Nhận thức rõ vai trò của kinh tế tập thể HTX, những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích thành lập và phát triển kinh tế tập thể HTX. Qua đó, góp phần thay đổi diện mạo của kinh tế xã hội ở khu vực nông thôn.
Đặc biệt, sau khi Đề án số 16/ĐA-UBND về phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021- 2025 ra đời, với những nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, là điều kiện thuận lợi để các mô hình phát triển HTX phát huy vai trò và thế mạnh. Qua đó, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân.
Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh Ninh Bình hiện có 516 HTX, trong đó có 409 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, 68 HTX hoạt động lĩnh vực phi nông nghiệp. Tổng số thành viên, lao động trong HTX là trên 85.000 người.
Để phát huy vai trò của HTX trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, những năm qua, tỉnh đã có nhiều chính sách khuyến khích dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất, quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, tạo điều kiện để các HTX đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, Ninh Bình cũng tổ chức lại hoạt động của các HTX theo Luật HTX năm 2012, phát triển các mô hình HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả. Liên minh HTX tỉnh đã hỗ trợ các HTX các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng các mô hình sản xuất gắn với chuỗi giá trị.
Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập cho thành viên, trong việc tham gia xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, các HTX còn chú trọng bảo vệ môi trường nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững. Trong đó, tập trung chuyển đổi phương thức sản xuất truyền thống sang các hình thức nông nghiệp sạch, an toàn bền vững như VietGAP, GlobalGAP, nông nghiệp hữu cơ.
Đặc biệt, để giúp các HTX thích ứng với việc chuyển đổi số, Liên minh HTX tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số trong phát triển HTX cho đội ngũ cán bộ chủ chốt, thành viên của HTX. Tổ chức các chuyên đề, hội thảo về chuyển đổi số, tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu các mô hình HTX trong và ngoài tỉnh thực hiện chuyển đổi số thành công. Tiến hành khảo sát và tổng hợp đăng ký nhu cầu về xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, xuất xứ hàng hóa và xây dựng trang thông tin điện tử cho các HTX gửi các cơ quan quản lý thực hiện.
Bà Đinh Thị Loan, Quản lý HTX Dược liệu Đông Sơn (Tam Điệp) cho biết: “Nhờ chính sách hỗ trợ đã tạo điều kiện cho HTX phát triển, nâng cao thu nhập cho các hội viên. Đặc biệt, từ khi HTX ứng dụng chuyển đổi số, người tiêu dùng chỉ cần quét mã QR được gắn trên tem truy xuất nguồn gốc NBC-Trace của Trung tâm mã số mã vạch Quốc gia là có đầy đủ về thông tin sản phẩm, quá trình sản xuất của sản phẩm nên thị trường tiêu thụ cũng từ đó được mở rộng hơn”.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành được một số chuỗi sản phẩm như chuỗi các sản phẩm dược liệu; chuỗi rau, củ, quả an toàn; chuỗi các sản phẩm dê, gà, lợn thảo dược; chuỗi chạch sụn; chuỗi gạo chất lượng cao, bột rau má, mật ong, ốc nhồi, hươu nai... với lợi ích mang lại cho thành viên là chi phí đầu vào thấp, chất lượng sản phẩm cao, giá bán và thu nhập tăng trên 25-35%, hoạt động của HTX năng động, sáng tạo, hiệu quả hơn.
Với những kết quả đạt được, HTX ở Ninh Bình đã chứng tỏ mình là một động lực quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội. Phát huy vai trò của HTX trong giai đoạn hội nhập là nhu cầu cấp thiết để nâng cao đời sống người dân, đảm bảo an ninh lương thực và góp phần xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững./.