Vĩnh Phúc nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Thủ đô, có lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên so với nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Nhiều năm trở lại đây, Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh, thành phố có đóng góp nhiều cho ngân sách Trung ương.
Xác định quy hoạch phải đi trước một bước để bảo đảm phát triển bền vững, Vĩnh Phúc lập quy hoạch chiến lược phát triển đô thị làm công cụ quan trọng trong quản lý và tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư; tiến hành quy hoạch đồng bộ từ tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, đến ngành, lĩnh vực. Tỉnh đã quy hoạch 20 khu công nghiệp có diện tích gần 6.000ha và 32 cụm công nghiệp diện tích trên 600ha.
Vĩnh Phúc luôn nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để tạo sức hấp dẫn, thu hút đầu tư. Môi trường kinh doanh của Vĩnh Phúc được đánh giá cao nhờ tính minh bạch, lành mạnh và công bằng. Một trong những điểm nổi bật của tỉnh là trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, Vĩnh Phúc luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp khi đầu tư vào tỉnh, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư đến tìm hiểu và đầu tư. Những biện pháp đồng bộ đó giúp Vĩnh Phúc liên tiếp trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội.
Theo báo cáo đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Vĩnh Phúc, năm 2024 địa phương đã đạt nhiều kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực, với 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,52% so với năm 2023, cao hơn bình quân chung cả nước. Trong đó, ngành công nghiệp - xây dựng tăng 10,77%; ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,53%; ngành dịch vụ tăng 7,67%.
Tổng thu ngân sách Nhà nước ước tính đạt 30.468 tỷ VND, đạt xấp xỉ 96% so với dự toán. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 600 triệu USD, tăng 50% so với kế hoạch; vốn đầu tư trong nước (DDI) đạt 5.500 tỷ đồng; giải ngân vốn đầu tư công đạt khoảng 96%. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư, phát triển; công tác an sinh xã hội được bảo đảm; an ninh quốc phòng được giữ vững.
Những kết quả trên có được là nhờ sự tích cực thay đổi cách thức, giải pháp và phương thức tiếp cận đối tác đầu tư bằng hàng loạt chủ trương, chính sách và triển khai các đề án cụ thể. Lãnh đạo tỉnh thường xuyên trực tiếp gặp và làm việc với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đến tìm hiểu chính sách và thủ tục đầu tư
Vĩnh Phúc xác định mục tiêu đến năm 2030, cơ bản hoàn thành hạ tầng khung đô thị; là trung tâm phát triển công nghiệp và dịch vụ của cả nước; phấn đấu sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Mục tiêu của tỉnh không chỉ là môi trường kinh doanh tốt, mà còn là môi trường sống tốt. Vĩnh Phúc sẽ là địa chỉ tin cậy để những doanh nghiệp tốt, có năng suất và lợi nhuận cao đến đầu tư kinh doanh; là nơi những người giàu và giỏi sống, làm việc.
Mục tiêu đến năm 2050, Vĩnh Phúc là thành phố trực thuộc Trung ương, phát triển toàn diện trên tất cả các mặt về kinh tế, xã hội, môi trường; người dân có đời sống cao, hạnh phúc… Mục tiêu đó đòi hỏi phải khai thác tối đa tiềm năng lợi thế, huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, đặc biệt là thu hút trực tiếp vốn đầu tư trong nước, nước ngoài vào tỉnh.
Nỗ lực tận dụng thời cơ và hóa giải những thách thức, với quyết tâm phấn đấu đạt được mục tiêu của tỉnh và hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước, Vĩnh Phúc đã xây dựng các phương án tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư, đồng thời triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh nhằm khơi thông nguồn lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, tỉnh tăng cường quản lý tài nguyên, môi trường; phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, lao động, việc làm. Hiện nay, tỉnh trong quá trình tổ chức sắp xếp các cơ quan hành chính Nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.
Với định hướng thu hút làn sóng đầu tư chiến lược mới, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông cho biết, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp đồng hành tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, đơn giản tối đa các thủ tục hành chính, tăng cường xúc tiến thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn theo chỉ đạo chung của Trung ương.
Đồng thời, tỉnh cũng không ngừng mở rộng và đưa các hoạt động hợp tác quốc tế đi vào chiều sâu, thông qua việc tổ chức thành công nhiều sự kiện đối ngoại; duy trì quan hệ hữu nghị thường xuyên với các Đại sứ quán và Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam và tăng cường hợp tác hữu nghị với các địa phương nước ngoài; tham gia các hội nghị, diễn đàn, hội chợ triển lãm để tiếp xúc với nhà đầu tư, giới thiệu môi trường đầu tư, kinh doanh.
Mang trong mình sức sống mới, Vĩnh Phúc đang không ngừng nỗ lực đổi thay phương thức, cách làm, từng bước điều chỉnh chiến lược để thúc đẩy tăng trưởng, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc và sánh vai với các cường quốc năm châu. Tại buổi tiếp Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) vào tháng Tám, ông Trần Duy Đông nhấn mạnh: “Chính những nhà đầu tư, những doanh nghiệp đang hoạt động tại Vĩnh Phúc là những người tuyên truyền về Vĩnh Phúc thuyết phục nhất. Chúng tôi xác định, ngoài xúc tiến, thu hút đầu tư mới thì phải chăm lo, hỗ trợ cho nhà đầu tư đã hoạt động ở Vĩnh Phúc, khi được chăm lo tốt, có môi trường hoạt động tốt thì họ sẽ là những người giới thiệu về môi trường đầu tư Vĩnh Phúc thuyết phục nhất”./.