Đón tiếp đoàn là đại diện lãnh đạo địa phương và con cháu của Mẹ. Mẹ ngoài 80, minh mẫn. Sau lời giới thiệu của lãnh đạo địa phương, vị trưởng đoàn tặng quà cho Mẹ. Tay mẹ run lẩy bẩy, đón nhận túi quà, nước mắt ứa ra, miệng lẩm bẩm “Ơn Đảng, ơn Chính phủ”.
Mấy chị trong đoàn vây quanh Mẹ, người thì mân mê bàn tay xương xẩu, da nhăn nheo, người thì bóp vai cho Mẹ rồi hỏi thăm Mẹ về con cháu, về hoàn cảnh gia đình. Không đợi Mẹ trả lời, vị lãnh đạo địa phương báo cáo đoàn rằng, các cháu của Mẹ, tức các con của Liệt sĩ, nay đã phương trưởng, người là kĩ sư, người giáo viên, người bộ đội, đều đã có gia đình hạnh phúc. Mẹ lại lẩm bẩm “Ơn Đảng, ơn Chính phủ”.
Bỗng, chị lãnh đạo Hội Phụ nữ địa phương nhìn về phía cánh cửa, thốt lên: “Kìa, bá, mời bá vào trong này”. Rồi chị giới thiệu về người người đàn bà chừng ngoài 60, đang ngồi trên chiếc ghế nhựa nép sau cánh cửa ra vào của ngôi nhà: “Thưa các anh, các chị, kia là chị Phương, vợ liệt sĩ, mẹ của các cháu đây. Chị Phương là phụ nữ xuất sắc của Hội chúng tôi; là tấm gương mẫu mực trong việc nuôi dạy con và làm kinh tế vê a xê (VAC)”. Rồi chị đến bên bà Phương: “Mời bá vào đây phát biểu vài lời”. Anh con trai nói: “Các bác thông cảm, mẹ em ngại tiếp xúc chỗ đông người”. Bà cụ - Mẹ VNAH - lẩm bẩm “Từ ngày chồng nó chết (người địa phương thường dùng đại từ “nó”), nó không nói đâu vớ.
Ai nói gì, sai đúng nó cũng không nói đâu vớ”. Rồi cụ hỉ mũi, sụt sịt “Không có nó, bà cháu tôi không sống được đâu vớ”. Nói đến đây, nước mắt cụ chứa chan. Lúc này, mọi người trong đoàn đều đổ dồn ánh mắt vào người đàn bà nấp sau cánh cửa. Đó là người đàn bà gương mặt trái xoan sạm nắng, vẻ cam chịu, còn mang nét đẹp của thời xuân sắc. Bà gượng cười, chẳng ra ra vui, chẳng ra buồn.
Tôi cảm nhận, với bà, dường như sự hi sinh của người chồng là tổn thất lớn lao của bố mẹ chồng, của các con chồng, của gia đình nhà chồng và sự vinh quang cũng thuộc về họ, không phải của bà; bà không dám kể công, càng không dám kể lể, kêu ca phàn nàn với ai. Rồi tôi tự hỏi, sau khi chồng hi sinh, nếu bà đi bước nữa, ai sẽ thờ chồng, nuôi các con cho Liệt sĩ? Ai sẽ chăm nuôi cha mẹ Liệt sĩ khi già yếu rồi lo công việc nhà chồng? Và gia đình Liệt sĩ liệu có đông con nhiều cháu, cuộc sống êm ấm hạnh phúc như hôm nay?
Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn biết ơn các gia đình liệt sĩ và đã tôn vinh danh hiệu danh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Tuy nhiên, còn rất nhiều phụ nữ Việt Nam là vợ liệt sĩ cũng có công lao rất lớn với đất nước, có phẩm chất của một phụ nữ anh hùng như người đàn bà nép sau cánh cửa mà tôi kể trên, cần được Nhà nước và xã hội ghi nhận, tôn vinh!./.