Ngành gỗ tiếp tục đối diện khó khăn

Hiện nay ngành gỗ đang gặp nhiều khó khăn, xảy ra tình trạng nhiều doanh nghiệp hoạt động dưới 50% công suất, một số doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động.
3119-at8-copy-1662706988.jpeg
Xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ đang giảm tốc.

Khó khăn chồng chất

Sau thời gian tăng trưởng liên tục, từ tháng 4/2022 xuất khẩu gỗ đã chững lại, thậm chí có dấu hiệu tăng trưởng âm.

Cụ thể, trong tháng 7 vừa qua, xuất gỗ và sản phẩm từ gỗ giảm 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1,7 tỉ USD. Trong đó, sản phẩm gỗ chế biến sâu có giá trị cao giảm đến 19,2%, đạt 846 triệu USD. Tính chung 7 tháng đầu của năm, kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt 9,7 tỉ USD, chỉ tăng nhẹ 1,1% so với cùng kỳ. Nhóm sản phẩm gỗ chiếm tỉ trọng cao nhất, đạt 6,9 tỉ USD nhưng vẫn giảm tới 7,5% so với cùng kỳ.

Theo ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), sở dĩ xuất khẩu của ngành vẫn giữ được tăng trưởng 1,1% trong 7 tháng đầu năm là nhờ vào xuất dăm gỗ và viên nén gỗ sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh. Trong khi xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Mỹ, vốn chiếm tới 60% tổng kim ngạch xuất của ngành, lại giảm đến 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 5,6 tỉ USD.

Dự báo được VIFOREST đưa ra, ngành gỗ đối mặt với nguy cơ không tăng trưởng trong năm nay và phải tới quý II/2023, triển vọng mới có thể sáng hơn khi lạm phát dần được kiểm soát.

Tại Công ty cổ phần Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (mã TTF), dù trong 6 tháng đầu năm, Công ty đã thực hiện được 2/3 mục tiêu lợi nhuận năm, nhưng việc hoàn thành chặng đường còn lại với doanh nghiệp trong bối cảnh đầy khó khăn hiện nay vẫn là thách thức lớn.

Bên cạnh câu chuyện thị trường, sức cầu giảm, doanh nghiệp gỗ còn đối mặt với vấn đề giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Tại Công ty cổ phần Chế biến gỗ Thuận An (mã GTA), trong quý III, Công ty đặt kế hoạch tổng doanh thu đạt 98,7 tỷ đồng nhưng chi phí hết 95,1 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 3,6 tỷ đồng.

Chi phí cao khiến biên lợi nhuận của GTA trong quý III mỏng. Trước đó, trong 6 tháng đầu năm, Công ty đạt tổng doanh thu hơn 569 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 13,8 tỷ đồng, hoàn thành lần lượt 58,2% và 63,6% kế hoạch năm.

Ông Trần Văn Quang, Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Khánh Xương (Bình Dương), phản ánh đơn hàng xuất khẩu hiện chỉ bằng khoảng 1/5 so với trước đây, tức khoảng 15-20 container/tháng nên buộc công ty phải cắt giảm dần lao động và hiện còn hơn 300 người, bằng khoảng 30% lao động làm việc so với thời điểm trước dịch. Tương tự, Công ty TNHH Gia Nhiên cũng đã cắt giảm khoảng 50% lao động sản xuất và 20% lao động khối văn phòng để ứng phó với tình hình sụt giảm đơn hàng.

Chủ động bám sát thị trường

Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến nghị, từ nay đến cuối năm, thị trường xuất khẩu còn nhiều biến động, doanh nghiệp phải linh hoạt để kịp bám sát sự thay đổi, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường. Doanh nghiệp phải làm việc sát với các đối tác, bao gồm cả cung cấp dự báo và tham gia giúp nhà cung cấp giảm giá thành để có giá đầu vào tốt hơn, tinh gọn toàn bộ, từ mã vật tư cho đến sơ đồ tổ chức và quy trình…

Liên quan tới việc Bộ Thương mại Mỹ khởi xướng điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại với sản phẩm gỗ dán cứng của Việt Nam nhằm đảm bảo hiệu lực thực thi các biện pháp phòng vệ thương mại đang áp dụng với gỗ dán cứng từ Trung Quốc, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho rằng, việc bị điều tra phòng vệ thương mại là điều không ai mong muốn.

Tuy nhiên, Cục Phòng vệ thương mại luôn khuyến khích doanh nghiệp chủ động phối hợp trong quá trình điều tra. Nếu tích cực hợp tác và có đủ căn cứ chứng minh các cáo buộc vô căn cứ, doanh nghiệp có thể không bị áp thuế hoặc áp thuế mức độ thấp, vẫn giữ được thị trường xuất khẩu.

Ở chiều ngược lại, nếu không có sự nỗ lực, tham gia tích cực của doanh nghiệp, khả năng doanh nghiệp bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với các mức thuế rất cao, gây thiệt hại nặng nề và mất luôn thị trường.

Về lâu dài, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp trong nước cần đảm bảo tuân thủ triệt để các quy định của thị trường quốc tế, đặc biệt là về nguồn gốc xuất xứ, tính hợp pháp của nguyên liệu. Việc thực thi các quy định phát triển lâm sản bền vững là yêu cầu sống còn, không chỉ riêng với ngành chế biến gỗ Việt Nam mà của cả thế giới.

vnapotalquyi2020xuatkhaugoitbianhhuongboidichcovid-191040034344592222-1662706988.jpeg
Doanh nghiệp trong nước cần đảm bảo tuân thủ triệt để các quy định của thị trường quốc tế. Ảnh: TTXVN

Bên cạnh đó, các hiệp hội cũng kiến nghị các cơ quan chức năng cần tăng cường tổ chức các khóa đào tạo tập huấn ngắn hạn để nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về những rủi ro khi bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại; các kỹ năng để phòng vệ, tự vệ nhằm ứng phó khi có sự cố.

Bởi theo các hiệp hội, thời gian qua doanh nghiệp rất lúng túng khi gặp phải những vụ kiện từ phía nước nhập khẩu nên thường bị liệt vào dạng không hợp tác hoặc không phản hồi… điều này làm gia tăng rủi ro cho doanh nghiệp.