao nhiêu cố gắng, bao nhiêu thành quả lại đổ xuống sông xuống bể.

nuoi-lon-cong-nghe-cao1-1652935129.png
Một góc trại lợn của anh Trương Văn Công

Do ảnh hưởng của dịch, nhiều trại lợn đã phải đóng cửa, nhiều hộ gia đình cũng mất trắng. Thất vọng nhưng không đi liền với tuyệt vọng, anh Công đã suy nghĩ rất nhiều.

Sau nhiều lần suy nghĩ, tính toán, anh Công đã quyết định vay vốn thêm để làm lại và đầu tư vào công nghệ. Anh Công chia sẻ, công tác khử khuẩn, phòng bệnh cho đàn lợn là công việc vô cùng quan trọng. Bởi nếu, người chăn nuôi không có biện pháp chủ động phòng dịch cho đàn lợn thì sẽ rất dễ trắng tay trong chăn nuôi.

Hiện nay, hễ ai vào trại lợn của anh đều phải đi qua phòng khử khuẩn để không mang mầm bệnh vào. Anh cũng đầu tư hệ thống nước uống và vệ sinh lắp đặt tự động để tắm rửa cho lợn hàng ngày. Bên cạnh đó, anh cũng lắp đặt hệ thống camera để theo dõi đàn lợn và cũng có những thiết bị như thuốc, máy soi tinh và tủ lạnh bảo quản tinh.

Để bảo vệ môi trường, anh Công cho xây dựng bể xử lí chất thải. Đàn lợn nái của anh cũng được chăm sóc rất tỉ mỉ, mỗi con lợn nái đều có thẻ nái riêng và ghi đầy đủ thông tin về số tai, ngày sinh, giống, ngày phối, ngày đẻ, số con, ngày tiêm phòng, giai đoạn ăn.…

nuoi-lon-cong-nghe-cao2-1652935158.png
Đàn lợn con được chăm sóc rất tỉ mỉ

Tinh lợn nhà anh Công ai cũng khen tốt và được người dân mua về phối cho lợn nhà. Trang trại của anh cũng bán lợn con và ngày càng được người dân mua nhiều vì lợn con rất ít bị  bệnh, ăn khỏe, lớn nhanh. Các con lợn đến giai đoạn thịt sẽ được nhốt riêng chuồng để tăng khối lượng thức ăn; còn các con lợn nhỡ sẽ nhốt ở những chuồng rộng rãi để chúng thoải mái chạy nhảy.

nuoi-lon-cong-nghe-cao3-1652935198.png
Tinh lợn được đóng thành túi và được bảo quản tốt nhất

Kết hợp với chăn nuôi anh Công còn trồng thêm rau, tận dụng chất thải để tưới rau. Vì vậy, vườn rau anh luôn xanh tốt và cũng cho thêm một khoản thu nhập. Mùa nào thức đó nên gia đình anh có nguồn rau xanh, sạch quanh năm.

Không chỉ dừng lại ở đó, anh Công luôn cố gắng học hỏi kinh nghiệm từ những trang trại khác. Anh luôn nỗ lực, phấn đấu và thu lại được thành quả đáng nể. Anh nhanh chóng trả được số tiền đã vay và cũng tạo được công ăn việc làm cho nhiều người dân.

nuoi-lon-cong-nghe-cao4-1652935231.png
Thẻ nái riêng và ghi đầy đủ thông tin về số tai, ngày sinh, giống, ngày phối, ngày đẻ, số con, ngày tiêm phòng, giai đoạn ăn

Trang trại anh thuê khoảng 3, 4 nhân công và anh luôn quan tâm đến đời sống của công nhân. Anh trả lương hậu hĩnh và luôn có thưởng trong những ngày lễ, Tết cho công nhân.

Khi đến xã Cần Yên và nhắc đến anh Trương Văn Công là ai ai cũng biết, một người thanh niên trẻ đầy nhiệt huyết, can đảm, dám nghĩ dám làm. Trang trại của anh ngày càng được mở rộng và theo đó đàn lợn ngày càng gia tăng. Lợi nhuận đem lại cho gia đình anh lên đến nửa tỉ đồng mỗi năm. Mô hình nuôi lợn của anh Công rất đáng được mọi người học tập và noi theo.