Do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ đã kéo theo một lượng lớn rác thải từ các khu vực ven bờ Vịnh Hạ Long, các lồng bè nuôi trồng thủy sản tại các địa phương làm phát sinh một lượng lớn các loại rác thải trên Vịnh Hạ Long như: phao xốp, lồng bè bị vỡ, cây, cành lá cây từ khu vực ven bờ, các đảo đá trên Vịnh Hạ Long… gây ra tình trạng rác thải trôi nổi trên mặt biển làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, hoạt động đón tiếp, phục vụ khách tham quan Vịnh Hạ Long.
Theo ông Vũ Kiên Cường – Trưởng Ban Quản lý vịnh Hạ Long – sau bão số 3, mọi ngả rác đều đổ xuống vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long. Đặc biệt, bão số 3 đã đánh tan các khu nuôi trồng thủy sản ở Hạ Long, thị xã Quảng Yên, TP.Cẩm Phả, huyện Vân Đồn, khiến một lượng rác vô cùng lớn tràn ra biển.
Cuộc “khủng hoảng rác" trên vịnh Hạ Long lần này khác với lần trước do rất nhiều chủng loại rác, từ nhiều nguồn nên công tác thu gom rất khó khăn. Rác tập trung lớn nhất là ở khu vực rừng ngập mặn rừng Đại Yên, Tuần Châu, đường ven biển từ cầu Bài Thơ đến phường Hà Phong, TP.Hạ Long; tại các điểm tham quan du lịch, chân đảo, các bãi cát, các vụng kín…giữa vịnh Hạ Long.
Thậm chí, theo ông Cường, rác còn mắc kẹt trên các núi đá ở độ cao trên 2m do sóng, gió bão đánh bật lên. Vì vậy, việc thu gom rác càng khó khăn hơn do không thể sử dụng các phương tiện, máy móc, mà phải thu gom thủ công.
Tuy nhiên, theo ông Cường, ngay sau bão, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã phối hợp với các lực lượng chức năng, cơ quan, đơn vị trong tỉnh Quảng Ninh tổ chức liên tục các đợt thu gom rác. Trong đó, ưu tiên thu gom rác ở các điểm tham quan du lịch để phục vụ du lịch.
Chỉ tính riêng từ ngày 14/9 đến ngày 23/9/2024, 1.127 lượt nhân lực, 301 lượt phương tiện được huy động để liên tục vớt rác phao xốp, bè tre trôi nổi trên vịnh Hạ Long; đồng thời tổ chức nhặt rác phao xốp, bè mảng trôi dạt vào các chân đảo, bãi cát trên vịnh Hạ Long.
Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã tăng cường công tác giám sát môi trường tại các khu vực trên và ven bờ vịnh Hạ Long hàng ngày, kịp thời phát hiện các khu vực tập trung rác thải, bè tre, phao xốp tại các khu vực bãi cát, ven bờ biển, khu vực bãi triều, rừng ngập mặn để thông tin tới các địa phương liên quan, tới lực lượng chức năng thu gom, xử lý.
Sau đợt cao điểm thu gom rác thải, làm sạch vịnh Hạ Long trên các điểm tham quan du lịch trên vịnh Hạ Long đã được vệ sinh, dọn dẹp đảm bảo đón tiếp khách du lịch. Lượng lớn rác thải trôi nổi tại các vùng nước, chân đảo tại các tuyến, điểm tham quan đã được thu gom, xử lý. Từ ngày 14.9.2024 đến 23.9.2024, đã thu gom được 643m3 rác thải (chủ yếu là tre, phao xốp) và 94 bè nuôi trồng thủy sản.
Dù vậy, vẫn còn hàng nghìn m3 rác thải trôi nổi, trung ở một số khu vực ven bờ vịnh Hạ Long như Tuần Châu - Đại Yên (thành phố Hạ Long) và thị xã Quảng Yên. Ông Vũ Kiên Cường, Trưởng ban Ban Quản lý vịnh Hạ Long đánh giá: Với diện tích rộng, nhiều đảo đá, điều kiện khí tượng thủy văn phức tạp nên đơn vị sẽ ưu tiên thu gom, xử lý rác tại các khu vực nằm trong các tuyến tham quan; phấn đấu sau 1 tháng sẽ cơ bản hoàn thành việc dọn rác trên toàn bộ mặt Vịnh.
"Chúng tôi phải chia các giai đoạn ra và các nhiệm vụ ưu tiên. Trước hết phải xử lý tất cả các lượng rác thải ở khu vực đang đón khách du lịch, sau đó lượng rác thải đến ven bờ, đặc biệt là khu vực ven bờ của thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn. Hiện nay, cần nhất là sự phối hợp hết sức đồng bộ của tất cả các lực lượng, một mình Ban Quản lý vịnh sẽ không thể nào thực hiện được với một khối lượng công việc lớn như vậy. Ví dụ như TP Hạ Long sẽ là đơn vị chủ công trong việc xử ký rác thải ven bờ, cũng tương tự như thế đối với TP Cẩm Phả và huyện Vân Đồn, Ban Quản lý vịnh Hạ Long sẽ nỗ lực cố gắng để thực hiện việc thu gom và xử lý ở toàn bộ rác thải trên vùng lõi và vùng đệm của vịnh Hạ Long"./.