Hà Nội: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý và phát triển thương mại lĩnh vực nông, lâm, thủy sản

Ngày 17/10, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội phối hợp với Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) đã tổ chức Hội thảo: "Chuyển đổi số trong công tác quản lý chất lượng, chế biến, phát triển thị trường nông, lâm, thủy sản trên địa bàn thành phố Hà Nội".
img-8415-1729155088.jpg
Ngày 17/10, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội phối hợp với Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) đã tổ chức Hội thảo: "Chuyển đổi số trong công tác quản lý chất lượng, chế biến, phát triển thị trường nông, lâm, thủy sản trên địa bàn thành phố Hà Nội". (Ảnh: Đại Lộc)

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đình Hoa - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội chia sẻ: "Theo đánh giá, ngành nông nghiệp Hà Nội đã có nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp đưa sản phẩm nông, lâm, thủy sản lên các nền tảng thương mại điện tử, nhằm mở rộng thị trường và tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng".

img-8435-1729155161.jpg
Ông Nguyễn Đình Hoa - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội phát biểu tại hội thảo.

Thời gian tới, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục phát triển và hướng đến đồng bộ các công cụ phục vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, số hóa, tạo lập dữ liệu, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu đất đai nông nghiệp, cây trồng, vật nuôi, thủy sản; kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu ngành, lĩnh vực phục vụ chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Nhà nước và sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Đồng thời, Hà Nội sẽ đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP của thành phố lên sàn thương mại điện tử…

img-8464-1729155254.jpg
Ông Nguyễn Quốc Toản - Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, chia sẻ tại hội thảo.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản - Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp cho biết: Thời gian tới, Bộ NN&PTNT tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành xây dựng hệ thống dữ liệu ngành Nông nghiệp. Xây dựng và hoàn thiện chính sách phục vụ chuyển đổi số trong nông nghiệp phù hợp và kịp thời, tạo động lực thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số ngành Nông nghiệp đúng trọng tâm và hiệu quả.

Đặc biệt, đẩy mạnh các hoạt động kết nối sản xuất tiêu thụ nông sản, phát triển ngành nghề, dịch vụ du lịch nông thôn trên nền tảng số, thông qua các sàn thương mại điện tử và thanh toán trực tuyến để thúc đẩy tiêu thụ nông sản...

Chia sẻ tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho hay: Hà Nội đã và đang duy trì "Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm sản, thủy sản thực phẩm thành phố Hà Nội” (tại website: check.hanoi.gov.vn).

img-8479-1729155365.jpg
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường (Sở NN&PTNT Hà Nội), chia sẻ tại hội thảo.

Tính đến nay, thành phố đã hỗ trợ hướng dẫn và cấp tài khoản, duy trì hệ thống quản lý cho 3.533 cơ sở là các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông, lâm sản và thủy sản; đã cấp 14.050 bộ mã truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông, lâm, thủy sản đủ các tiêu chí về an toàn thực phẩm lên hệ thống.

Trong năm 2024, số lượng sản phẩm nông sản trên các sàn thương mại điện tử đã tăng 30% so với năm trước. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản đã triển khai, ứng dụng marketing số (digital marketing) để quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu thông qua các trang mạng xã hội (facebook, tiktok, zalo…), website và ứng dụng di động. Việc này giúp tăng cường nhận diện, thu hút khách hàng từ các thị trường trong và ngoài nước

img-8456-1729155449.jpg
Đại diện lãnh đạo cơ quan, ban ngành Nông nghiệp, đại diện của Sở NN&PTNT thành phố Hà Nội và các đơn vị, HTX, doanh nghiệp lĩnh vực nông - lâm - thủy sản tham dự tại hội thảo.

Hà Nội đang hướng tới mục tiêu phát triển nền nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng biến đổi khí hậu và kết nối tiêu thụ sản phẩm. Thời gian qua, ngành nông nghiệp thành phố đã triển khai nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển công nghệ cao, chuyển đổi số, cơ giới hóa, tự động hóa.

Đặc biệt, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý vùng trồng, vùng nuôi và quản lý truy xuất nguồn gốc thực phẩm, nông sản thực phẩm, hỗ trợ tốt nhất cho người tiêu dùng và doanh nghiệp, nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất.

img-8541-1729155712.jpg
Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đã ứng dụng công nghệ cao, quét mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm,...

Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn TP. Hà Nội có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, 185 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 45 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 54 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản và một mô hình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi. Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố.

Nhìn chung các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiện có trên địa bàn thành phố quy mô chưa lớn, nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế của Hà Nội. Đồng thời, đã khẳng định được vai trò trong thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp điều kiện hiện nay của thành phố, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho các địa phương nói riêng và thành phố nói chung.

Theo ông Hoàng Văn Thám - Tổng Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) cho biết, 100% sản phẩm rau của hợp tác xã sau khi sơ chế, đóng gói được dán tem QRCode truy xuất nguồn gốc đến từng hộ sản xuất và từng thửa ruộng.

Cho đến nay, sản phẩm rau của Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn được tiêu thụ ở các siêu thị: Big C, Go, Tops, Mega Market; 21 trường học, 3 bệnh viện, 4 công ty và nhà máy chế biến thực phẩm tại Hà Nội. Tổng sản lượng tiêu thụ 9 tháng năm 2024 là 640 tấn, doanh thu đạt khoảng 18 tỷ đồng.

z5939252305733-c2143784842d8efeee2dd7f3d7893212-1729155928.jpg
Sản phẩm của Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) giới thiệu tại hội thảo.

Thông qua Hội thảo, qua đó có đánh giá chung về việc thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp tại địa bàn thành phố, nhất là việc đưa sản phẩm nông sản lên các sàn thương mại điện tử đã giúp nông dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng ở nhiều khu vực, giảm sự phụ thuộc vào các chợ truyền thống.

Việc ứng dụng tự động hóa và công nghệ số trong chế biến nông lâm thủy sản giúp doanh nghiệp tăng năng suất, giảm chi phí lao động và đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường...

Trong thời gian tới, Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục phát triển các mô hình nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp nông thôn như đẩy mạnh hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ đua hộ sản xuất nông nghiệp các sản phẩm chủ lực, OCOP của thành phố lên sàn thương mại điện tử.

Đồng thời, tiếp tục duy trì và phát triển các kênh tương tác trực tuyến với người dân về thực hiện thủ tục hành chính, kết nối thông tin về các quy định, chính sách pháp luật, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn và phát triển bền vững.../.

Đại Lộc