Thời gian qua, tổng vốn đầu tư cho phát triển công nghiệp liên tục được mở rộng, trong đó, tỷ lệ đầu tư công nghiệp trên tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội luôn chiếm xấp xỉ 40% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, chỉ sau ngành dịch vụ (xấp xỉ 50%) với sự dịch chuyển từ đầu tư của khu vực Nhà nước sang đầu tư của khu vực ngoài nhà nước (chủ yếu là FDI), trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo luôn là khu vực thu hút nhiều đầu tư FDI nhất. Giai đoạn 2011-2019, tăng trưởng đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp ước tăng 11,79% và khoảng gần 14% năm 2020, cao hơn mức tăng chung toàn xã hội.
Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, 7 tháng đầu năm 2022, công nghiệp chế biến chế tạo thu hút được hơn 10 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 64,3% tổng vốn đầu tư đăng ký, tiếp tục là ngành thu hút FDI nhiều nhất cả nước. Nếu xét về số lượng dự án mới, công nghiệp chế biến chế tạo cũng nằm trong 3 lĩnh vực thu hút được nhiều dự án nhất, chiếm 26,6%. Nhiều dự án sản xuất, chế tạo các sản phẩm điện tử, công nghệ cao liên tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam sau một thời gian đầu tư và hoạt động hiệu quả với số vốn đầu tư lên đến hàng trăm triệu USD cho mỗi dự án.
Song, vướng mắc của nền công nghiệp Việt Nam nằm ở việc nội lực còn yếu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế phụ thuộc quá lớn vào các doanh nghiệp FDI. Đơn cử, các doanh nghiệp FDI chiếm hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt, đối với các ngành xuất khẩu chủ lực như điện - điện tử, dệt may, da giày, số lượng doanh nghiệp FDI chỉ khoảng 20% trên tổng số doanh nghiệp nhưng lại chiếm tới hơn 80% kim ngạch xuất khẩu. Các doanh nghiệp này chủ yếu tập trung ở khu vực hạ nguồn để tận dụng các ưu đãi về thuế và các chi phí đầu vào như nhân công giá rẻ và các yêu cầu về môi trường, lao động chưa quá cao của Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương nhận định, để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, tránh bẫy thu nhập trung bình, thời gian tới Việt Nam cần tiếp tục theo đuổi mục tiêu công nghiệp hoá lấy công nghiệp chế biến, chế tạo làm trọng tâm, trong đó tập trung xây dựng nền sản xuất tự chủ.
Vì vậy, nguồn lực xã hội nên tập trung vào việc xây dựng và nâng cao năng lực, năng suất cho các doanh nghiệp công nghiệp trong nước, hình thành và phát triển các doanh nghiệp công nghiệp mạnh, các chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị trong nước (bao gồm cả hoạt động sản xuất và dịch vụ trên toàn chuỗi), có đủ năng lực cạnh tranh toàn cầu; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để các doanh nghiệp công nghiệp trong nước có thể lớn mạnh, tạo ra giá trị gia tăng trong nước lớn hơn, kết nối được với khu vực đầu tư nước ngoài, và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Các chính sách quản lý đầu tư và ưu đãi đầu tư cần được xây dựng chặt chẽ để có thể thu hút nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài, một cách hiệu quả, tạo điều kiện đầu tư lớn cho phát triển công nghiệp, qua đó nâng cao năng lực, trình độ khoa học và công nghệ, nguồn nhân lực cũng như thúc đẩy liên kết, tham gia mạng sản xuất cho các doanh nghiệp công nghiệp trong nước. Những chính sách này cũng sẽ là cú hích giúp giải quyết “vòng luẩn quẩn” thiếu vốn, công nghệ và nhân lực để phát triển công nghiệp trong thời gian dài vừa qua.
Ngoài ra, cần có các chính sách bổ trợ tạo dựng mô hình sản xuất một cách có hiệu quả để phát triển công nghiệp theo chuỗi giá trị, xây dựng các cụm liên kết ngành, tạo nhiều thuận lợi hơn cho việc thu hút đầu tư cũng như chuyên môn hoá sản xuất, kết nối giữa các doanh nghiệp công nghiệp trong cụm để tận dụng được lợi thế cạnh tranh giữa các địa phương và các vùng, qua đó tạo ra được sức mạnh, lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, tiếp thu ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, địa phương và ý kiến thẩm định Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương đã xây dựng và dự thảo Hồ sơ trình Chính phủ đề nghị xây dựng dự án Luật Phát triển công nghiệp, hiện đang lấy ý kiến của người dân và doanh nghiệp. Theo đó, Luật Phát triển công nghiệp sẽ tập trung điều chỉnh các hoạt động phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, có tác động lan tỏa thúc đẩy tới các ngành công nghiệp và kinh tế khác.
Luật Phát triển công nghiệp cũng sẽ không tập trung vào các hoạt động quản lý hành chính nhà nước và điều kiện đầu tư kinh doanh, mà sẽ tập trung vào việc thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên cơ sở tạo cơ chế, môi trường hấp dẫn để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào công nghiệp, nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp, phát triển liên kết công nghiệp và kinh tế vùng - địa phương, đồng thời xây dựng mô hình và cơ chế quản lý công nghiệp phù hợp trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.
Việc xây dựng và ban hành Luật Phát triển công nghiệp được kỳ vọng sẽ tạo sự đồng bộ và tính liên kết, phát huy hết tiềm năng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, huy động tối đa nguồn lực phát triển, tạo sự đột phá để góp phần hoàn thành mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.