Bão số 3 vừa qua đã gây ảnh hưởng nặng nề tới nghề nuôi biển Quảng Ninh. Để đồng hành hỗ trợ địa phương phục hồi sản xuất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cùng các doanh nghiệp tổ chức các đoàn kiểm tra thực địa vùng bão, hỗ trợ phao, cá giống, rong giống giúp ngư dân phục hồi sản xuất.
Thông tin về biện pháp hỗ trợ người nuôi biển phục hồi, Cục thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết đơn vị đã có kế hoạch điều phối các loại giống thủy sản để tránh tình trạng khan hiếm, tăng giá và có giải pháp khôi phục, hướng dẫn kỹ thuật cho ngư dân.
Cụ thể, Cục Thủy sản đã có thống kê để giúp các địa phương kết nối những nơi có giống như hàu tại Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, giống cá tôm để bà con biết nguồn giống để mua. Cục cũng đề nghị các địa phương phải kiểm soát thật tốt tránh việc lợi dụng lúc này để tăng giá, trục lợi cho cá nhân mà quên đi việc đang chung tay cùng nhân dân phục hồi sản xuất...
Tại thị xã Quảng Yên, một trong những địa bàn bị thiệt hại nặng nề của bão số 3 với nghề nuôi biển. Thời điểm này nhiều ngư dân đang bắt tay vào công việc đóng lại lồng bè bị đánh tan. Các ngư dân cho rằng đây chính là thời điểm thích hợp nhất để xuống giống vụ mới, khi nhiệt độ và khí hậu mát mẻ. Bởi nếu muộn hơn, nước lạnh, hải sản chậm lớn, hiệu quả kinh tế sẽ giảm đi.
Một trong những động lực giúp người dân vững tin tái đầu tư nuôi biển là nhờ sự vào cuộc đồng hành của các cấp chính quyền địa phương và chính sách tín dụng hỗ trợ của các tổ chức ngân hàng.
"Các chính sách hỗ trợ lúc này là rất kịp thời. Ngay sau khi được ngân hàng hỗ trợ vay vốn 500 triệu đồng, tôi đã mua ngay cá để tái sản xuất, đồng thời gia cố các bè mảng, cố gắng vực dậy, làm lại từ đầu", một người dân chia sẻ.
Tại Vân Đồn, Cẩm Phả, Quảng Yên, nhiều cơ sở nuôi trồng thủy sản ở các địa phương trong tỉnh Quảng Ninh cũng đã bắt tay vào khôi phục sản xuất. Đến nay đã có khoảng 35% cơ sở trên địa bàn tỉnh xuống giống nuôi hàu. Trong thời gian tới, số cơ sở nuôi thủy sản khôi phục sản xuất sẽ tăng dần nếu được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để có nguồn lực vực dậy, tiếp tục tái thiết sản xuất sau bão.
Thông tin từ UBND huyện Vân Đồn, tới thời điểm giữa tháng 10, trên địa bàn đã cơ bản giao cho các hộ dân có nhu cầu tái thiết sản xuất với trên 6.000ha khu vực biển. Thống kê cho biết, 50% số lồng bè nuôi cá được các hộ khôi phục trở lại so với thời điểm trước bão số 3 và đã trên 50 hộ xuống giống gần 300ha hàu.
Huyện cũng cho biết hiện các hợp tác xã, hộ dân khác cũng đang khẩn trương sắp xếp lại vùng nuôi, tiến hành thả phao và xuống giống khi có đủ các điều kiện. Đối với diện tích ngoài 3 hải lý, huyện cũng đã xác nhận khu vực biển cho các hộ dân, đơn vị.
Hiện tại, các địa phương có biển khác như Cẩm Phả, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái, Cô Tô… cũng đang tích cực đồng hành cùng người dân bị thiệt hại do bão khôi phục, tái thiết sản xuất nuôi trồng thuỷ sản, ổn định cuộc sống.
Theo Chi cục Thủy sản Quảng Ninh cho biết: Hiện nay, cùng với triển khai các cơ chế chính sách của trung ương về hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, Chi cục đã nghiên cứu, tham mưu với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng cơ chế đặc thù để không những khôi phục sản xuất mà còn hỗ trợ người dân tái thiết sản xuất thủy sản trong thời gian tới.
Nuôi trồng thủy sản là thế mạnh của tỉnh Quảng Ninh, cùng với sự nỗ lực vực dậy sản xuất của các cơ sở nuôi trồng thủy sản sau bão số 3, sự đồng hành của tỉnh với những cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể chính là động lực to lớn để người dân, doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản sớm khôi phục, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và thúc đẩy kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới./.
Để ngành Thuỷ sản, đặc biệt là nuôi biển phục hồi sau những thiệt hại do bão số 3 gây ra, UBND tỉnh Quảng Ninh đã đề nghị cấp ủy, chính quyền và các tổ chức tín dụng trên địa bàn các địa phương trong tỉnh đồng hành, triển khai các giải pháp hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp tái sản xuất, kinh doanh.
Tỉnh Quảng Ninh đã ban hành chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề do bão số 3; đề nghị các tổ chức tín dụng khoanh, giãn nợ, giảm lãi suất, cho vay mới… đối với các hộ nuôi trồng thuỷ sản bị thiệt hại do bão; đồng thời kiến nghị lên Chính phủ đề nghị sửa đổi một số cơ chế, chính sách chưa phù hợp, chưa có tiền lệ để giúp người dân, doanh nghiệp vượt khó sau bão.
Với gần 3.000 cơ sở nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh đã bị thiệt hại nặng nề sau bão số 3 vừa qua, mặc dù còn rất nhiều khó khăn, nhưng những người ngư dân vẫn vươn lên mạnh mẽ, khôi phục sản xuất ngay sau bão qua đi. Hiện thủy sản là lĩnh vực thế mạnh, có đóng góp quan trọng lên tới 50% trong cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.