Nhớ những ngày đói muối bên bờ sông Cam Lộ

Tháng 3 năm 1973 sau khi làm nhiệm vụ đón tiếp những chiến sỹ bị địch bắt trao trả cho ta tại bờ Bắc sông Thạch Hãn (bên cạnh sân bay Ái Tử).
vd-1657882867.jpg
Sông Vĩnh Định ngày nay hiền hòa như chưa từng bị bom đạn

Tiểu đoàn 8 theo đội hình Trung đoàn 66 về đóng quân dọc bờ sông Ching Hing (hình như là sông Vĩnh Định?, chúng tôi chỉ nghe bà con Vân Kiều gọi thế) khu vực Đầu Mầu, thượng nguồn sông Cam Lộ. Tiểu đoàn 8 nằm dọc theo bờ sông, mặt nhìn ra một bãi cỏ gianh rộng khoảng 200m, dài khoảng 1000m.

Nơi đây trước kia là một bản của người Vân Kiều. Chúng tôi kiếm cây, cắt cỏ tranh làm lán trại và huấn luyện. Ai đã là lính từng đóng quân trên đất Quảng Trị đều ám ảnh, từ tháng 3 cho đến tháng 10, cái nắng và gió Lào khô như rang làm cho mọi thứ, kể cả con người, đều khô quắt, xác xơ, như sẵn sàng bốc cháy bất cứ lúc nào khiến chúng tôi ai nấy đều phải rất cẩn thận, bởi chỉ cần một đốm lửa là cả bãi cỏ tranh cùng lán trại sẽ thành tro. Có những quả đồi chỉ có cỏ tranh, ràn rạt dưới nắng bỏng và gió nóng, những vật liệu nổ vương vãi của cả ta và địch còn sót lại nhiều khi tự phát nổ, thế là cả quả đồi đó đội mũ nồi đen không phù hiệu!

Bắt đầu vào huấn luyện, kí hiệp định rồi nhưng lúc này hậu cần ùn ùn theo đường mòn HCM chảy sâu vào những vùng đất cuối cùng đã giải phóng. Nhiệm vụ tiếp theo của đơn vị chúng tôi là làm đường 9b. Thời gian này gạo không thiếu nhưng muối, mắm thì cực kì hiếm. Vùng này cá ở sông nhiều lắm, ngày nghỉ, vác súng lên thượng nguồn, có hôm chỉ một thỏi thuốc nổ 75g mà chúng tôi kiếm được 4 con cá Ngạnh khoảng 30kg, có con dài đến 1,5m, nhưng khổ nỗi không có muối, ăn cứ nhạt phèo, chẳng còn thấy ngon càng khiến chúng tôi thêm thèm muối.

Bắt được nhiều cá, ăn không hết chúng tôi đem phơi. Cá tươi, cá khô rất nhiều, nhưng muối và rau là hai thứ lúc nào cũng thiếu. Những ngày đầu chúng tôi phân công nhau xuống Cam Lộ xin rau, nhưng chỉ vài bữa những luống rau lang của bà con chỉ còn trơ cậng, không kịp ra lá non.

Để khắc phục tình trạng thiếu rau xanh, các đơn vị được phát hạt giống rau dền cổ thụ của Trung Quốc và hạt giống cà rốt để tự tăng gia. Chúng tôi hăng hái cuốc đất, tra hạt, tưới nước và những mầm cây bắt đầu mọc lên. Lúc này cuộc chiến không tuyên bố về “phân” ngấm ngầm, lặng lẽ, giữa các tiểu đội với nhau, và giữa các đại đội với nhau bắt đầu diễn ra. Phân chưa kịp rơi xuống hố đã có người đỡ, những hố phân chẳng có một con nhặng nào bởi chúng đã bay hết ra những luống rau nhuộm một mầu vàng của phân sống.

Những mầm cây cứ thế lớn nhanh, xanh tốt, rau dền tua tủa ngọn, cà rốt củ to như chuôi dao. Những củ cà rốt đỏ au đã khiến cho những chú lính không thể cưỡng lại được mặc dù nhìn rõ chúng nằm bên những viên phân tươi còn chưa kịp ngả màu, vậy mà hiện tượng ngấm ngầm thu hoạch chéo vẫn cứ diễn ra. Đi tập về tạt qua vạt rau xanh, mấy chú lính chúng tôi mắt trước mắt sau, mỗi đứa nhanh chóng thuổng hai ba củ, chạy ào xuống sông tuốt qua nước, đưa lên miệng cắn, nhai và nuốt thật nhanh để phi tang, không còn vật chứng!

Đồng đội của tôi ơi, những ngày ở chiến trường, các bạn có thế không? Hơn 70 rồi vẫn nhớ như in những ngày đói muối và thèm rau trên vùng đất rang Quảng Trị. Nhớ lắm những người không bào giờ còn gặp nữa, nhiều người đã để lại một phần xương thịt trên mảnh đất gió Lào cát trắng đầy khắc nghiệt này./.

Đỗ Văn Lượng