Nỗ lực ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại dịp Tết

Ngày 1/2, Bộ Tài chính thông tin tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trong những tháng cuối năm đặc biệt là giai đoạn giáp Tết Nguyên đán diễn biến phức tạp. Dịp tết cũng là cao điểm triển khai các hoạt động tuyên truyền và kiểm tra nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại tại các địa phương.
chong-buon-lau-gian-lan-thuong-mai-04-1706774211.jpg
Giáp Tết Nguyên đán, các hoạt động vận chuyển trái phép pháo nổ đang có chiều hướng gia tăng. (Ảnh: Vietnam+)

Buôn lậu, gian lận thương mại gia tăng dịp tết

Trong tháng Một, Cơ quan Hải quan đã phát hiện nhiều vụ việc vi phạm liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại. Trong đó, hoạt động vận chuyển trái phép pháo nổ đang có chiều hướng gia tăng. Một số địa phương xuất hiện các vụ việc vi phạm liên quan đến vận chuyển trái phép pháo nổ như Quảng Trị, Nghệ An, Lạng Sơn...

Theo thống kê, từ ngày 16/12/2023 đến 15/1, toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 1.253 vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính gần 1.612 tỷ đồng. Theo đó, Cơ quan Hải quan đã khởi tố 3 vụ và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 10 vụ với số tiền thu nộp ngân sách nhà nước xấp xỉ 23 tỷ đồng.

Triển khai chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã ban hành Kế hoạch 6278/KH-TCHQ về Cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Trên cơ sở đó, Cục Hải quan các tỉnh thành phố, các đơn vị nghiệp vụ sẽ kiểm soát chống buôn lậu của Cục Điều tra chống buôn lậu căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, địa bàn đơn vị quản lý đã ban hành Kế hoạch. Ngoài ra, Tổng cục Hải quan cho hay đã cũng ban hành các văn bản hướng dẫn, cảnh báo nghiệp về các tuyến, địa bàn, loại hình có nguy cơ rủi ro về buôn lậu, gian lận thương mại.

chong-buon-lau-gian-lan-thuong-mai-001-1706774321.jpg
Hải Quan Việt Nam phối hợp với các lực lượng chức năng khác kiểm soát buôn lậu dịp Tết.

Bên cạnh đó, hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới vẫn diễn ra hết sức phức tạp, tập trung chủ yếu qua cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng từ các nước châu Âu, châu Mỹ và tuyến đường bộ từ Lào thực hiện trung chuyển qua Việt Nam qua tuyến đường biển. Cụ thể, ngành Hải quan đã chủ trì phối hợp với các lực lượng Công an, Bộ đội Biên Phòng phát hiện, bắt giữ 38 vụ/49 đối tượng, trong đó cơ quan Hải quan chủ trì 7 vụ, Công an 24 vụ, Biên Phòng 7 vụ. Tổng số tang vật thu trên 55,4 kg ma túy các loại.

Ngoài ra, Cơ quan Hải quan cũng kiểm tra phát hiện việc vận chuyển sách, báo có nội dung không phù hợp với văn hóa phẩm của Việt Nam như vụ việc do Chi cục Hải quan Sân bay Tân Sân Nhất phát hiện hành khách nhập cảnh mang theo 69 đầu sách có tựa đề: “Giáp chiến cộng sản,” “Khối 8406 tự do dân chủ cho Việt Nam”… có nội dung không phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.

Các hoạt động chống buôn lậu tại các địa phương

Tại Thanh Hóa, Cục Hải quan Thanh Hóa đã tăng cường nắm bắt tình hình,duy trì phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong và ngoài ngành nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và đấu tranh chống mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới.

Cửa khẩu quốc tế Na Mèo, huyện Quan Sơn kết nối giao thương với huyện Nậm Xôi, tỉnh Hủa Phăn, Lào là khu vực biên giới có hoạt động thương mại sầm uất, nhất là càng giáp Tết. Thời điểm này cũng là lúc nhiều đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại hoạt động mạnh qua biên giới.

Để tăng cường đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại, các phương tiện và hàng hóa được giám sát tải trọng trước khi xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu. Hành lý của công dân nhập cảnh được kiểm tra qua hệ thống soi thông minh và giám sát ma túy.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Na Mèo, Cục Hải quan Thanh Hóa cho biết: "Những ngày cuối năm, Chúng tôi tích cực phối hợp nhiều đơn vị như: biên phòng, công an, quản lý thị trường, kiểm dịch y tế và động vật, bám sát hàng hóa, phương tiện qua lại tại cửa khẩu, chú trọng giám sát ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là ma túy, pháo".

chong-buon-lau-gian-lan-thuong-mai-03-1706774427.jpg
Đội QLTT tỉnh Nghệ An tiến hành tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các đơn vị kinh doanh.

Tại tỉnh Nghệ An, thông tin từ Cục Quản lý thị trưởng Nghệ An (QLTT) cho biết, đơn vị đang đẩy mạnh hoạt động rà soát, kiểm tra và xử lý vi phạm với các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trên địa bàn.

Cục QLTT Nghệ An đã chỉ đạo các đội triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, đáp ứng nhu cầu mua sắm dịp tết của người dân trên địa bàn các huyện miền núi, giáp biên Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong.

Trong đợt cao điểm này, tập trung kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa đối với các mặt hàng thực phẩm; phân bón; xăng dầu; đồ điện gia dụng; những mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Đặc biệt giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.

Tại tỉnh Vĩnh Long, vào thời điểm cận Tết, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, từ đó các đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả để trục lợi. Với quyết tâm ngăn chặn đẩy lùi hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Công an tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, góp phần đảm bảo chất lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu người tiêu dùng khi Tết Nguyên đán đang đến gần.

Để đấu tranh có hiệu quả với các hoạt động buôn lậu, sản xuất hàng gian, hàng giả, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh đã tăng cường công tác nắm tình hình, phương thức, thủ đoạn mới của các đối tượng để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn xử lý kịp thời; tăng cường công tác kiểm tra, trong đó tập trung tại các tuyến, địa bàn trọng điểm.

Các loại hàng lậu, hàng giả dịp cuối năm và Tết Nguyên đán thường là quần áo, giày dép, mỹ phẩm, đồ gia dụng, linh kiện điện tử, thực phẩm.

Do đó để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng trong việc sử dụng hàng hóa trong dịp Tết, lực lượng công an tăng cường phối hợp với Cục Quản lý thị trường kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh kẹo, thực phẩm.

Qua kiểm tra, lực lượng công an đã tuyên truyền, nhắc nhở đối với chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa phải đảm bảo chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm. Thời gian qua, lực lượng công an đã phát hiện hơn 169 vụ vi phạm; ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 400 triệu đồng nộp vào ngân sách nhà nước.

Để thị trường hàng hóa lành mạnh và an toàn trong dịp Tết Nguyên đán, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, người tiêu dùng, người sản xuất, kinh doanh tích cực hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Nâng cao nhận thức của người kinh doanh và tiêu dùng về chống buôn lậu và gian lận thương mại góp phần nâng cao chất lượng hàng hóa, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng./.

Bình Châu