Chống hàng giả trên sàn thương mại điện tử

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài, các website thương mại điện tử đã đem lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, người tiêu dùng khi không phải đến tận nơi giao dịch giúp tiết kiệm thời gian và tiền bạc.

Tuy nhiên, hành lang pháp lý cho những giao dịch thương mại điện tử vẫn còn nhiều tồn tại, khiến cho lực lượng chức năng ở Nghệ An khó kiểm soát, nhiều chiêu trò gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái... gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Theo thống kê tại Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử Bộ Công Thương thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 499 website thương mại điện tử bán hàng, 5 website sàn giao dịch thương mại điện tử, 2 ứng dụng di động của các tổ chức, cá nhân hoạt động hợp pháp đã thực hiện nghĩa vụ thông báo, đăng ký với Bộ Công Thương theo quy định.

Cơ chế hoạt động của các sàn thương mại điện tử hiện nay chỉ nắm giữ khâu trung gian, bất cứ đơn vị bán hàng nào cũng có thể thuê tài nguyên, không gian online để kinh doanh. Hoạt động trao đổi, mua bán không thực hiện trực tiếp, dẫn đến chất lượng sản phẩm đôi khi không bảo đảm, nhiều mặt hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ được bán một cách công khai, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường kinh doanh, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng.

photo-1-1606894154097528308455-1640057402.jpeg
Ảnh minh hoạ

Bên cạnh đó, đây cũng là các kênh phân phối nhiều mặt hàng không được nhập khẩu chính ngạch, không có hóa đơn chứng từ, hàng hóa giả mạo các thương hiệu nổi tiếng.

Một số cơ sở hoạt động thương mại điện tử không đăng ký hoạt động theo quy định; không khai báo hoặc khai báo không thành thật về hoạt động nhằm trốn các khoản thuế phải nộp; việc đặt và lấy hàng hoá ở nhiều nơi khác nhau, sau đó sử dụng các đơn vị vận chuyển, chuyển phát, thu tiền hộ, trên bao bì đơn hàng không thể hiện địa chỉ của người bán...Điều này đã khiến cho lực lượng chức năng mất rất nhiều thời gian để theo dõi, xác định chứng cứ, đấu tranh xử lý.

Mặt khác, khâu quan trọng trong kinh doanh hàng hóa trên nền tảng thương mại điện tử hiện nay là vận chuyển, chuyển phát. Tuy nhiên do vướng mắc theo quy định pháp luật về bưu chính, viễn thông nên việc xử lý gặp khó khăn nếu không có sự phối hợp chặt chẽ của đơn vị chuyển phát. Các đối tượng vi phạm lợi dụng chính sách thông thoáng của đơn vị chuyển phát để kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng nhập lậu...

Thời gian vừa qua, tuy lực lượng quản lý thị trường Nghệ An đã quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn nhưng số lượng vụ việc được phát hiện, xử lý còn thấp. Trong khi đó, các hành vi lợi dụng hoạt động thương mại điện tử vi phạm pháp luật ngày càng phức tạp. Bằng biện pháp cụ thể, Cục Quản lý thị trường đã giao cho Đội Quản lý thị trường số 11 chủ trì, phối hợp với Phòng An ninh kinh tế - Công an tỉnh Nghệ An để thực hiện.

Từ đầu năm 2021 đến nay, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã xử lý được 50 vụ vi phạm thương mại điện tử với tổng giá trị thu phạt đạt trên 1,1 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm phổ biến như, thiết lập website thương mại điện tử bán hàng mà không thông báo với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền; Kinh doanh các loại hàng giả mạo nhãn hiệu, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ qua mạng xã hội Facebook, Zalo.

Nhằm ngăn chặn hành vi lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng lậu, giả, kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Cục Quản lý thị trường Nghệ An đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn.

Cụ thể, Cục đã chú trọng xác minh, kiểm tra, xử lý đối với các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động thương mại điện tử kinh doanh những mặt hàng thiết yếu, mặt hàng cấm; phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, lực lượng chức năng chuyên trách để có biện pháp phòng, chống, kiểm tra, kiểm soát và ngăn chặn tình trạng vi phạm trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nhà nước và pháp luật về hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử thông qua công tác xác minh, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Ông Nguyễn Văn Hường, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Nghệ An nhấn mạnh, Cục Quản lý thị trường chủ động nắm vững diễn biến tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách để kịp thời phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm, các lĩnh vực mặt hàng vi phạm mới nổi để kịp thời đấu tranh ngăn chặn, xử lý.

Cục cũng sẽ tiếp tục mạnh tay xử phạt với các tổ chức, cá nhân vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đẩy mạnh các biện pháp chống gian lận xuất xứ, giả mạo xuất xứ để trốn thuế, tránh kiểm soát chất lượng, kịp thời đề xuất biện pháp xử lý; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội như Facebook, Zalo...

Từ nay đến cuối năm, Cục Quản lý thị trường tỉnh Nghệ An sẽ xử lý mạnh tay hơn, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các đơn vị trong việc phát hiện và xử lý các vi phạm. Ngoài ra, yêu cầu chủ sở hữu các website thương mại điện tử có trách nhiệm kiểm soát, sàng lọc thông tin, ràng buộc những giao dịch từ người bán nhằm tăng cường phối hợp, quản lý giám sát người bán, bảo đảm tốt nhất về chất lượng sản phẩm và quyền lợi cho người tiêu dùng./.