Những ngày này, 1.200 công nhân làm việc trong Nhà máy sản xuất đồ gỗ Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Xây dựng Thiên Phát (gọi tắt là Công ty Thiên Phát) ở thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định vẫn duy trì được công việc. Thiên Phát là doanh nghiệp chế biến đồ gỗ xuất khẩu lớn của tỉnh Bình Định. Từ đầu năm đến nay, đơn hàng sụt giảm quá một nửa nên doanh nghiệp cố gắng duy trì việc làm cho công nhân, không tăng ca và không làm việc thứ 7.
Công nhân Lê Thế Vũ cho biết, mọi người cảm nhận rõ khó khăn của ngành gỗ: “Tôi vẫn lo trước những khó khăn về kinh tế. Trong Bình Dương và TP.HCM, có thông tin là có những công ty đang đóng cửa. Tôi vẫn biết công ty này cũng đang khó khăn và tôi cảm thấy mình là một trong số công nhân may mắn khi làm việc ở công ty này. Tôi vẫn lo và duy trì cuộc sống của mình tiết kiệm hơn vì đâu ai biết trước điều gì sẽ xảy ra".
Gặp khó khăn về đơn hàng, nhiều doanh nghiệp chuyên chế biến và xuất khẩu đồ gỗ tỉnh Bình Định đang hoạt động cầm chừng. Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Xây dựng Thiên Phát phải giảm một nửa công suất hoạt động của 2 nhà máy. Đại diện công ty này cho biết, năm 2022 và các năm trước, Công ty vẫn duy trì đơn hàng đều đặn, ít nhất đến hết tháng 9 của năm sau. Doanh thu mỗi tháng từ 2,5 - 3 triệu USD.
Tuy nhiên, bước sang năm 2023, mọi khó khăn dồn dập. Hiện nay, đơn hàng chỉ đủ hoạt động đến hết tháng 5 và chưa tìm được đơn hàng mới. Doanh thu của Công ty sụt giảm một nửa khi chỉ còn khoảng 1,5 triệu USD/tháng. Công ty Thiên Phát đang thực hiện bù lương cho mỗi công nhân trong bối cảnh không tăng ca, cố gắng duy trì mức thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng.
Bà Đào Thị Thanh Thúy, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Xây dựng Thiên Phát cho biết, 2 thị trường chính của ngành gỗ là Mỹ và Châu Âu gần như không đặt hàng. Chuyển hướng sang sản phẩm khác thì không cạnh tranh được với các doanh nghiệp trong nước, còn giá thì không thể giảm thêm khiến doanh nghiệp lúng túng.
Theo bà Thúy: “Số lượng đơn hàng hiện tại iảm 40% - 50%. Thường mọi năm thì đều công suất, tới 30/4 và 1/5 phải xếp lịch mới được nghỉ lễ, còn bây giờ đang nghỉ thứ 7, Chủ nhật, thậm chí ngày bình thường cũng nghỉ xen kẽ do lượng đơn hàng giảm. Giờ doanh nghiệp cũng loay hoay tìm đơn hàng, tìm kiếm khách hàng".
Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Bình Định, 3 tháng đầu năm nay, ngành gỗ tỉnh Bình Định ước đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu khoảng 236 triệu Đô la Mỹ, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm khoảng 66% tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh Bình Định. Trong đó, đồ gỗ nội thất, ngoại thất, sân vườn ước đạt hơn 100 triệu Đô la Mỹ, giảm 24% so cùng kỳ năm ngoái.
Điểm sáng hiếm hoi là các loại sản phẩm gỗ khác như dăm mảnh, viên nén... tăng trưởng rất cao, ước đạt hơn 83 triệu USD, tăng 101% so với cùng kỳ 2022. Do không có đơn hàng nên giá trị nhập khẩu gỗ của Bình Định trong 3 tháng đầu năm nay giảm hơn một nửa giá trị kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022.
Ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản tỉnh Bình Định cho biết, nếu tình trạng này kéo dài thì đến hết tháng 6, nhiều doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa vì không có đơn hàng, hàng ngàn công nhân sẽ mất việc.
“Đến giờ tháng 4 rồi khách hàng chưa xác định gì cả. Như mọi năm đến giờ đã xác định số lượng sơ bộ rồi sản xuất nhưng năm nay chưa có thông tin gì, khả năng kéo dài đến hết Quý II. Các nhà máy bây giờ 80% giảm công suất, đóng cửa. Mình có giảm giá, giảm bao nhiêu nữa thì cũng không có người mua thực chất người ta không có nhu cầu mua" - ông Lê Minh Thiện cho biết thêm.
Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, trước khó khăn về thị trường xuất xuất gỗ, tỉnh hỗ trợ các doanh nghiệp tìm giải pháp thay thế bằng cách tìm kiếm thị trường mới, tập trung xuất khẩu các mặt hàng nông sản.
Ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh: “Quý I vừa rồi gỗ bị ảnh hưởng rất nặng vì không có đơn hàng và theo dự báo của các doanh nghiêp gỗ thì phải cuối Quý II mới làm được. Hiện nay, tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giúp các doanh nghiệp chuyển hướng xuất khẩu các sản phẩm nông sản và các sản phẩm OCOP, tìm đường ra cho các sản phẩm OCOP này. Về sản phẩm nông nghiệp thì phải có các nhà máy chế biến để xuất khẩu”./.