Trò Xuân Phả - "Hồn cốt" của người Thanh Hóa

Đến hẹn lại lên, mỗi dịp Tết đến xuân về, người dân Thanh Hóa lại nô nức kéo nhau về làng Xuân Phả để được tận mắt chứng kiến những màn trình diễn độc đáo của "báu vật" ngàn năm - trò Xuân Phả. Đây không chỉ là một lễ hội truyền thống mà còn là "hồn cốt", là niềm tự hào của người dân xứ Thanh.
xuan-pha1-1738372002.jpg
Trò xuân phả được biểu diễn tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh.

Tương truyền, trò diễn Xuân Phả có từ thời nhà Đinh, gắn liền với sự kiện vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước. Để tạ ơn thần linh và cũng là dịp để các nước lân bang đến triều cống, nhà vua đã tổ chức một lễ hội lớn. Trò diễn Xuân Phả ra đời từ đó, mô phỏng lại cảnh các quốc gia lân bang dâng lễ vật tiến cống vua Đinh.

Trò diễn Xuân Phả gồm 5 điệu múa dân gian đặc sắc với tên “Ngũ quốc lân bang đồ tiến cống” gồm các trò Chiêm Thành, Ai Lao, Ngô Quốc, Hoa Lang và Lục Hồn Nhung (còn gọi là Tú Huần) mô phỏng các bộ tộc và các nước lân bang đem đồ tiến cống vua Đinh.

Điểm độc đáo của trò Xuân Phả còn nằm ở những đạo cụ được chế tác tỉ mỉ, công phu từ những nguyên liệu gần gũi, quen thuộc như tre, trúc, gỗ vông, rễ cây si... Trang phục của các nhân vật cũng được thiết kế sặc sỡ, bắt mắt với màu đỏ, xanh, vàng chủ đạo, tượng trưng cho sự may mắn, sung túc. Những chiếc mặt nạ kỳ dị, mũ da bò, mũ nan, siêu đao, mái chèo thuyền, cờ chạy giải... góp phần tạo nên một không gian lễ hội đầy màu sắc và ấn tượng.

xuan-pha2-1738372188.jpg
Trò Xuân Phả gồm có 5 điệu múa rất đặc biệt với tên gọi Hoa Lang, Chiêm Thành, Ai Lao, Ngô Quốc và Tú Huần.

Âm nhạc của trò Xuân Phả là sự kết hợp hài hòa giữa âm thanh của trống, thanh la, mõ tre... tạo nên một không gian lễ hội tưng bừng, náo nhiệt. Trò Hoa Lang là một ví dụ điển hình, với sự tham gia của 1 chúa, 1 mế nàng, 2 lính hầu, 10 quân và 2 người điều khiển ngựa. Đạo cụ của trò Hoa Lang cũng rất cầu kỳ, bao gồm cờ, roi, quạt, siêu đao, mái chèo...

Trong tiếng nhạc rộn ràng, các con trò vừa múa vừa hát theo nhịp điệu lúc khoan thai, lúc dồn dập của trống, nạo bạt, mã la, mõ tre... Lời hát thể hiện lòng biết ơn đối với các bậc tiền nhân, đồng thời ca ngợi tình bang giao hòa hiếu giữa các quốc gia và gửi gắm ước nguyện về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Với những giá trị văn hóa đặc sắc, tháng 9/2016, trò Xuân Phả đã vinh dự được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Lễ hội làng Xuân Phả (xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá) thường được tổ chức vào ngày 9 - 10 tháng 2 âm lịch hằng năm, thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương đến xem và cổ vũ.

Trò Xuân Phả không chỉ là một lễ hội truyền thống mà còn là "hồn cốt", là niềm tự hào của người dân Thanh Hóa. Trò diễn đã góp phần quan trọng trong việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, trò Xuân Phả cũng là một điểm đến hấp dẫn du khách, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế./.

Hà Khải