Nuôi biển bền vững nhằm phát huy lợi thế của quốc gia

Với mong muốn đưa nuôi biển Việt Nam vươn tầm khu vực và thế giới, các tham luận tại hội nghị tập trung đánh giá về thực trạng nuôi biển tại Việt Nam cũng như trên thế giới hướng đến mục tiêu phát triển ngành thủy sản Xanh nói chung và ngành hàng nuôi biển bền vững nói riêng.

Tại hội nghị “Phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh” vừa diễn ra vào ngày 1/4/2024, tại TP. Hạ Long (Quảng Ninh), đã thu hút được sự quan tâm của các chuyên gia, nhà quản lý và các doanh nghiệp trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.

nuoi-bien-ben-vung-02-1712026590.jpg
Quang cảnh hội nghị: “Phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh”.

Quảng Ninh nỗ lực phát triển kinh tế biển xanh

Thống nhất cao với nhận định, nuôi biển là xu thế tất yếu, chiến lược phát triển phát huy lợi thế của quốc gia, các đại biểu cho rằng, Việt Nam nói chung, tỉnh Quảng Ninh nói riêng có điều kiện tự nhiên thuận lợi, đối tượng nuôi phong phú, từ các loài cá, rong, nhuyễn thể đa dạng, chất lượng gắn với các vùng sinh thái và kinh nghiệm nuôi biển nhiều đời, nếu có chiến lược, giải pháp khơi thông tiềm lực, nuôi biển sẽ là ngành hàng có giá trị kinh tế lớn, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh cho biết, quan điểm phát triển của Quảng Ninh là phát triển kinh tế biển xanh, sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển và đại dương để tăng trưởng kinh tế, cải thiện sinh kế việc làm cho người dân, đảm bảo sức khỏe của các hệ sinh thái biển và đại dương, không đánh đổi tài nguyên môi trường lấy tăng trưởng, phát triển kinh tế biển bằng mọi giá.

nuoi-bien-ben-vung-01-1712026622.jpg
Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh chia sẻ tại Hội nghị.

Theo ông Nguyễn Xuân Ký, Quảng Ninh là tỉnh phát triển mạnh về nuôi trồng thủy sản, diện tích sản xuất thủy sản theo quy hoạch là 100.000 ha (Đất nuôi trồng thủy sản 50.000; Mặt biển 45.000 ha và Mặt hồ dập 5.000 ha). Diện tích sản xuất thủy sản hiện nay 32.092 ha (mới khoảng 32%), do đó tỉnh còn nhiều dư địa để phát triển sản xuất.

Toàn tỉnh có 33 doanh nghiệp; 118 hợp tác xã và 11.077 hộ cá nhân tham gia sản xuất thuỷ sản, với tổng số 40.000 lao động. Sản lượng thủy sản hàng năm của Quảng Ninh đạt 190.000 tấn, trong đó nuôi trồng chiếm 55% và đang tăng tỷ trọng nuôi trồng.

“Tỉnh Quảng Ninh đã quy hoạch 45.246 ha khu vực biển giành cho phát triển nuôi biển với quan điểm phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, gia tăng giá trị, bền vững gắn với bảo tồn, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản, phát triển du lịch, dịch vụ, công nghiệp và bảo vệ chủ quyền, an ninh biển đảo của Tổ quốc”, ông Ký nhấn mạnh.

Ông Ký cũng nêu lên những vấn đề khó khăn đối với phát triển nuôi biển tại Quảng Ninh, trong đó có con giống và hạ tầng. Nhu cầu con giống hải sản cho nuôi trồng của Quảng Ninh hiện này cần khoảng 8 tỷ con giống các loại/năm, nhưng 16 trại giống mới đáp ứng được 37%. Quảng Ninh cũng chưa có hệ thống cảng cá chuyên dụng và chợ cá lớn.

nuoi-bien-ben-vung-04-1712026575.jpg
Tỉnh Quảng Ninh đã quy hoạch 45.246 ha khu vực biển giành cho phát triển nuôi biển với quan điểm phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường. (Ảnh minh họa)

Nhấn mạnh vai trò nuôi biển đóng góp vào kinh tế biển nói chung, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký khẳng định đây sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong thời gian tới. Quảng Ninh sẽ phát triển để sớm trở thành trung tâm kinh tế biển hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á, hội nhập quốc tế toàn diện bằng các giải pháp tổ chức lại không gian phát triển kinh tế biển trên cơ sở phân vùng không gian hợp lý, khoa học, dựa vào hệ sinh thái, theo chức năng sử dụng biển đảo, vùng ven biển hài hòa lợi ích, giảm xung đột, phát triển bền vững. Tỉnh Quảng Ninh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế theo chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước đầu tư vào lĩnh vực nuôi biển.

“Trên cơ sở quy định các văn bản quy phạm pháp luật, tích hợp giải quyết các nhiệm vụ trong cùng 1 thời gian, với cách làm này vừa qua địa phương giảm được hơn 50% thời gian giải quyết các thủ tục hành chính. Quảng Ninh mong muốn tổ chức phát triển nuôi biển một cách bền vững, nuôi biển gắn với phát triển công nghệ ứng dụng khoa học công nghệ cao trong sản xuất, đồng thời xác định rõ trọng tâm trong phát triển nuôi biển bền vững là vai trò của các doanh nghiệp và hợp tác xã, từ nơi đó là tạo ra các chuỗi giá trị”, ông Nguyễn Xuân Ký nói.

Nuôi biển chính là nuôi dưỡng đại dương, Xanh cho ngành Thủy sản

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, giảm khai thác, tăng nuôi trồng thủy sản là một trong những trụ cột của Chiến lược phát triển thủy sản. Nuôi biển chính là nuôi dưỡng đại dương, nuôi biển không chỉ là phát triển kinh tế mà còn giải quyết vấn đề của xã hội, hài hòa lợi ích của người dân, trong đó có doanh nghiệp, hợp tác xã và ngư dân, qua đó tạo ra sự giàu có của đại dương.

“Định hình con đường nuôi biển không chỉ tạo ra được một ngành kinh tế bình thường mà nó góp phần cho một xu thế không thể nào bỏ qua, đó là xu thế tăng trưởng Xanh, Xanh cho đại dương, Xanh cho ngành Thủy sản. Khi và chỉ khi chúng ta có một hệ sinh thái gồm những tác nhân tham gia vào chuỗi ngành hàng thủy sản dựa trên nền tảng nuôi biển thì lúc đó ngành ngư nghiệp nói chung, ngành thủy sản nói riêng sẽ phát triển một cách bền vững mang lại giá trị không chỉ cho hiện tại mà cho tương lai” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Về phía các nhà quản lý, TS. Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản nêu những khó khăn, thách thức trong quản lý hoạt động nuôi biển. Cụ thể, trong đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè hiện nay, vẫn còn một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn. Hiện có quá nhiều cơ sở nuôi nhỏ lẻ, trong khi số lượng cán bộ công chức về thủy sản tại các địa phương ít và phải kiêm nhiệm nhiều việc. Hiện nhiều tỉnh chưa có quy hoạch không gian biển, người nuôi chưa được giao khu vực biển.

nuoi-bien-ben-vung-03-1712026685.jpg
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, giảm khai thác, tăng nuôi trồng thủy sản là một trong những trụ cột của Chiến lược phát triển thủy sản.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng nuôi biển cần định hướng đáp ứng các yêu cầu của thị trường tiêu thụ theo từng mặt hàng, và tính đến việc chủ động đáp ứng rào cản/thách thức.

“Các địa phương cần có kế hoạch, qui hoạch nuôi biển phù hợp nhu cầu thị trường về cơ cấu lựa chọn đối tượng nuôi và đang dạng thụ trường. Cần tăng cường xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nuôi biển đối với thị trường trong nước, nước ngoài”, ông Tiệp khuyến cáo.

PGS. TS. Nguyễn Hửu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, cho rằng phát triển nuôi biển cần thực hiện 5 cuộc chuyển đổi, cụ thể: Chuyển từ nuôi biển thủ công sang công nghiệp; chuyển từ vùng biển kín ven bờ ra các vùng biển mở xa bờ;  quản lý chặt chẽ từ cấp phép, sản lượng đến công nghệ, môi trường; ứng dụng nuôi biển đa dưỡng tích hợp (IMTA); tích hợp với các ngành kinh tế biển khác.

Đề cập về chính sách quản lý nuôi biển bền vững, ông Dũng khuyến nghị Nhà nước chỉ nên cấp phép nuôi biển cho cơ sở đạt điều kiện. Cần quy định hạn mức sản lượng cho từng cơ sở dựa trên điều kiện môi trường và tình hình thị trường; phân bổ quota công khai, minh bạch trong cộng đồng.

Cùng với đó, phải thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm bắt buộc và triển khai Cơ chế đồng quản lý (PPP) kiểm soát hoạt động nuôi biển, áp dụng công nghệ bản đồ số tự cập nhật trong nuôi biển.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, nếu nuôi biển chỉ nói về nuôi cá, nuôi tôm, nuôi mực… thì không phải. Nuôi biển là nuôi hệ sinh thái biển, nuôi giá trị biển, kể cả giá trị hữu hình và vô hình từ biển. Bằng trí tuệ, tri thức chúng ta phải làm giàu cho biển thì biển làm giàu cho chúng ta.

"Bằng trí tuệ, tri thức chúng ta phải làm giàu cho biển thì biển làm giàu cho chúng ta. Một khi khai thác kiệt quệ thì chúng ta kiệt quệ, biển sạch thì tâm hồn chúng ta sạch, biển giàu thì chúng ta giàu… Nuôi biển là nuôi dưỡng đại dương, nuôi chính con người hôm nay và thế hệ mai sau, từ đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cấu trúc lại ngành hàng và ngư dân, doanh nghiệp…”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh./.

Bình Châu