Ngành Than: Chiến lược bền vững: Chuyển từ "nâu" sang "xanh"

Được xem là chủ thể trong chiến lược chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” của tỉnh Quảng Ninh, ngành than cũng đã chủ động triển khai các giải pháp cấp bách và lâu dài nhằm xanh hóa môi trường sản xuất than, tích cực đổi mới công nghệ khai thác, ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn tối đa các công đoạn sản xuất. Chủ trương này không những hài hòa với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, mà còn giúp ngành than đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng bền vững trong tương lai.
mt-1672534860.jpg
Công ty CP Than Núi Béo - Vinacomin thực hiện chủ trương "Đưa công viên cây xanh vào khai trường sản xuất"

Từ những khai trường “nâu”…

“Miền vàng đen” Quảng Ninh là bể than của vùng Đông Bắc, với trữ lượng thăm dò xấp xỉ 4 tỷ tấn, trải dài từ Cẩm Phả, Hạ Long đến Uông Bí, Đông Triều. Trung bình mỗi năm, các mỏ than vùng Quảng Ninh cung cấp cho nền kinh tế trên 40 triệu tấn than nguyên khai. Giai đoạn từ năm 2011 trở về trước, cơ cấu thu nội địa của tỉnh Quảng Ninh chủ yếu dựa vào than. Bình quân mỗi năm số thu ngân sách nhà nước từ than chiếm khoảng 67% số thu nội địa toàn tỉnh. Tuy nhiên, cùng với sức đóng góp to lớn, mô hình tăng trưởng dựa vào công nghiệp, chủ yếu là khai thác than ở Quảng Ninh ngày càng bộc lộ những mảng “nâu” với nhiều bất cập.

Mỗi năm, lượng đất đá thải bóc xúc từ các mỏ than lộ thiên của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) là khoảng 150 triệu m3. Trải qua hàng chục năm khai thác, hiện nay, lượng đất đá thải ở vùng Quảng Ninh đã lên đến hơn 1 tỷ m3. Khối lượng đất đá khổng lồ này đã chiếm dụng diện tích đổ thải rất lớn ở các địa phương, chủ yếu là TP. Hạ Long và TP. Cẩm Phả, với khoảng 4.000ha. Có thời điểm, những “quả bom đất” khổng lồ này đe dọa nghiêm trọng đến môi trường sinh thái và đời sống dân cư các khu vực giáp ranh khai trường mỏ lộ thiên. Vào mùa khô, lượng bụi phát tán từ hoạt động bóc xúc, vận tải, đổ thải ở các khai trường lộ thiên và các bãi thải mỏ đã gây ô nhiễm môi trường. Mùa mưa đến, nguy cơ sạt lở bãi thải xuống khu dân cư cũng từng là nỗi ám ảnh với người dân địa phương.

Bên cạnh đó, nước thải mỏ với trữ lượng bình quân mỗi năm khoảng 100-250 triệu m3 cũng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước biển ven bờ, sông, suối, ảnh hưởng đến môi trường sinh thủy và hệ sinh thái biển cùng nguồn lợi thủy sản. Quảng Ninh từng là địa phương được cơ quan môi trường Trung ương cảnh báo những nguy cơ ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Tăng trưởng “nâu” của ngành than một thời trở thành yếu tố kìm hãm sự phát triển bền vững của tỉnh Quảng Ninh.

… Đến sự thay đổi kịp thời về tư duy “xanh hóa”

Nhận diện được những bất cập trong quá trình phát triển, đồng thời được sự định hướng của tỉnh Quảng Ninh về chiến lược tăng trưởng bền vững, các đơn vị ngành than, nhất là TKV đã có sự chuyển dịch kịp thời trong tư duy và hành động. Những chủ trương, chính sách của Trung ương và tỉnh Quảng Ninh về bảo vệ môi trường và chuyển đổi mô hình tăng trưởng cũng là yếu tố thuận lợi với TKV trong định hướng tư duy “xanh hóa” ngành công nghiệp khai thác than.

Ngày 11/1/2017, Đảng ủy Than Quảng Ninh ban hành Nghị quyết 10 về đẩy mạnh công tác khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh. Tiếp đó, ngày 2/3/2017, Đảng ủy TKV ban hành Nghị quyết 19 về tập trung lãnh đạo đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa vào sản xuất và quản lý nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Hai nghị quyết “xương sống” về ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và kinh doanh than đã thể hiện quyết tâm đổi mới hạ tầng kỹ thuật, nâng cao trình độ khai thác than theo hướng thân thiện với môi trường của TKV.

Ngày 18/4/2018, Đảng ủy Than Quảng Ninh đã phối hợp với Đảng ủy TKV xây dựng Nghị quyết liên tịch số 33-NQLT/ĐUTKV - ĐUTQN về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong thực hiện công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2018-2020. Tổng giám đốc TKV cùng cơ quan điều hành cũng đã xây dựng Chương trình hành động số 138/CTr-TKV ngày 27/7/2018 để triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQLT/ĐUTKV-ĐUTQN và triển khai thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 12/3/2018 của Tỉnh ủy Quảng Ninh về bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2018 - 2022.

Đồng thời, TKV ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc thực hiện Đề án đảm bảo môi trường cấp bách ngành Than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020 và công tác bảo vệ môi trường trong toàn Tập đoàn; Kế hoạch và phương án bố trí nguồn vốn thực hiện bảo vệ môi trường được Hội đồng thành viên Tập đoàn phê duyệt hàng năm; Tổng giám đốc Tập đoàn ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và đôn đốc thực hiện. Từ năm 2018 đến nay, trung bình mỗi năm, TKV xây dựng, ban hành trên 50 văn bản/năm nhằm tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị thực hiện nhiệm vụ môi trường; tạo sự thống nhất, đồng bộ trong triển khai các mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng xanh, bền vững.

Giai đoạn 2015-2020, sản lượng than nguyên khai của TKV đạt 201 triệu tấn, bình quân tăng 4,1%/năm; tỷ trọng đóng góp ngành khai khoáng trong GRDP giảm dần từ 21,3% (2015) xuống còn 17,3% (2020), phù hợp với lộ trình đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” của tỉnh Quảng Ninh. TKV cũng đang từng bước thực hiện lộ trình kết thúc khai thác than lộ thiên theo quy hoạch của Chính phủ. Kết quả này vừa thể hiện sự chủ động của TKV, vừa khẳng định mối quan hệ gắn bó, đồng hành hết sức chặt chẽ, hiệu quả giữa tỉnh Quảng Ninh và ngành than trong phương châm phát triển bền vững.

Đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, đẩy mạnh thực hiện chủ trương chuyển đổi mô hình kinh tế từ nâu sang xanh, ngày 26/9/2022 tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 10 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022 – 2030. Nghị quyết này đã tiếp tục tạo “cú hích” để TKV chuyển biến mạnh mẽ hơn về mô hình tăng trưởng, với quyết tâm xây dựng mô hình “Mỏ xanh, mỏ sạch, mỏ hiện đại” gắn với phát triển kinh tế tuần hoàn.

Trong giai đoạn 5 năm qua (2017-2022), cuộc cách mạng “3 hóa” (cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa) đã góp phần thay đổi căn bản mô hình sản xuất than của TKV, tạo động lực thúc đẩy năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh than, đồng thời góp phần giải quyết từ gốc những tác động của khai thác than đến môi trường.

Trên các khai trường lộ thiên, hệ thống xe ô tô trọng tải lớn từ 90 đến 100 tấn được đầu tư ngày một nhiều, nhằm giảm số lượng xe lưu thông trên đường mỏ, giảm tình trạng phát tán bụi trong quá trình vận tải. Các thiết bị khoan, bốc xúc công suất lớn cũng được đầu tư để đồng bộ hạ tầng kỹ thuật khai thác, tăng năng suất, tiết kiệm nhiên liệu, hạn chế khí thải ra môi trường.

Trong các mỏ hầm lò, TKV đang nhân rộng các lò chợ cơ giới hóa đồng bộ một cách phù hợp. Những dây chuyền đồng bộ không chỉ giúp các mỏ tăng năng suất, tăng sản lượng mà còn tận thu tài nguyên hiệu quả. Từ lò chợ cơ giới hóa áp dụng đầu tiên tại Công ty Than Khe Chàm vào năm 2015, đến nay, TKV đã nhân rộng 11 dây chuyền đồng bộ cơ giới hóa đang hoạt động tại 8 đơn vị, như: Than Hà Lầm, Than Vàng Danh, Than Khe Chàm, Than Núi Béo, Than Mông Dương, Than Dương Huy, Than Quang Hanh và Than Uông Bí.

Theo ông Đỗ Mạnh Cường, Trưởng ban Kỹ thuật Công nghệ Mỏ TKV, các lò chợ cơ giới hóa đều cho năng suất lao động tăng từ 2-5 lần so với lò chợ khấu chống bằng công nghệ cũ. Bình quân mỗi năm sản lượng khai thác than bằng cơ giới hóa đạt từ 11-14% tổng sản lượng than hầm lò. Suất tiêu hao gỗ chống lò trong các lò chợ này giảm từ 50 m3/1000 tấn than xuống 14 m3/1000 tấn than.

Song hành với nâng cấp hạ tầng công nghệ khai thác than, TKV tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp bảo vệ môi trường cấp bách cũng như lâu dài. Các phương án bảo vệ môi trường tổng thể năm 2022 của TKV hiện đang tập trung vào 5 khu vực trọng điểm, gồm: Bãi thải Bàng Nâu (Công ty CP Than Cao Sơn), mỏ than Hà Tu, cảng Làng Khánh (Công ty Tuyển than Hòn Gai), nhà máy tuyển than và cảng Cửa Ông (Công ty Tuyển than Cửa Ông) và cảng Km6 (Công ty Kho vận & Cảng Cẩm Phả).

Thực hiện các phương án bảo vệ môi trường tổng thể, các đơn vị đã đầu tư nhiều thiết bị cải thiện chất lượng không khí trong khai trường sản xuất, như: các hệ thống phun sương dập bụi dạng quạt cao áp, xe tưới đường chuyên dụng dung tích 50m3 nước, trồng cây hoàn nguyên môi trường, xử lý nước thải công nghiệp và chất thải nguy hại. Công tác đổ đất đá thải tại các mỏ tiếp tục được rà soát, kiểm tra trên cơ sở tuân thủ thiết kế, quy trình đổ thải, đảm bảo an toàn, bảo vệ môi trường. Các bãi thải đang hoạt động cơ bản thực hiện đổ thải tầng thấp với chiều cao tầng ≤15m để giảm nguy cơ sạt lở, giảm phát sinh bụi, hạn chế xói mòn đất đá. Hoạt động vận chuyển than ra cảng và các nhà máy nhiệt điện được băng tải hóa tối đa cũng góp phần cải thiện đáng kể chất lượng môi trường các vùng đô thị.

Ông Đỗ Thiện Bằng, Phó trưởng ban Môi trường TKV cho biết: “Năm 2022, TKV đã trồng cây phủ xanh cải tạo phục hồi môi trường trên 205ha, đạt 103% kế hoạch năm, bằng 128,12% so với cùng kỳ năm 2021. Các trạm xử lý nước thải mỏ vận hành ổn định, chất lượng đảm bảo theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, năng lực xử lý đạt 150 triệu m3 nước thải mỏ”.

Không chỉ quyết liệt triển khai phương án bảo vệ môi trường tổng thể tại 5 khu vực trọng điểm, hiện nay, TKV cũng đang tập trung đôn đốc các đơn vị trực thuộc đẩy nhanh tiến độ triển khai các phương án bảo vệ môi trường theo mô hình cụm; các hoạt động môi trường thường xuyên. Chủ trương đưa công viên cây xanh vào khai trường sản xuất cũng được triển khai hiệu quả. Đến các mỏ giờ đây, bụi bặm, tiếng ồn dần nhường chỗ cho những không gian xanh mát.

hn-1672534968.jpg
Đẩy mạnh áp dụng chiến lược kinh tế tuần hoàn theo định hướng chỉ đạo của tỉnh Quảng Ninh, TKV cũng đã khởi động việc khai thác, thu hồi, tái sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp các công trình dân dụng và công nghiệp

“Dự án khai thác, thu hồi đất đá thải mỏ phục vụ san lấp các công trình dân dụng và công nghiệp tại khu vực Suối Lại là dự án đầu tiên của TKV được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép. Tái sử dụng đất đá tại bãi thải mỏ làm vật liệu san lấp sẽ mang lại lợi ích kép cho ngành Than, đó là giảm áp lực đổ thải, hạn chế tác động đến môi trường và tăng hiệu quả kinh tế theo hướng tuần hoàn. Đây cũng là chủ trương lớn, hướng đi đúng của tỉnh Quảng Ninh trong bối cảnh các dự án, công trình dân dụng và công nghiệp trên địa bàn đang cần số lượng lớn về nguyên liệu san lấp mặt bằng. Thay vì san gạt đồi lấy đất phục vụ hoạt động san lấp, hiện nay, các dự án có thể sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu thay thế phù hợp và hiệu quả” – ông Đinh Tú Anh, Phó Giám đốc Công ty Chế biến Than Quảng Ninh khẳng định.

Hiện nay, TKV tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ của các Bộ ngành, tỉnh Quảng Ninh, tháo gỡ khó khăn, lập quy hoạch các khu vực hoạt động khai thác, sử dụng, kinh doanh đất đá thải mỏ trong quá trình khai thác, chế biến thuộc Tập đoàn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030 và dự báo sau năm 2030 gồm 15 địa điểm khai thác, tái sử dụng đất đá thải mỏ tại các vùng: Uông Bí, Đông Triều, Hòn Gai, Cẩm Phả với tổng khối lượng đất đá thải có thể khai thác, thu hồi khoảng hơn 633 triệu m³, bình quân hơn 70 triệu m3/năm. Năm 2022, TKV khai thác trên 42,2 triệu tấn than nguyên khai, tăng 8,6% so với kế hoạch năm; than tiêu thụ đạt 46,5 triệu tấn, tăng 8% so với kế hoạch năm và tăng 3% so với cùng kỳ năm 2021.

Tiếp tục thể hiện sự quan tâm đặc biệt trong công tác bảo vệ môi trường, thể hiện trách nhiệm và nghĩa vụ phát triển cùng địa phương, năm 2022, TKV đã thông qua và phê duyệt nhiều Đề án, kế hoạch, chương trình quan trọng. Đó là: Đề án bảo vệ môi trường vùng than Quảng Ninh giai đoạn đến 2025, định hướng tới 2030; Đề án bảo vệ môi trường các khu vực ngoài tỉnh Quảng Ninh thuộc TKV giai đoạn đến 2025, định hướng tới 2030; Kế hoạch tổng thể cải tạo phục hồi môi trường các bãi thải mỏ than; Đề án trồng cây cải tạo phục hồi môi trường kết hợp trồng cây lấy gỗ làm trụ mỏ phát triển kinh tế rừng; Quy trình cải tạo phục hồi môi trường các bãi thải mỏ than; Kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn đến 2025 định hướng tới 2030.

TKV cũng xác định, Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 26/9/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030 là Nghị quyết có ý nghĩa rất lớn đối với tầm nhìn dài hạn và quyết tâm của TKV trong mục tiêu xanh hóa môi trường khai thác than, kiên trì chiến lược chuyển “nâu” sang “xanh” để phát triển bền vững./.

Hoàng Yến