Thu nhập hơn 3 tỷ đồng/năm nhờ áp dụng mô hình nuôi lợn khép kín

Mạnh dạn phát triển mô hình nuôi lợn quy mô trang trại theo hướng công nghiệp, gia đình anh Lê Quốc Tân (SN 1976, xã Hưng Nghĩa, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) đã vươn lên trở thành một trong những hộ được công nhận hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Với quy mô trang trại được đầu tư hàng chục tỷ đồng, mỗi năm, gia đình anh Tân thu nhập hơn 3 tỷ đồng.

Khát vọng làm giàu

Ấp ủ khát vọng làm giàu mãnh liệt ngay trên chính quê hương, anh Lê Quốc Tân đã mạnh dạn thử sức với mô hình nuôi lợn thịt. Khi xắn tay vào việc, anh nông dân chất phác mới vỡ ra rằng, thực tế khác xa so với hình dung, nhất là trong lĩnh vực đầu tư đầy nhạy cảm mà mình đang theo đuổi.

anh-cn-1-1685018920.jpg
Anh Tân vui mừng chia sẻ về những thành công trở thành 1 trong 7 nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2022

Nhớ lại những ngày đầu mới xây dựng mô hình, anh Tân cho biết, tận dụng diện tích đất rộng, anh quyết định áp dụng mô hình nuôi lợn để phát triển kinh tế gia đình. Khi ấy, bản thân chưa có kinh nghiệm, nên năm đầu, anh chỉ nuôi lợn nái để gây giống và nuôi lợn thịt. Quy mô bước đầu chỉ vài chục con nhưng do thiếu hụt kinh nghiệm nên vô cùng khốn khó. Vừa vất vả ứng phó dịch bệnh lại loay hoay, tất tả “ngóng” thị trường, có những thời điểm dịch bệnh chuyển biến khó lường, chớp mắt khiến đàn lợn chết sạch, bao nhiêu vốn liếng trôi sông trôi biển hết thảy. Rồi những khi tưởng chừng đã nắm chắc phần thắng thì bất chợt giá cả lại tuột dốc không phanh, trong khi lợn đã đến kỳ không thể giữ lâu trong chuồng trại, buộc anh Tân phải bán tống bán tháo chỉ mong gỡ gạc lại chút vốn.

Không nản chí, anh tiếp tục vay vốn, tích góp kinh nghiệm, đặc biệt xác định kiến thức chính là chìa khóa mở ra con đường thành công. Vì vậy, ngay khi địa phương có mở lớp sơ cấp về thú y anh Tân liền đăng ký theo học không sót một buổi nào. Ngoài ra, anh còn tìm hiểu thêm nhiều tài liệu về quy trình chăn nuôi lợn, các loại bệnh mà đàn lợn hay mắc phải để nắm vững kiến thức. “Nghề nuôi lợn không đơn giản, đặc biệt khi áp dụng quy mô, tổng đàn lớn. Nuôi lợn không thể rập khuân, cứng nhắc bởi mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn phát triển con lợn cần nhu cầu dinh dưỡng, lượng thức ăn khác nhau.. Bên cạnh đó, lợn dễ mắc phải nhiều loại bệnh nếu vệ sinh chuồng trại không đảm bảo. Trước đây, mình chỉ nuôi, chăm sóc theo kinh nghiệm của bản thân, lúc được lúc mất, khi được học, tìm hiểu thêm thì mình với biết những sai lầm mà vô tình đã mắc phải khiến đàn lợn chậm phát triển, hoặc mắc bệnh đến khi nặng rồi mới biết”, anh Tân tâm sự.

Từ thành công bước đầu, anh lên ý tưởng và bàn với gia đình đầu tư phát triển chăn nuôi lợn theo mô hình trang trại khép kín và tăng số lượng đàn. Nghĩ là làm, anh đã chuẩn bị kỹ lưỡng, bắt tay vào nghiên cứu, học hỏi các kiến thức về xây dựng mô hình trên mạng Internet, các chương trình nông nghiệp trên truyền hình và tích cực tham gia các hội thảo liên quan đến chăn nuôi.

anh-cn-2-1685018905.jpg
Trang trại của anh Tân như một khu sinh thái với hệ thống khép kín, đảm bảo môi trường gần như không mùi hôi.

Mạnh dạn đầu tư và gặt hái thành công

Với chủ trương chuyển đổi ruộng đất, cây trồng vật nuôi của địa phương, khu đất ruộng tại xóm 2, xã Hưng Nghĩa, huyện Hưng Nguyên - nơi gia đình anh Tân đang xây dựng trang trại được quy hoạch làm vùng chăn nuôi tập trung với các trang trại gà, lợn, cá. Vì vậy, anh Tân đã mạnh dạn nhận hơn 7 ha, lập Đề án xây dựng trang trại lợn nái công nghệ cao kết hợp nuôi cá, trồng cây.

Để đưa ra quyết định này, anh Tân cũng rất trăn trở, sau khi cân nhắc anh đã quyết định đánh liều vay mượn gần chục tỷ đồng để đầu tư xây dựng chuồng trại, công nghệ. “Khi đó, tích góp mãi cũng cả nhà cũng chỉ có ít vốn, muốn làm trang trại công nghệ cao cần nhiều tiền lắm, dự toán ban đầu cũng hơn 10 tỷ, thời gian thu vốn cũng kéo dài mà rủi ro cao. Nhưng tôi tin rằng mình có kinh nghiệm, được hỗ trợ kỹ thuật, quy trình chuẩn thì sẽ thành công. Nhưng nói thật, khi đó vay ngân hàng gần 10 tỷ ai cũng bảo tôi quá liều, không có một nông dân nào lại liều như vậy”, anh Tân chia sẻ về quyết định đầy mạo hiểm của mình. Từ quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, các vấn đề về môi trường không được đảm bảo, giờ đây anh chuyển hướng sang xây dựng trang trại công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường bền vững, đó là hướng đi được anh xác định lâu dài.

trang-trai-lon-1685063523.jpg
Trang trại luôn duy trì hơn 100 lợn nái và dao động 600 - 800 con lợn thịt mỗi năm cho thu nhập trên 3 tỷ đồng

Với số tiền gần 10 tỷ đồng, anh Tân bắt đầu biến hơn 7 ha được thành một khu trang trại khép kín. Trong đó, 6 dãy chuồng được đầu tư hiện đại với hệ thống làm mát vào mùa hè, sưởi ấm vào mùa đông. Bên cạnh đó, anh còn đầu tư thêm hệ thống xử lý chất thải hiện đại bảo vệ môi trường. Gần 5ha bao quanh trang trại, anh Tân đào ao nuôi cá. Tại đây, anh thả nuôi các loại cá truyền thống như cá chép, trắm, mè… với mật độ thích hợp. Diện tích còn lại anh Tân cải tạo để trồng rau, các loại cây ăn trái, vừa tăng thêm thu nhập, tạo cảnh quan, lại tận dụng được các loại chất thải làm phân bón.

Theo anh Tân, chăn nuôi theo hình thức này có ưu điểm đảm bảo an toàn sinh học, chủ động được con giống, hạn chế được dịch bệnh khi mua lợn giống từ bên ngoài về. Anh Tân chia sẻ thêm: "Việc nắm vững kỹ thuật trong chăn nuôi rất quan trọng. Với số lượng lợn nái lớn, để có con giống tốt, tôi đã thực hiện phương pháp thụ tinh nhân tạo. Để tỷ lệ thành công 100%, cần bảo quản tinh lợn ở nhiệt độ 18 đến 21 độ, thời gian bảo quản tối đa 7 ngày. Mặt khác, khi lợn con được sinh ra, phải chủ động tiêm phòng vắc xin đầy đủ, cho ăn khẩu phần ăn hợp lý và vệ sinh chuồng trại thường xuyên".

Năm 2019, mô hình nuôi lợn, gà và nuôi trồng thủy sản của anh Tân chính thức được công nhận đạt tiêu chuẩn VIETGAP. Đây cũng là năm vô cùng khó khăn khi dịch tả lợn châu phi diễn biến rất phức tạp, tràn lan khắp nơi, nhiều trang trại đã phải bỏ không vì lợn chết nhiều. Ý thức được tầm quan trọng về công tác phòng bệnh, anh Tân bắt đầu xây dựng mô hình phòng dịch 3 lớp với quá trình kiểm soát nghiêm ngặt.

Anh Tân chia sẻ: “Dịch bệnh thì chỉ có phòng chống được mới hiệu quả, còn nếu xảy ra rồi thì coi như mất hết. Ngoài khử khuẩn chuồng trại của mình, tôi cấp vôi bột, hỗ trợ địa phương thuốc sát trùng để phun khử khuẩn, các vùng quanh khu vực trang trại để phòng dịch. Bên cạnh đó, kiểm soát chặt người đến, vào trang trại. Anh em công nhân, kỹ thuật khi về nhà trở lại trang trại ngoài việc khử khuẩn còn phải cách ly đảm bảo 24 giờ, sau đó tiếp tục khử khuẩn mới được vào làm việc. Mặc dù chi phí phòng dịch là khá cao, thậm chí còn phải vay thêm tiền để mua vôi bột, nước khử khuẩn tôi vẫn chấp nhận”.

Những lớp phòng dịch của anh Tân đã phát huy hiệu quả, may mắn trang trại không xảy ra dịch, đàn lợn nái hơn 100 con vẫn bình an trong các căn phòng lạnh, sinh sản đều, giá lợn giống sau dịch lại tăng cao nên năm nay đó anh Tân thu lãi khá lớn. Trong những năm vừa qua, bình quân mỗi năm anh Tân thu về khoảng 18 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí anh lãi ròng hơn 3 tỷ đồng. Số nợ 10 tỷ giờ cũng đã được tất toán, trang trại lại tạo công ăn việc làm ổn định cho 8 lao động với thu nhập bình quân từ 7 – 9 triệu đồng/người/tháng, ngoài ra, còn một số lao động thời vụ.

Với kinh nghiệm hơn 10 năm làm trang trại, anh Tân chia sẻ: "Một trong những yếu tố đưa đến thành công lớn nhất trong chăn nuôi là người sản xuất phải tâm huyết với nghề, xác định mình sống vì nghề. Cần mạnh dạn đầu tư hiện đại hóa công nghệ chăn nuôi một cách đồng bộ. Mỗi đàn lợn đều có quy trình chăm sóc riêng, từ đàn lợn kế cận, đàn lợn đang mang thai, đàn lợn đã đẻ, lợn thương phẩm… Hiện nay, trên toàn hệ thống trang trại, gia đình anh áp dụng công nghệ chăn nuôi tự động và bán tự động nhằm tăng năng suất, hạn chế quá trình sử dụng sức lao động".

Với sự năng động, mạnh dạn và khả năng nhạy bén trong sản xuất, kinh doanh, mô hình chăn nuôi lợn của anh Lê Quốc Tân trở thành mô hình điểm, hiện thực hóa giấc mơ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình. Anh Lê Quốc Tân đã vinh dự trở thành 1 trong 7 nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2022 và nhận được nhiều bằng khen khác của các cấp, ngành, địa phương.

Lê Thìn