Cụ thể: Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn với mức tăng khá cao. Như kỳ hạn từ 7-11 tháng, ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất từ 4%/năm lên mức cao nhất 5,55% năm (tùy độ tuổi, số tiền gửi); khách gửi kỳ hạn từ 13-23 tháng lãi suất tăng lên 5,95%/năm thay vì mức 4,7%/năm ở biểu lãi suất trước.
Hiện, mức lãi suất tiền gửi cao nhất tại Techcombank là 6,4%/năm thay vì mức 5,4%/năm của biểu lãi suất trước. Như vậy, lãi suất huy động tăng thêm cao nhất tại ngân hàng này khoảng 1,2 điểm %. Đây là lần đầu tiên Techcombank điều chỉnh tăng lãi suất trong khoảng 5 tháng qua.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng vừa cập nhật biểu lãi suất mới từ 1/8, với mức tăng ở các kỳ hạn. Khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng tại quầy, khoảng tiền dưới 300 triệu đồng lãi suất là 5,2%/năm, tăng 0,4 điểm % so với trước đó; lãi suất gửi kỳ hạn 12 tháng cũng tăng thêm 0,1-0,2 điểm % tùy khoản tiền gửi, lên mức cao nhất là 6,5%/năm.
Hiện, lãi suất gửi tiết kiệm tại quầy của VPBank cao nhất là 6,7%/năm cho kỳ hạn 36 tháng tùy khoản tiền gửi. Nếu gửi online, lãi suất cao nhất lên tới 7%/năm khi khách gửi từ 50 tỷ đồng trở lên cho kỳ hạn 36 tháng.
Trong khi đó, SHB tăng 0,2% ở kỳ hạn 12 tháng, lên mức 7,4%/năm. Eximbank điều chỉnh tăng thêm 1% lên mức 6,5% cho kỳ hạn 12 tháng, các kỳ hạn ngắn từ 1-3 tháng được điều chỉnh tăng 0,5% lên mức 4%/năm.
MBBank đồng loạt tăng lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn với mức tăng từ 0,18 – 0,43%; trong đó kỳ hạn 6 tháng tăng tới 0,43%, lên mức 4,87%/năm.
ABBank tăng lãi suất huy động ở mức 0,5% cho một số kỳ hạn. Sacombank tăng lãi suất huy động thêm 0,65%/năm cho tiền gửi 9 tháng tại quầy và online...
Đáng chú ý, cuộc đua lần này không chỉ có nhóm ngân hàng quy mô vừa và nhỏ mà còn có thêm các ông lớn "Big 4" ngân hàng quốc doanh tham gia.
Vietcombank vừa điều chỉnh lãi suất ở kỳ hạn 2 tháng tăng từ 3% lên 3,1%/năm; kỳ hạn 3 tháng từ 3,3%/năm lên 3,4%/năm; kỳ hạn 12 tháng từ 5,5%/năm lên 5,6%/năm; các kỳ hạn từ 24 - 60 tháng tăng 0,1 - 0,2%, lên 5,4%.
Trước đó, BIDV và Agribank cũng điều chỉnh tăng 0,1%/năm lãi suất huy động ở các kỳ hạn dài.
Trái ngược với các ngân hàng trên, HDBank lại điều chỉnh lãi suất nhiều kỳ hạn giảm từ 0,2 - 0,3%/năm. Lãi suất huy động dưới 6 tháng tại HDBank hiện là 3,9%/năm; các kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng là 5,8%/năm.
Lãi suất huy động đang dần thiết lập mặt bằng mới song vẫn có sự phân hóa giữa các nhóm ngân hàng.
Nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước vẫn duy trì mặt bằng lãi suất huy động thấp nhất trên khi lãi suất các kỳ hạn dưới 9 tháng không vượt quá 4%/năm, các kỳ hạn dài cũng chỉ từ 5,4 - 5,6%/năm.
Nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân có mức tăng mạnh hơn, khi lãi suất huy động cao nhất tới hơn 7%/năm ở một số kỳ hạn dài.
Như vậy, đến thời điểm này, trong các ngân hàng thương mại nhà nước đã có Vietcombank, BIDV và Agribank tăng nhẹ lãi suất đầu vào, riêng VietinBank vẫn chưa có động thái điều chỉnh lãi suất huy động. Hiện mức lãi suất huy động cao nhất tại 4 ngân hàng này vẫn là 5,6%/năm cho các kỳ hạn gửi dài.
Theo Công ty Chứng khoán SSI, lãi suất huy động tăng nhanh hơn dự kiến và lãi suất cho vay bắt đầu tăng vào cuối quý II/2022. Lãi suất huy động được dự báo có thể tăng thêm 0,5-0,7 điểm % sau khi nới hạn mức tăng trưởng tín dụng. Cả năm, lãi suất huy động được kỳ vọng tăng 1 - 1,5 điểm %.