Sử dụng phân hữu cơ từ rơm rạ có thể làm giảm lượng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu

Kết quả khảo sát cho thấy, hầu như tất cả người dân đều có khuynh hướng lựa chọn biện pháp đốt rơm trên đồng ruộng cho các năm tiếp theo.
huong-dan-dau-bo-ky-thuat-xu-ly-rom-ra-thanh-phan-huu-co-3-1685365341.jpg
Hướng dẫn đầu bờ kỹ thuật xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ tại huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội.

Thay đổi tư duy về cách xử lý rơm rạ

Theo thống kê sản lượng rơm rạ mỗi năm tại Việt Nam là khoảng 40 triệu tấn trong đó, hơn một nửa được xử lý bằng cách đốt đồng gây ô nhiễm môi trường và tăng phát thải khí nhà kính. Nguồn phụ phẩm từ rơm rạ tưởng chừng như bỏ đi nhưng nếu biết tận dụng có thể tái chế thành nhiều sản phẩm hữu ích. Vì thế, Bộ NN-PTNT vừa phối hợp Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế thực hiện Dự án Xây dựng và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn từ rơm.

Người nông dân khi tham gia dự án sẽ được thực hành công nghệ canh tác lúa gạo bền vững, hữu cơ. Tận dụng rơm rạ để sản xuất các sản phẩm từ rơm như nấm rơm, thức ăn cho bò, phân bón sinh học, nhựa sinh học và nông nghiệp đô thị.

Theo nhóm nghiêm cứu của Cử nhân Nguyễn Văn Tiệp, PGS.TS. Lê Quốc Tuấn (thuộc Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh) và ThS. Lê Minh Thanh (Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN Nghệ An), khuynh hướng sử dụng rơm rạ trên đồng ruộng phụ thuộc rất nhiều vào số vụ canh tác lúa trong năm, yếu tố thời tiết cũng như điều kiện canh tác của từng nông hộ.

Ở các địa phương khảo sát, đốt rơm vẫn là biện pháp mà người dân sử dụng phổ biến nhất. Kết quả khảo sát cho thấy, hầu như tất cả người dân đều có khuynh hướng lựa chọn biện pháp đốt rơm trên đồng ruộng cho các năm tiếp theo.

dot-rom-1685365363.jpg
Đốt rơm rạ gây lãng phí, ô nhiễm môi trường.

Kết quả phỏng vấn cũng cho thấy, 98,33 % (vụ Xuân), 95,83 % (vụ Hè Thu) hộ dân sẽ vẫn lựa chọn biện pháp đốt rơm trên đồng ruộng để xử lý nguồn sinh khối này trong những năm tiếp theo, trong khi các hình thức xử lý rơm khác chiếm tỷ lệ rất thấp. Kết quả khảo sát cho thấy, nhận thức của người dân về ảnh hưởng của đốt rơm đến môi trường còn hạn chế.

Người dân lựa chọn hình thức xử lý rơm bằng phương pháp đốt phụ thuộc lớn vào điều kiện thời tiết và khí hậu. Đốt rơm trên các diện tích rộng lớn sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường đất, không khí, ảnh hưởng sức khỏe con người và góp phần làm gia tăng biến đổi khí hậu, gây lãng phí một nguồn tài nguyên sinh khối to lớn.

Hãy sử dụng phân bón hữu cơ

Theo các chuyên gia nông nghiệp, rơm rạ là nguồn dinh dưỡng quan trọng cho đất đặc biệt là chất hữu cơ làm cho đất có kết cấu tốt, tơi xốp, dễ làm đất, mùn nhiều, tăng khả năng giữ nước và chất dinh dưỡng. Đồng thời cũng làm tăng hoạt động của vi sinh vật đất, làm cho đất màu mỡ đảm bảo năng suất lúa ổn định.  

Vậy tận dụng phụ phẩm trong nông nghiệp, quản lý rơm rạ thế nào cho đúng cách?

Một số phương pháp quản lý rơm hữu dụng như dùng rơm tủ gốc cây hay trong quá trình sản xuất trồng cây vụ đông theo phương pháp làm đất tối thiểu có phủ rơm rạ như trồng hành, tỏi, ủ gốc cho cây ăn quả… đang là câu chuyện được người nông dân quan tâm, tìm tòi học hỏi để áp dụng trong thực tiễn.

Hay việc ứng dụng rất gần gũi khác mà không cần xới đảo đống rơm rạ là nguồn nguyên liệu giá thể để trồng nấm. GS.TS Nguyễn Xuân Hồng, nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho rằng, việc tận dụng rơm rạ đúng cách sẽ giúp cho môi trường đất phì nhiêu để cây trồng phát triển và nông dân giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập.

“Tuy nhiên nếu chúng ta không quản lý rơm rạ đúng cách sẽ lãng phí một nguồn tài nguyên quý. Đặc biệt, nếu ta xử lý sai cách sẽ gây ngộ độc hữu cơ cho cây lúa và gây ô nhiễm môi trường. Thậm chí nó còn là hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người sản xuất và cộng đồng, giảm thu nhập của người sản xuất lúa”, GS.TS Nguyễn Xuân Hồng, nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo.

romra1-1685365405.jpg
Hãy ủ rơm rạ thành phân bón hữu cơ.

GS.TS Nguyễn Xuân Hồng cũng cho rằng, bên cạnh việc quản lý rơm rạ bằng những cách trên thì xử lý rơm rạ tại đồng ruộng bằng việc bổ sung chế phẩm sinh học như phân vi sinh Đa chủng đa chức năng Azotobacterin, chế phẩm Sumitri... sẽ đạt hiệu quả tốt hơn. “Người nỗng dân hãy sử dụng phân bón hữu cơ thay cho một phần phân hóa học là xu hướng chúng ta cần hướng đến. Tái tạo rơm rạ thành phân bón hữu cơ cũng là cách để ta giảm thiểu sử dụng phân hóa học đi chứ”, GS.TS Nguyễn Xuân Hồng nói thêm.

Sử dụng phương pháp ủ phụ phẩm nông nghiệp bằng men vi sinh có thể bổ sung thêm phân chuồng là giải pháp cần thiết hiện nay. Với phương pháp này, phế thải đồng ruộng được thu gom và ủ bằng chế phẩm sinh học như Biomix, Compost maker… trước khi vùi vào trong đất hoặc chờ thành phân hữu cơ rồi bón ra ruộng.

Sử dụng các chế phẩm vi sinh vật sẽ làm đẩy nhanh quá trình phân hủy chất hữu cơ, tăng cường hiệu quả xử lý. Thời gian ủ để rơm hoai mục rút ngắn còn 30-36 ngày. Sử dụng phân rơm bón lại cho lúa đã có tác dụng tích cực đến năng suất lúa ở ngay vụ đầu tiên. Sử dụng phân hữu cơ từ rơm rạ hay phân rơm có thể làm giảm lượng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu.

Nhóm tác giả nêu trên cũng đề xuất biện pháp quản lý, sử dụng rơm rạ một cách hợp lý, tối ưu hóa việc quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên của địa phương, giảm thiểu các nguồn tài nguyên không tái sinh nhằm đảm bảo phát triển nông nghiệp bền vững trước tiên phải là công tác tuyên truyền và giáo dục cộng đồng.

“Đây là phương pháp quan trọng hàng đầu. Giải pháp này mang lại hiệu quả lâu dài làm thay đổi dần những tập quán cũ có từ lâu đời. Để thực hiện biện pháp này, chúng ta cần tuyên truyền qua các kênh thông tin đại chúng, phương tiện truyền thông như loa phát thanh của địa phương, thông qua các chương trình văn hóa văn nghệ... để nâng cao nhận thức của người dân trong việc quản lý và xử lý phế thải đồng ruộng. Tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng các chương trình làng xóm sạch sẽ. Hàng năm bình xét và có chính sách khen thưởng các đơn vị, hộ gia đình làm tốt công tác bảo vệ môi trường.

Giáo dục trong các trường học để nâng cao nhận thức của học sinh. Việc xây dựng ý thức bảo vệ môi trường cho công dân phải được thực hiện từ nhỏ, tổ chức các chương trình học tập, vui chơi có lồng ghép vấn đề môi trường”, nhóm tác giả thuộc Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh và Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN Nghệ An nhấn mạnh./.