Nghệ An tạo "bệ phóng" cho nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững

Những năm qua, tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều chính sách, cơ chế nhằm phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương sau đại dịch. Đặc biệt, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt vì đây được xem là lĩnh vực thế mạnh của tỉnh nhà, vì thế năm 2022, nông nghiệp nông thôn Nghệ An đã có những bước chuyển biến đáng kể.

Nhằm tiếp tục phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế trong lĩnh vực này, vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn và cân đối bố trí nguồn lực thực hiện hàng năm để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ nông dân, phục hồi phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.

Mục tiêu phục hồi và phát triển nông nghiệp, nông thôn một cách bền vững

1638100787303641665-1681179837.jpg
Nghệ An được xem là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp, nông thôn với sự đa dạng về các loại hình kinh tế

Ngày 30/3, UBND tỉnh Nghệ An đã có Báo cáo số 214/BC-UBND về kết quả thực hiện các giải pháp hỗ trợ nông dân phục hồi phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, căn cứ vào các đề án, chương trình đã ban hành, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các cấp, các ngành có liên quan phối hợp với Hội Nông dân các cấp trong tỉnh tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ nông dân phục hồi phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. Các biện pháp khoa học kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất, hình thành các vùng sản xuất tập trung, thực hiện chuyển dịch kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, góp phần ổn định và nâng cao đời sống cho các hộ dân vùng nông thôn, miền núi và vùng đặc biệt khó khăn.

Năm 2022, phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An có bước tăng trưởng khá và bền vững; cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ tiếp tục chuyển đổi mạnh, ứng dụng công nghệ cao; công tác bảo vệ thực vật, thú y được đảm bảo thường xuyên; nâng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế nhiều loại cây trồng, vật nuôi tăng khá. Công tác tổ chức chỉ đạo sản xuất nông nghiệp được triển khai một cách đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt, thích ứng với biến đổi khí hậu; tập trung chỉ đạo, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh một cách quyết liệt, đặc biệt là dịch tả lợn Châu phi, viêm da nổi cục trâu bò… Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm khoảng 349.726 ha; tổng đàn trâu bò khoảng 788 nghìn con, tổng đàn lợn 1.100 nghìn con, tổng đàn gia cầm 33.046 nghìn con.

Bên cạnh đó, Nghệ An đã tập trung phát triển, nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu, ứng dụng công nghệ cao, đầu tư chế biến sâu, giá trị sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ được nâng cao. Tập trung giải quyết khó khăn cho ngư dân, phát triển đánh bắt xa bờ, thực hiện các biện pháp khắc phục thẻ vàng Châu Âu…

Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp, phục vụ ngày càng tốt hơn sản xuất và dân sinh. Phát triển chế biến nông, lâm, thủy sản; đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, tăng giá trị nông sản, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Các hoạt động xúc tiến thương mại, xuất khẩu, chế biến, tiêu thụ nông sản có sự tăng trưởng. Tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy hải sản trong năm 2022 đạt trên 487,5 triệu USD.

Xây dựng nông thôn mới và các chương trình phát triển nông thôn khác tiếp tục được triển khai hiệu quả, đạt nhiều kết quả quan trọng. Tổng nguồn vốn huy động, lồng ghép thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM) năm 2022 là 11.852.618 triệu đồng. Năm 2022, toàn tỉnh có 10 xã đạt chuẩn NTM, 22 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 4 xã đạt NTM kiểu mẫu…

Ứng dụng công nghệ cao và bảo vệ môi trường để sản xuất nông nghiệp theo hướng Kinh tế xanh

1637956592967723627-1681180000.jpg
Phát triển Kinh tế xanh kết hợp bảo vệ môi trường là mục tiêu của Nghệ An trong những năm tiếp theo

Chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh triển khai đã phát huy hiệu quả, có nhiều tác động tích cực trong thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp; thúc đẩy, khuyến khích sản xuất phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thông, đưa nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, tăng năng suất, chất lượng, giá trị nông lâm thủy sản, nâng cao thu nhập cho người dân. Tổng kinh phí tỉnh cấp thực hiện Nghị quyết năm 2022 là 66.237.357 triệu đồng.

Các chính sách hỗ trợ cước phí thuê bao VMS (phí thuê bao thiết bị giám sát hành trình khai thác thủy sản) cho ngư dân theo Nghị quyết số 02/2020/HĐND của HĐND tỉnh; chính sách miễn giảm giá dịch vụ thủy lợi theo Nghị định số 96/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ… đã giúp nông dân giảm bớt khó khăn trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Trong thời gian tới, tỉnh Nghệ An tiếp tục cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng NTM và bảo vệ môi trường theo hướng hiệu quả, bền vững. Hoàn thiện các cơ chế, chính sách về nông nghiệp, nông thôn, nhất là các chính sách hướng đến ứng dụng công nghệ cao. Phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại nông nghiệp. Xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại, bền vững. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ nhằm bứt phá, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành nông nghiệp. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp… Những hoạt động trên như là "bệ phóng" để phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh một cách bền vững./.

Quốc Cường