Sự phát triển tư duy của đảng về chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Công nghiệp hóa ở Việt Nam là quá trình chuyển đổi nền kinh tế Việt Nam từ dựa vào nông nghiệp và thủ công sang máy móc công nghiệp là chính. Vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế (CDCCKT) nói chung và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nói riêng là một chủ trương lớn của Đảng ta, một trong những nội dung cốt lõi của quá trình phát triển kinh tế xã hội.
untitled-1614769451-1658558120.jpg
Ảnh minh họa

Từ năm 1986 đến nay, thực hiện đường lối đổi mới, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương chính sách thể hiện sự đổi mới tư duy kinh tế. Nhờ đó kinh tế nước ta đạt tốc độ tăng trưởng khá cao và phát triển toàn diện, chuyển dịch cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH).

Những năm cuối thập kỷ 70 đầu 80 do cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp kéo dài đã làm cho nền kinh tế trì trệ, dẫn tới khủng hoảng kinh tế xã hội nghiêm trọng. Trong bối cảnh đó để đưa đất nước thoát khỏi tình trạng khó khăn, Đại hội lần thứ VI, tháng 12 - 1986, đã quyết định tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.

Trong bố trí lại CCKT, Đại hội chủ trương “tập trung sức phát triển nông nghiệp, coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, đưa nông nghiệp một bước tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa”; và “ra sức phát triển công nghiệp nhẹ”. Đây là sự cụ thể hóa nội dung chính của công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa (XHCN) trong chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, là bước chuyển biến mới trong tư duy và nhận thức về chuyển dịch CCKT trong thời kỳ mới. Nông nghiệp đã vượt qua được tình trạng khủng hoảng và suy thoái kéo dai trong những năm từ 1976 - 1980 Đại hội đề ra ba chương trình kinh tế lớn: “lương thực - thực phẩm; hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu”.

Ngày 05/4/1998, Bộ chính trị đã ra Nghị quyết 10 "Về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp". Với nội dung cơ bản là khoán gọn đến hộ nông dân, thừa nhận hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ ở địa phương. Đây là mốc đánh dấu bước chuyển biến quan trọng về chất, góp phần đẩy nhanh quá trình xoá bỏ cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp, tạo tiền đề cần thiết cho sự hình thành nền nông nghiệp hàng hoá.

Nghị quyết 10 còn đưa ra chủ trương sắp xếp và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên môn hoá kết hợp với kinh doanh tổng hợp, gắn trồng trọt với chăn nuôi, nông nghiệp và lâm nghiệp, ngư nghiệp; gắn nông - lâm - ngư nghiệp với công nghiệp chế biến và các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn... Đây là những bước đột phá mở đầu cho chuyển dịch CCKT theo hướng phát triển kinh tế hàng hoá.

Tháng 6/1991, tại Đại hội VII, Đảng ta hoạch định Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Quan điển về chuyển dịch CCKT nông nghiệp được Đảng ta chỉ rõ: Phát triển nông - lâm - ngư nghiệp gắn với công nghiệp chế biến, phát triển toàn diện kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ hàng đầu để ổn định tình hình kinh tế - xã hội.

Triển khai những định hướng lớn đó, tháng 6 - 1993, tại Hội nghị Trung ương 5 khoá VII (6/1993) ra Nghị quyết về “Tiếp tục đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội nông thôn". Nghị quyết xác định rõ: phải đổi mới cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn, phá vỡ thế độc canh cây lúa, phá vỡ cơ cấu thuần nông và xây dựng một nền kinh tế nông nghiệp phát triển cân đối, hài hoà.

Nghị quyết nhấn mạnh: "Trên cơ sở xúc tiến công nghiệp hoá nói chung, công nghiệp hoá nông nghiệp và nông thôn nói riêng mà chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng phát triển mạnh, vững chắc, có hiệu quả công nghiệp - dịch vụ ở nông thôn, tăng nhanh tỷ trọng những ngành này trong cơ cấu nông - công nghiệp - dịch vụ"1.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm BCHTW Đảng là một bước phát triển mới về đường lối đổi mới trong nông nghiệp. Đảng đã xác định một hệ thống quan điểm đồng bộ về ba vấn đề lớn: nông nghiệp, nông thôn và nông dân; gắn phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống của nông dân.

Tháng 1/1994, tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII, Đảng ta đã xác định: Từ nay đến cuối thập kỷ phải rất quan tâm đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và kinh tế nông thôn, phát triển toàn diện nông, lâm, ngư nghiệp gắn với công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dung và hàng xuất khẩu….”2.

Với kết quả đạt được sau 10 năm đổi mới, Đại hội VIII (6/1996), Đảng ta quyết định chuyển sang thời kỳ mới, thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, trong phương hướng phát triển nông nghiệp. Đại hội chỉ rõ: “Phát triển toàn diện nông, lâm, ngư nghiệp gắn với công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, đổi mới CCKT nông nghiệp và nông thôn theo hướng CNH, HĐH” 3.

Để phát triển một nền nông nghiệp toàn diện, hướng vào đảm bảo an toàn lương thực quốc gia trong mọi tình huống, tăng nhanh nguồn thực phẩm và rau quả, cải thiện chất lượng bữa ăn. Đại hội chủ trương đẩy mạnh CDCCKT nông nghiệp một cách có hiệu quả theo hướng CNH, HĐH, CDCCKT trong nông nghiệp phải nhằm vào mục tiêu đảm bảo vững chắc nhu cầu lương thực, chủ yếu là lúa, mở rộng diện tích trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, tăng nhanh đàn gia súc gia cầm, phát triển kinh tế biển đảo, kinh tế rừng, khai thác có hiệu quả tiềm năng của nền nông nghiệp sinh thái, tăng nhanh sản lượng hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến và xuất khẩu, mở rộng thị trường nông thôn.

nong-nghiep-the-gioi-tapdoanvinasa-01-16442229547111772846405-1658558184.jpg
Ảnh minh họa

Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội VIII, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá như: Hội nghị Trung ương lần thứ 4 (Khóa VIII) (29 -12-1997)  ra Nghị quyết về Tiếp tục công cuộc đổi mới và phát huy nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, cần kiệm để xây dựng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội đến năm 2000. Hội nghị tiếp tục bàn về phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng CNH, HĐH. Đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ sinh học, ưu tiên phát triển các cây trồng và vật nuôi có quy mô xuất khẩu tương đối lớn và thị trường ổn định, đặc biệt coi trọng các sản phẩm quý hiếm ta có lợi thế. Hết sức chú trọng phát triển công nghệ sau thu hoạch và công nghệ chế biến” 4.

Luật Hơp tác xã (HTX), được Quốc hội thông qua (1-7-1997),quy định việc chuyển đổi các HTX sản xuất nông nghiệp trước đây sang làm chức năng dịch vụ theo mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới, làm dịch vụ cho kinh tế hộ. Tiếp đó Chính phủ ban hành nhiều chính sách mới về nông nghiệp, nông thôn, tiêu biểu là đầu tư cho nông nghiệp và nông thôn theo hướng tăng 50% vốn ngân sách trong năm 1999; chính sách vay vốn cho mỗi hộ nông dân đến 10.000.000 đồng không phải thế chấp.

Ngoài ra còn có nhiều chương trình, dự án lớn của Chính phủ đầu tư, vào nông nghiệp, nông thôn được thực hiện với nguồn vốn ngân sách, vốn vay, vốn viện trợ quốc tế như: Quyết định số 145/1998/QĐ-TTg (15 - 8 -1998) về chính sách quản lý và sử dụng rừng trồng bằng vốn tài trợ của Chương trình lương thực thế giới; Quyết định số 13 - 1998/QĐ-TTg (23-1-1998) về việc thành lập ban chỉ đạo thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa; Chương trình nước sạch nông thôn...

 Cụ thể hóa hơn nữa chủ trương phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn theo hướng CNH, HĐH, tháng 4 - 1998, BCT ra Nghị quyết 10 về “Vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn theo hướng CNH, HĐH”, Nghị quyết nhấn mạnh việc CDCCKT nông nghiệp, nông thôn theo hướng CNH, HĐH là tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ theo hướng sản xuất hàng hóa với cơ cấu đa dạng vừa để xuất khẩu với sức cạnh tranh cao, vừa khai thác lợi thế tiềm năng của từng vùng sinh thái, tăng nhanh năng suất, chất lượng hiệu quả của nông nghiệp.

CDCCKT nông nghiệp, nông thôn theo hướng CNH, HĐH nghĩa là từ chỗ nặng về trồng trọt, chủ yếu là cây lương thực sang sản xuất các cây trồng, vật nuôi có giá trị hàng hóa cao; từ chỗ chủ yếu làm nông nghiệp sang phát triển các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Trong đó giải quyết tốt các mối quan hệ cơ bản giữa trồng trọt với chăn nuôi, giữa nông nghiệp với lâm nghiệp, giữa nông - lâm nghiệp với công nghiệp và dịch vụ...

Ngày 17-10-1998, Hội nghị Trung ương lần thứ 6 BCHTW (KhóaVIII) (lần 1) bàn về Nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 1999 và vấn đề phát triển nông nghiệp, nông thôn. Hội nghị khẳng định: “Tập trung sức cao hơn nữa cho nhiệm vụ phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, làm cơ sở vững chắc cho sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội trong mọi tình huống, ưu tiên phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, điều chỉnh cơ cấu, đổi mới cơ chế các ngành công nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, tăng nhanh khả năng cạnh tranh của sản phẩm”5.

Nghị quyết Trung ương lần thứ 6 (khóa VIII) của Đảng có nhiều nội dung mới, trong đó quan trọng nhất là khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Lần đầu tiên, vấn đề kinh tế trang trại được thừa nhận trong Nghị quyết của Đảng. Nghị quyết thừa nhận trang trại như một hình thức phát triển kinh tế hộ sản xuất hàng hóa với quy mô lớn hơn, với trình độ cao hơn; chủ trương phát triển kinh tế hộ, đổi mới HTX, doanh nghiệp nhà nước, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân; tăng đầu tư cho nông nghiệp; mở rộng quyền của người sử dụng đất, thừa nhận đất đai có giá.

Nghị quyết khẳng định sự tồn tại tất yếu, lâu dài của nền kinh tế nhiều thành phần, chỉ rõ tầm quan trọng của các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế hộ, xác lập vị trí của kinh tế trang trại. Đồng thời vạch hướng cho đầu tư vào nông nghiệp về khoa học, công nghệ, mở rộng quyền sử dụng đất, phát triển thị trường nông sản.

Đặc biệt, tháng 1-1998 Bộ Chính trị ra Nghị quyết 06 - NQ/TW về Một số vấn đề phát triển nông nghiệp và nông thôn khẳng định quan điểm, mục tiêu nhất quán của Đảng là: Coi trọng CNH, HĐH trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn, đưa nông nghiệp và kinh tế nông thôn lên sản xuất lớn là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng cả trước mắt và lâu dài. Đẩy mạnh CDCCKT, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp chế biến, tạo thành liên kết nông - công nghiệp - dịch vụ và thị trường trên địa bàn nông thôn và trên phạm vi cả nước.

img-20210225-102932-1658558233.jpg
Ảnh minh họa

Phát huy lợi thế của từng vùng và cả nước, áp dụng nhanh các tiến bộ khoa học công nghệ để phát triển nông nghiệp hàng hóa đa dạng, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu nông sản thực phẩm và nguyên liệu công nghiệp hướng mạnh ra xuất khẩu. Phát triển nền nông nghiệp với nhiều thành phần kinh tế. Nghị quyết còn đề ra nột số biện pháp để CDCCKT nông nghiệp; đẩy mạnh thâm canh lúa, từng bước hình thành các vùng tập trung sản xuất tập trung cây công nghiệp, rau hoa quả; khuyến khích kinh tế hộ, HTX và trang trại chăn nuôi quy mô vừa và lớn.......đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính trong nông nghiệp.

Cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Ngày 15 - 6 - 2000, Chính phủ ban hành Nghị quyết 09/CP Về một số chủ trương và chính sách về chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. cho phép chuyển đổi cơ cấu cây trồng: Chuyển một phần diện tích lúa năng suất thấp sang trồng màu, cây công nghiệp, cây ăn quả... thực hiện đa dạng hóa cây trồng để tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp.

Nghị quyết 09/CP của Chính phủ đã thể hiện sự đổi mới tư duy theo xu hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, lấy hiệu quả làm mục tiêu, khác hẳn với tư duy tự túc lương thực bằng mọi giá, kể cả cấm chuyển đất lúa sang trồng cây trồng khác hoặc chạy theo năng suất cao, sản lượng nhiều mà không quan tâm đến chất lượng, giá cả nông sản và sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Năm 2001, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng họp trên cơ sở tổng kết, đánh giá những thành tựu, hạn chế của 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII, 15 năm đổi mới, 10 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội đã rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc, từ đó đề ra đường lối chiến lược nhằm tiếp tục sự nghiệp lãnh đạo cả nước đi lên trong thời kỳ mới, trong đó nhấn mạnh: “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là nhiệm vụ trong tâm” 6.

Đối với ngành kinh tế nông nghiệp, từ thực tiễn và kinh nghiệm lãnh đạo phát triển nông nghiệp giai đoạn trước, Đảng đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy nông nghiệp phát triển mà trọng tâm là: “Đẩy nhanh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn theo hướng hình thành nền nông nghiệp hàng hóa lớn phù hợp với nhu cầu thị trường và điều kiện sinh thái của vùng” 7.

Về phương hướng phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn rong thời gian tới là: “Chuyển đổi nhanh cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn, đây sẽ là cơ sở để đẩy mạnh CDCCKT nông nghiệp trong cả nước. Xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh phù hợp với tiềm năng và lợi thế về khí hậu, đất đai và lao động của từng vùng, từng địa phương. Ứng dụng nhanh khoa hoc và c61 biến; gắn sản xông nghệ vào sản xuất, nhất là ứng dụng công nghệ sinh học, gắn nông nghiệp với công nghiệp chế biến; gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ; hình thành sự liên kết công – nông nghiệp – dịch vụ ngay trên địa bàn nông thôn” 8.

Ngày 28-02-2001, Bộ chính trị ban hành Chỉ thị 63-CT/TW về “Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn”.

Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội IX, Hội nghị Trung ương 5 (khoá IX) (18 - 3-2002) đã ra 3 nghị quyết quan trọng liên quan trực tiếp đến nông nghiệp và nông thôn. Đó là các nghị quyết: “Đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn thời kỳ 2001-2010”; “Tiếp tục đổi mới phát triển và nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể” và “Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân”.

Các nghị quyết trên đã làm rõ quan điểm của Đảng về CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn: “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp là quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá lớn, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường; thực hiện cơ khí hóa, điện khí hóa, thủy lợi hóa, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, trước hết là công nghệ sinh học, đưa thiết bị, kỹ thuật và công nghệ hiện đại vào các khâu sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa trên thị trường.

Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông thôn là quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng nhanh tỉ trọng giá trị sản phẩm vào lao động các ngành công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỉ trọng sản phẩm vào lao động nông nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển nông thôn, bảo vệ môi trường sinh thái, tổ chức lại sản xuất và xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp; xây dựng nông thôn dân chủ, công bằng, văn minh không ngừng nâng cao đời sống vật chất, văn hóa của nhân dân ở nông thôn 9.

Như vậy, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) đã đưa ra quan niệm tổng quát về CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn; nhiệm vụ của CNH, HĐH nông nghiệp và nhiệm vụ CNH, HĐH nông thôn có quan hệ chặt chẽ với nhau, hòa quyện vào nhau, tác động lẫn nhau trong quá trình phát triển. Vì thế, đặt ra vấn đề cho các cấp lãnh đạo, không được tách rời từng nội dung mà phải luôn luôn gắn kết trong một thể thống nhất trong quá trình chỉ đạo thực tiễn.

Từ thực tiễn của đất nước ta, từ đường lối CNH, HĐH đất nước đã được Đảng nêu ra tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ (khóa VII) và các đại hội VIII, IX, X, từ kinh nghiệm được rút ra sau hơn 15 năm thực hiện đường lối đổi mới, từ kinh nghiệm của các nước, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 (khóa IX) đã làm rõ hơn nữa những quan điểm của Đảng về đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, với nội dung chính như sau:

Một là, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển công nghiệp, dịch vụ phải gắn bó chặt chẽ, hỗ trợ đắc lực và phục vụ có hiệu quả cho CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.

Hai là, ưu tiên phát triển lực lượng sản xuất, chú trọng phát huy nguồn lực con người, ứng dụng rộng rãi thành tựu khoa học, công nghệ, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát huy lợi thế của từng vùng gắn với thị trường để sản xuất hàng hóa quy mô lớn với chất lượng và hiệu quả cao, bảo vệ môi trường, phòng chống, hạn chế, giảm nhẹ thiên tai, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.

Ba là, dựa vào nội lực là chính đồng thời tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài, phát huy tiềm năng của các thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc, phát triển mạnh mẽ kinh tế hộ sản xuất hàng hóa, các loại hình doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nông thôn.

 Bốn là, kết hợp chặt chẽ các vấn đề kinh tế và xã hội trong quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn nhằm giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, ổn định xã hội và phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của người dân nông thôn, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, cùng xa, giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa và thuần phong mỹ tục.

Năm là, kết hợp chặt chẽ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, với xây dựng tiềm lực và thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thể hiện trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế, xã hội của cả nước, của các ngành, các địa phương…10.

Tháng 4 năm 2006, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng được tổ chức, Đại hội đề ra phương hướng phát triển đến năm 2010. Đối với lĩnh vực nông nghiệp Đại hội chủ trương: “Đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp và nông thôn, giải quyết đồng bộ các vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân” 11.

Đại hội chỉ rõ hiện nay và trong nhiều năm tới, vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân vẫn có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng. Vì vậy, Đại hội tiếp tục khẳng định lại quan diểm CNH, HĐH nông nghiệp được đề ra tại Đại hội VIII và nhấn mạnh: “Phải luôn coi trọng đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp hàng hóa lớn, đa dạng, phát triển nhanh và bền vững, có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh ranh cao; bảo đảm vững chắc an ninh lương thực và tạo điều kiện từng bước hình thành nề nông nghiệp sạch; phấn đấu giá trị tăng thêm trong ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng 3-3,2%/năm” 12.

Đối với CDCCKT nông nghiệp, Đại hội nêu rõ: “Thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn, chuyển mạnh sang sản xuất các loại sản phẩm có thị trường và hiệu quả kinh tế cao; đẩy mạnh thâm canh các loại cây trồng trên cơ sở áp dụng các loại quy trình sản xuất đồng bộ và tiên tiến; quy hoạch diện tích sản xuất lương thực ổn định; phát triển mạnh chăn nuôi theo hướng quy mô lớn, an toàn về dịch bệnh và bền vững về môi trường. Xây dựng các vùng nông sản hàng hóa tập trung gắn với chuyển giao công nghệ sản xuất và chế biến, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, tự phát” 13, Đây là những định hướng rất quan trọng đối với ngành kinh tế nông nghiệp trong quá trình đẩy mạnh CDCCKT theo hướng CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.

Ngày 5-8-2008, tại Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X đã thông qua Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Nghị quyết đã tổng kết thành tựu và hạn chế của cả nông nghiệp và nông thôn Việt Nam sau 20 năm đổi mới, từ đó đề ra mục tiêu: “Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài. Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp ly...” 14.

Đối với kinh tế nông nghiệp, Nghị quyết nhấn mạnh: “Đẩy nhanh tiến độ quy hoạch sản xuất nông nghiệp tiết kiệm, có hiệu qua, duy trì diện tích đất lúa dảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trước mắt và lâu dài. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn sản xuất với chế biến và thị trường. Phát triển sản xuất với quy mô hợp lý các loại nông sản hàng hóa nông sản xuất khẩu có lợi thế nông sản thay thế nhập khẩu” 15.

Nghị quyết cũng nêu lên một số các giải pháp đồng bộ khác nhằm thúc đẩy kinh tế nông nghiệp và nông thôn phát triển như: Xây dựng két cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển các đô thị; đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả; phát triển nhanh nghiên cứu, chuyển iao và ứng dụng khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, tạo đột phá để hiện dại hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa nông thôn; đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách để huy động cao các nguồn lực, phát triển nhanh kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nươc, phát huy sức mạnh của các đoàn thể chính trị  - xã hội ở nông thôn, nhất là Hội nông dân.

Đối với các thành phần kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, Nghị quyết 26-NQ/TW chủ trương: “Tiếp tục tổng kết, đổi mới và xây dựng các mô hình kinh tế, hình thức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn. Có chính sách khuyến khích phát triển các mối liên kết giữa hộ nông dân với các doanh nghiệp HTX, tổ chức khoa học, hiệp hội ngành hàng và thị trường tiêu thụ sản phẩm để hộ tợ kinh tế hộ phát triển theo hướng gia trại, trang rại có quy mô phù hợp, sản xuất hàng hóa lớn” 16.

Như vậy, so với thời kỳ trước, giai đoạn từ năm 2006 - 2010, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách quan tâm cụ thể đối với kinh tế nông nghiệp nói chung và quá trình CDCCKT nông nghiệp nói riêng nhằm thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển theo hướng hình thành nền nông nghiệp hàng hóa lớn phù hợp với nhu cầu thị trường và quá trình CNH, HĐH đất nước. Đây là cơ sở lý luận quan trọng để Đảng bộ tỉnh Bình Dương đề ra nhiều chủ trương phát triển nông nghiệp và CDCCKT nông nghiệp phù hợp với điều kiện địa phương.

Một trong những giải pháp quan trọng được đảng ta nhấn mạnh đó là phát huy truyền thống vẻ vang, lòng tự hào của dân tộc nhằm khơi dậy niềm tin, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, góp phần hoàn thành mục tiêu CNH, HĐH nền kinh tế, sánh vai với các quốc gia giàu mạnh trên thế giới vào giữa thế kỷ XXI.

Đại hội XIII của đảng khẳng định, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức về “Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế” đến các cấp, ngành, địa phương và người dân; thay đổi nhận thức và cách tiếp cận về sản xuất nông nghiệp hàng hóa trong điều kiện hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu.

CMCN 4.0 là cơ hội lớn, cũng là thách thức lớn đối với sự thịnh vượng của Việt Nam. Trong hành trình đón đầu thách thức, tận dụng thời cơ đó, Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư là bước phát triển về tư duy của đảng trong lãnh đạo điều hành nền kinh tế nước ta trong bối cảnh mới./.

Tài liệu tham khảo:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết Số 05 - NQ/HNTW của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khoá VII (ngày 10/6/1993): Tiếp tục đổi mới phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tr. 63.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2007): Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 53,  Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 207.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam (1996): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 35.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam (1997), Nghị quyết Hội Nghị Trung ương 4 (khóa VIII), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 135.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2005): Văn kiện Đảng thời kỳ đổi mới, (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 305.

6, 7, 8. Đảng Cộng sản Việt Nam (2005): Văn kiện Đại hội đại biểu  toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 25, 168, 276.

9.  Đảng Cộng sản Việt Nam (2002): Văn kiện Hội nghị lần thứ 5 BCH TW khóa IX, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 93-94.

10. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001): Chị thị của Bộ Chính trị về đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, Hà Nội, tr. 94 -95.

11, 12, 13.  Đảng Cộng sản Việt Nam (2005): Văn kiện Đại hội đại biểu  toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 88, 191, 191

14, 15, 16 Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết Số 26 - NQ/HNTW của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khoá X (ngày 5/8/2008): Về nông nghiệp, nông thôn và nông dân, tr. 3, 4, 8.

 

Th.S Bùi Thanh Xuân