Chính sách chuyển đổi số trong nuôi trồng thủy sản của một số quốc gia trên thế giới

Cá và các loại thuỷ hải sản là nguồn cung cấp protein quan trọng. Tuy nhiên việc khai thác nhiều dẫn tới cạn kiệt nguồn cá và các loại thuỷ hải sản hoang dã trong tự nhiên đã tạo ra áp lực nên ngành nuôi trồng thủy sản. Hiện nay, ngành nuôi trồng thủy sản của chịu nhiều sức ép từ biến đổi khí hậu hoặc gia tăng về số lượng và chất lượng, giảm thiểu dịch bệnh, giảm chi phí, giảm ô nhiễm môi trường. Chuyển đổi số được coi là giải pháp giúp phát triển bền vững ngành này.
chuyen-doi-so-linh-vuc-thuy-san-1736256505.jpg
Những người đi thu mua cá ở Nhật Bản sử dụng công nghệ AI để kiểm định chất lượng. Ảnh minh họa.

Xét trên phạm vi toàn cầu, công nghệ số được ứng dụng trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản khá đa dạng, được nhiều quốc gia áp dụng. Một số quốc gia trên thế giới đã và đang thành công trong việc ứng dụng ICT và truyền thông, công nghệ số vào phát triển ngành nuôi trồng thủy sản như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Na Uy, Indonesia… đều nhận được sự quan tâm và đầu tư của chính phủ.

Việc tìm hiểu các chính sách và tổng hợp các kinh nghiệm thúc đẩy chuyển đổi số ngành nuôi trồng thủy sản tại các quốc gia khác trên thế giới nhằm rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam là cần thiết và đây cũng là chủ đề thảo luận của các giảng viên khoa Kinh tế chính trị và nhóm nghiên cứu tại hội thảo Twin transition: Digital transformation and Green transition businesses for sustainability diễn ra tại trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội. 

Thành viên nhóm nghiên cứu trình bày tại Hội thảo một số công nghệ số đã và đang được áp dụng trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản như IoT, điện toán đám mây, AI…, bước đầu giúp gia tăng hiệu quả kinh tế và cải thiện sinh kế cho ngư dân. Ứng dụng công nghệ số trong ngành nuôi trồng thủy sản cũng không khác các ngành khác, trong đó có sự tham gia của IoT, thiết bị cảm biến, tự động hóa sử dụng robot… góp phần cung cấp những thông tin đáng tin cậy nhằm tăng cường sức khỏe vật nuôi. 

Tại Hội thảo, nhóm nghiên cứu đã chỉ ra rằng các quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản và Indonesia đã áp dụng nhiều chiến lược đa dạng để giải quyết những thách thức trong quá trình chuyển đổi số trong chăn nuôi thủy sản, bao gồm: 

Đầu tư trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ số tiên tiến: Nhiều nước đã đầu tư mạnh vào công nghệ số trong nuôi trồng hiện đại, như hệ thống quản lý ao nuôi thông minh (IoT), nuôi trồng trong nhà kính, sử dụng dữ liệu lớn (Big Data) để dự báo dịch bệnh và tối ưu hóa quy trình sản xuất, sử dụng công nghệ số để đo lường chất lượng và nhiệt độ nước, thể trọng của thuỷ sản để đưa ra phương thức chăn nuôi tiết kiệm, hợp lý.

Chuyển đổi số trong Quản lý bền vững nghề chăn nuôi thuỷ sản: Áp dụng các phương pháp công nghệ số trong nuôi trồng bền vững, giảm thiểu tác động môi trường, bảo đảm an toàn thực phẩm và phúc lợi vật nuôi như các công nghệ đo  Chứng nhận sản phẩm bền vững (ví dụ: ASC, BAP) giúp tăng giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Chuyển đổi số trong phát triển chuỗi cung ứng: Xây dựng chuỗi cung ứng minh bạch, hiệu quả, từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc. Công nghệ blockchain đang được ứng dụng để tăng tính minh bạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Chính sách hỗ trợ chuyển đổi số: Chính phủ các nước có chính sách hỗ trợ phát triển ngành chăn nuôi thủy sản, bao gồm đầu tư nghiên cứu, phát triển hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, và hỗ trợ tài chính cho người nuôi.

chuyen-doi-so-linh-vuc-thuy-san-2-1736257299.jpg
TS. Hoàng Xuân Vinh và PGS.TS Nguyễn Thu Hà trong phần thảo luận về “Chính sách thúc chuyển đổi số trong nuôi trồng thuỷ sản trên thế giới”

Tại Hội thảo, nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra rằng để áp dụng thành công các kinh nghiệm quốc tế vào ngành chăn nuôi thủy sản Việt Nam, cần đáp ứng các điều kiện sau:

(1) Đầu tư vào nghiên cứu và phát triển: Việt Nam cần tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) các công nghệ số trong nuôi trồng tiên tiến, nhắm đến việc nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng chống chịu bệnh tật của thủy sản. Việc đầu tư vào R&D thức ăn chăn nuôi bền vững, giảm thiểu tác động môi trường cũng là một yếu tố quan trọng. Đồng thời cần xây dựng các trung tâm nghiên cứu chuyên sâu về công nghệ nuôi trồng thủy sản, kết hợp nghiên cứu cơ bản và ứng dụng.

(2) Phát triển hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản và hạ tầng công nghệ thông tin: Việc nâng cấp cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản là cần thiết để đáp ứng nhu cầu sản xuất và phân phối ngày càng tăng, đồng thời đảm bảo hạ tầng quy mô đủ lớn để ứng dụng chuyển đổi số. Điều này bao gồm đầu tư xây dựng các cảng cá hiện đại, hệ thống bảo quản và vận chuyển lạnh, và các khu chế biến thủy sản đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Cần đặc biệt chú trọng đầu tư vào hệ thống xử lý nước thải từ các cơ sở nuôi trồng để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Hơn nữa, cần đầu tư vào hệ thống thông tin liên lạc hiện đại để hỗ trợ quản lý và giám sát hoạt động nuôi trồng, trong đó có hệ thống ICT ở khu vực nông thôn bao gồm các mạng di động, các đường truyền Internet. Tiến tới lên kế hoạch và triển khai các gói hỗ trợ một phần hoặc miễn phí việc kết nối Internet và các thiết bị chuyển đổi số với nhóm ngư dân trọng điểm ở một số địa phương. Mặc dù ở Việt Nam, ICT đã phát triển được gần 30 năm, tỷ lệ người sử dụng Internet chiếm 80% tổng dân số nhưng thực tế cho thấy hạ tầng cơ sở dữ liệu dùng chung quốc gia triển khai còn chậm. 

(3) Đào tạo nguồn nhân lực:  Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố then chốt để ngành chăn nuôi thủy sản Việt Nam có thể tiếp cận và áp dụng các công nghệ số. Các chương trình đào tạo cần được thiết kế để cung cấp kiến thức và kỹ năng thực tế về các công nghệ số trong nuôi trồng hiện đại, quản lý trang trại, và kinh doanh. Cần chú trọng đến việc đào tạo cả người nuôi nhỏ lẻ và các chuyên gia quản lý. Việc hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức quốc tế để thiết kế và triển khai các chương trình đào tạo chất lượng cao, ứng dụng số hoá quy trình sản xuất, chăn nuôi là rất quan trọng. Chính phủ cần có các chính sách khuyến khích người nuôi tham gia các khóa đào tạo này, như hỗ trợ học phí và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham gia học tập.

(4) Hỗ trợ tài chính: Chính phủ cần cung cấp các chính sách hỗ trợ tài chính đa dạng cho người nuôi thủy sản, đặc biệt là các hộ nhỏ và vừa để tạo điều kiện cho ngư dân tiếp cận với chuyển đổi số, đồng thời thay đổi phương thức chăn nuôi cũ sang phương thức chăn nuôi mới. Điều này bao gồm việc cung cấp tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp, thời hạn vay dài và thủ tục đơn giản. Các chương trình hỗ trợ đầu tư vào công nghệ số và cơ sở hạ tầng nuôi trồng cũng cần được triển khai. 

(5) Khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp về công nghệ: Chính phủ cần thiết lập các đề án và chương trình để khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ nghiên cứu, phát triển các công nghệ, kỹ thuật số sử dụng AI, IoT, điện toán đám mây…ứng dụng vào ngành nuôi trồng thủy sản, phù hợp với điều kiện vật chất, cơ sở hạ tầng của Việt Nam thông qua việc tổ chức các cuộc thi hoặc tài trợ tín dụng cho đối tượng này.

(6) Kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài: Chính phủ và các địa phương cần có nhiều chính sách ưu đãi, mở cửa và khuyến khích các nhà đầu tư trên thế giới rót vốn đầu tư vào lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản với công nghệ cao và ứng dụng công nghệ số hiện đại. Một mặt vừa tạo công ăn việc làm cho người dân, giúp bảo vệ môi trường sinh thái và chuyển giao công nghệ tiên tiến cho ngành CNTS của Việt Nam./.

PGS, TS Tô Thế Nguyên, khoa Kinh tế Chính trị, Đại học kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội