Nghệ An có gần 25.000 ha rừng được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững

Sau 02 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu rừng trồng thâm canh chất lượng cao gắn với cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững và công nghiệp chế biến lâm sản giai đoạn 2021 – 2025, Nghệ An đã từng bước gặt hái được những kết quả đáng khích lệ.
m638473048682663971-1711768352.png
Rừng Lùng tại huyện Quế Phong (Nghệ An) một trong các khu rừng đã được được cấp chứng chỉ FSC.

Sau khi Chỉ thị được ban hành, điều ghi nhận rõ nhất là vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các cấp, các chủ rừng, kiểm lâm, công an, quân sự, biên phòng được phát huy hiệu quả. Công tác phối kết hợp bảo vệ rừng giữa các lực lượng Kiểm lâm, Công an, Quân sự, Biên phòng, chủ rừng, chính quyền địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực, tạo nên sức mạnh tổng hợp ngăn chặn được các hành vi, vi phạm các quy định quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.

Trong 2 năm vừa qua, toàn tỉnh đã trồng 62.725 ha rừng tập trung đạt 114% kế hoạch; khai thác gỗ rừng trồng 4.912.118 m3 đạt 106% kế hoạch.  Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất lâm nghiệp giai đoạn 2021-2023 đạt bình quân 7,86%. Diện tích rừng trồng gỗ lớn đến nay ước đạt hơn 32.000 ha, chiếm 20% rừng trồng của cả tỉnh; 24.826,39 ha rừng được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt, đạt 50% mục tiêu của Chị thị.

Bên cạnh đó, công tác Bảo tồn thiên nhiên, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực lâm nghiệp đã có bước phát triển; các dự án đầu tư về lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh của các tổ chức quốc tế được triển khai và thực hiện có hiệu quả.

27-can-bo-pu-hoat-tham-mo-hinh-trong-cay-go-lon-tai-xa-hanh-dich-que-phong638471585823538830-1711768359.jpg
Cán bộ Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt kiểm tra khu vực trồng rừng gỗ lớn.

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện Chỉ thị số 10, cụ thể như hoạt động ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp vẫn còn hạn chế; công nghệ gieo ươm cây con vẫn chủ yếu là thủ công; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất giống chậm được đầu tư nâng cấp.

Công tác tổ chức trồng rừng thay thế; thực hiện thoả thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính (ERPA); thực hiện một số nội dung trong Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo Quyết định số 509/QĐ-TTg ngày 31/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ còn chậm…/.

Quốc Cường