TIỀM NĂNG TỪ MÔ HÌNH KIBBUTZ ĐỐI VỚI FTA VIỆT NAM - ISRAEL

Kibbutz - Công xã hiện đại kiểu Israel là mô hình cộng đồng nông thôn duy nhất còn tồn tại trên thế giới với nền tảng vững chắc là hệ thống triết lý và giáo lý của Do Thái giáo. Mô hình này có  vị trí đặc biệt trong việc xây dựng và phát triển nền kinh tế và Nhà nước Israel. Nghiên cứu này tập trung phân tích vai trò của triết lý và giáo lý Do Thái giáo trong việc hình thành nền tảng tư tưởng của Kibbutz, vai trò của Kibbutz trong sự phát triển của nền kinh tế và Nhà nước Israel, tiềm năng từ Kibbutz đối với FTA Việt Nam - Israel.

Tóm tắt: Sau 07 năm với 12 phiên đàm phán, Việt Nam và Israel đã đưa ra Tuyên bố về việc kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa hai nước vào tháng 04/2023 để tiến tới việc ký kết chính thức trong năm 2023, mở ra nhiều cơ hội hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai quốc gia. Kibbutz - Công xã hiện đại kiểu Israel là mô hình cộng đồng nông thôn duy nhất còn tồn tại trên thế giới với nền tảng vững chắc là hệ thống triết lý và giáo lý của Do Thái giáo. Mô hình này có vị trí đặc biệt trong việc xây dựng và phát triển nền kinh tế và Nhà nước Israel. Nghiên cứu này tập trung phân tích vai trò của triết lý và giáo lý Do Thái giáo trong việc hình thành nền tảng tư tưởng của Kibbutz, vai trò của Kibbutz trong sự phát triển của nền kinh tế và Nhà nước Israel, tiềm năng từ Kibbutz đối với FTA Việt Nam - Israel. Qua đó rút ra những bài học mà Việt Nam cần vận dụng để phát triển nền kinh tế của quốc gia mình.

After 07 years with 12 negotiation sessions, in April 2023, Vietnam and Israel issued a conclusion of a Free Trade Agreement (FTA) between two countries to move towards the official signing in 2023, which promotes trade and investment cooperation opportunities. Kibbutz, which is an Israel modern commune model, is the sole commune existing in the world based on the Jewish dogma and philosophy system. This model plays a significant role in building and developing the State of Israel and its economy. This research focuses on the role of Jewish dogma and philosophy in the formation of Kibbutz ideology, the role of Kibbutz in the development of Israel’s State and economy, Kibbutz’s potentials for the the Vietnam - Israel FTA; thereby drawing some lessons to Vietnam in developing its economy.

Từ khóa: Kibbutz, FTA, Việt Nam, Israel, Do Thái giáo

Keywords: Kibbutz, FTA, Vietnam, Israel, Judaism

1. Đặt vấn đề: Triết lý Do Thái giáo và sự hình thành và phát triển của Kibbutz

Israel là một quốc gia phát triển với nền kinh tế đa dạng cùng hàm lượng tri thức cao. Trong đó, Kibbutz đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển nền kinh tế Israel. Giống như một số mô hình xã hội chủ nghĩa của các quốc gia khác, Kibbutz thể hiện một tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái in đậm nét trong tư tưởng, nền tảng chính trị và xã hội Israel. Tuy nhiên, trong khi “những người anh em” khác đã thất bại, Kibbutz của Israel là mô hình duy nhất vẫn tồn tại và phát triển mạnh từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang mô hình quản lý hiện đại với những sản phẩm công nghệ cao. Sự thành công trong việc phát triển Kibbutz bắt nguồn sâu xa từ những truyền thống văn hóa của người Do Thái, hình thành bởi nền tảng giáo lý và triết lý Do Thái giáo. Sau 7 năm đàm phán, ngày 02/04/2023, Việt Nam và Israel đã ra tuyên bố về việc kết thúc đàm phán FTA để tiến tới việc ký kết chính thức trong thời gian tới, tạo điều kiện thuận lợi cho quan hệ kinh tế giữa hai nước và mở ra những cơ hội tốt cho Việt Nam tiếp thu và ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ trong việc phát triển kinh tế đất nước.

1.1. Tổng quan về Kibbutz

Kibbutz là mô hình cộng đồng nông thôn, xuất hiện vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 trong bối cảnh chủ nghĩa Phục quốc Do Thái (Sionism) đã phát triển thành phong trào dân tộc với mục tiêu chống lại ách áp bức và ngược đãi người Do Thái khi đó vẫn còn đang tiếp diễn ở Đông Âu. Việc liên tục phải chịu đựng sự phân biệt đối xử cũng như không có cơ hội hoà nhập vào các xã hội nơi họ đang sinh sống đã trở thành nguồn động lực to lớn thúc đẩy người Do Thái quay lại mảnh đất quê hương Israel và khôi phục đời sống của dân tộc trên quê hương cha ông để lại. Tuy nhiên, ngay sau khi trở lại để phục quốc, người Do Thái phải đối mặt với vô vàn những khó khăn, đặc biệt là việc trải qua nhiều cuộc chiến cùng với sự thiếu hụt tài nguyên kinh tế và hạ tầng trong điều kiện tự nhiên về địa hình và khí hậu hạn chế.

Đứng trước bối cảnh đó, nhà lãnh đạo đầu tiên của nhà nước Do Thái - Ben Gurion cho rằng kế hoạch Phục quốc sẽ chỉ thành công khi những người dân có thể “an cư lạc nghiệp” và sở hữu một khu đất định cư, canh tác cho riêng họ. Vì thế, giữa rất nhiều lý thuyết về lập quốc, ông đã xác định được tầm quan trọng và quyết định lựa chọn “làng cộng đồng Kibbutz” như một giá trị cốt lõi để vừa ổn định kinh tế, phát triển xã hội vừa củng cố sự đoàn kết cộng đồng và tình yêu nước nhằm thôi thúc người Do Thái tự nguyện làm việc chăm chỉ để duy trì và phát triển mảnh đất mà họ sống.

Năm 1910, Kibbutz đầu tiên của Israel - Kibbutz Degania được thành lập và xây dựng trên một vùng đất hoang dã tại bờ hồ Kinneret, phía đông bắc của Palestine [1]. Lấy đó làm nền tảng, các Kibbutz khác lần lượt được ra đời và phát triển nhanh chóng.

Về cách thức hoạt động, Kibbutz là cộng đồng hợp tác chủ yếu về nông nghiệp được vận hành theo hình thái công hữu toàn bộ tư liệu sản xuất và tiêu dùng. Các hoạt động quản lý trong Kibbutz dựa trên nguyên tắc tự nguyện, dân chủ và tự quản. Các thành viên được bố trí công việc phù hợp với năng lực bản thân trong sản xuất, dịch vụ mà không có sự phân biệt cao thấp về vị trí việc làm và toàn bộ lương của các thành viên đều được nộp tất cả cho Kibbutz để góp cho các hoạt động chung, đáp ứng tất cả nhu cầu của các thành viên [2].

Trải qua chiều dài của dòng lịch sử, các Kibbutz đã thực hiện rất nhiều thay đổi và cải cách để thích nghi với các thách thức kinh tế và xã hội, bao gồm chuyển đổi sang mô hình kinh doanh thương mại và cho phép các thành viên giữ quyền tài sản cá nhân. Hiện nay, mô hình Kibbutz tiếp tục tồn tại và phát triển, trở thành một trong những yếu tố then chốt góp phần hình thành nên nhà nước Israel và nền nông nghiệp công nghệ cao chất lượng của đất nước này.

1.2. Triết lý Do Thái giáo đặt nền tảng cho sự thành công của Kibbutz

Sự thành công của người Do Thái trong việc phát triển Kibbutz bắt nguồn sâu xa từ những truyền thống văn hoá của họ.

Tinh thần đoàn kết và sự gắn kết cộng đồng

Truyền thống văn hoá của dân tộc Do Thái gắn liền những nguyên tắc và niềm tin của Do Thái giáo mà cốt lõi là Kinh Thánh Hebrew (Tanakh). Kinh Thánh không chỉ hàm chứa giáo lý và xây dựng niềm tin vào một Đấng tối cao mà còn là cuốn sách khắc ghi lịch sử, ngôn ngữ, tri thức, luật lệ và truyền thống văn hoá của dân tộc Do Thái. Trong đó, những giá trị cộng đồng, công bằng, bình đẳng, dân chủ đặc biệt được đề cao và coi trọng. Đặc biệt, Kinh Thánh khơi dậy nơi người Do Thái một đức tin chung vững vàng về một dân tộc được Thiên Chúa tuyển chọn để truyền đạt thông điệp của Chúa cho các dân tộc khác, dẫn dắt và khai sáng các dân tộc khác cùng với đó là một khát vọng lớn lao về một “miền Đất Hứa”. Kinh Thánh chính là chất keo bền chắc gắn bó cộng đồng và xây dựng tinh thần đoàn kết, khiến dân tộc này giữ gìn được nguyên vẹn nòi giống, ngôn ngữ, truyền thống văn hóa mặc dù phải sống phân tán, lưu vong và bị kỳ thị, xua đuổi, hãm hại, tàn sát dã man trong suốt 2.000 năm qua.

Đề cao vai trò của lao động

Triết lý Do Thái giáo phê phán sự lười biếng và đề cao việc lao động trong đời sống của con người. Trong Sáng Thế Ký, chính Thiên Chúa cũng được khắc họa như một người thợ gốm khi nặn ra con người từ bụi đất và đặt con người làm chủ mọi loài, canh tác và trồng trọt đất đai, chăn nuôi các thú vật và được hưởng các thành quả mà mình làm ra. Người Do Thái nhấn mạnh vai trò của lao động như một điều răn: “Lao động thật vĩ đại vì nó tôn vinh người làm ra nó” (Ned. 49b) và phê phán sự lười biếng: “Sự lười biếng dẫn đến sự ô uế, suy đồi” (Ket 5:5). Đây là một tư tưởng hoàn toàn phù hợp với tiến trình phát triển của nhân loại ngày nay.

Quyền tư hữu và sự chia sẻ cộng đồng

Như vậy, triết lý Do Thái nhấn mạnh đến quyền sở hữu tài sản nhưng quyền đó không tuyệt đối vì nó thuộc về Thiên Chúa và mọi người đề chỉ là kẻ quản lý và được uỷ thác khối tài sản đó. Chính vì thế, người Do Thái sử dụng khả năng của mình và lao động không phải để làm giàu cho mình nhưng là để đẹp lòng Thiên Chúa bằng cách giúp đỡ cộng đồng và phát triển xã hội. Điều này đồng nghĩa với việc tài sản hay sự giàu có sẽ hướng đến lợi ích của cộng đồng và xã hội thay vì hướng đến cá nhân hay lợi ích nhóm. Từ đó ta dễ hiểu vì sao cộng đồng Do Thái ở đâu cũng giúp đỡ nhau để tất cả cùng giàu lên, không có ai nghèo khổ.

2. Kibbutz và sự phát triển kinh tế của Israel

2.1. Điều kiện tự nhiên của Israel

Với tổng diện tích khoảng 22.000km2, Israel là một đất nước tương đối nhỏ nằm ở ngã ba lục địa Á - Phi - Âu. Về địa hình, hơn một nửa diện tích đất Israel là hoang mạc và bán hoang mạc. Về khí hậu, lượng mưa trung bình hàng năm dao động từ 151,94mm đến 772,6mm và nhiệt độ trong khoảng 15,9 độ C đến 23,9 độ C, càng về phía nam, khí hậu càng trở nên khô cằn và khắc nghiệt [3]. Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt đó đã gây ra thách thức rất lớn đối với nền kinh tế Israel.

2.2. Sự phát triển kinh tế của Israel

Israel là quốc gia có nền tảng kinh tế bền vững và là nước phát triển duy nhất ở khu vực Trung Đông, với các lĩnh vực chủ chốt bao gồm: công nghệ - công nghệ cao, công nghiệp nặng và sản phẩm nông nghiệp,...

Về nông nghiệp:

Hiện nay, Israel sở hữu một cấu trúc thể chế hiệu quả và một chính sách nông - công nghiệp mạnh mẽ. Cho đến gần đây, các hoạt động của cơ quan được tập trung cao độ và phối hợp chặt chẽ. Sự hợp tác chặt chẽ của “4 nhà”: nhà nghiên cứu, cán bộ khuyến nông, nông dân và các ngành công nghiệp hỗ trợ giúp cho mọi khó khăn đều có thể khắc phục. Thông tin phát sinh trên đồng ruộng ngay lập tức được chuyển đến cho các nhà khoa học và ngược lại, nếu có kỹ thuật khoa học tiên tiến nào thì người nông dân đều nhanh chóng được tiếp cận và phổ cập rộng rãi.

Nền nông nghiệp Israel ngày càng phát triển ổn định, bền vững và chiếm tỷ trọng lớn trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế cho Israel trong bối cảnh đại dịch COVID 19, giá cả biến động và thương mại toàn cầu bị ảnh hưởng. Mặc dù phải đối mặt với những cải cách theo định hướng thị trường và các biện pháp tạm thời nhằm dỡ bỏ các hạn chế thương mại ở giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19, tổng hỗ trợ cho nông nghiệp ở Israel vẫn tiếp tục tăng từ năm 2018 đến năm 2020. Điều này chủ yếu phản ánh sự kiên trì của các quy định, kiểm soát giá cả và bảo vệ biên giới phục vụ cho các mặt hàng cụ thể.

1-1685341738.jpg

Biểu đồ: Ước tính tổng hỗ trợ nông nghiệp của Israel 2000-2020. (Nguồn: OECD)

Tỷ lệ hỗ trợ của nhà sản xuất trong tổng doanh thu từ trang trại (%PSE) đạt 18,3% trong năm 2018-2020, gần với mức trung bình hiện tại của OECD. Điều này là nhờ sự kiên trì hỗ trợ giá trong nước và các biện pháp biên giới có lợi cho một số sản phẩm thịt và sữa, và một số loại trái cây và rau quả. Các nhà sản xuất gia cầm và sữa được hưởng lợi từ phần hỗ trợ giá thị trường lớn nhất, chiếm 41% tổng hỗ trợ cho nhà sản xuất trong năm 2018-2020 [4].

Về công nghệ cao: Nhờ sức mạnh của nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ cao, bức tranh nền nông nghiệp Israel đã có sự thay đổi đáng kinh ngạc. Chỉ trong một thời gian ngắn, Israel từ quốc gia thiếu lương thực, thực phẩm đã đủ cung cấp cho nhu cầu trong nước, và còn xuất khẩu nông sản trị giá hàng tỷ đô la mỗi năm. Israel luôn dẫn đầu trong lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ cao, đạt tỷ lệ 1 start-up trên mỗi 1.400 người, thu hút nhiều nhà đầu tư lớn từ Trung Quốc và Nhật Bản. Các nhà nông nghiệp Israel cũng đi tiên phong trong công nghệ sinh học nông nghiệp; hệ thống tưới tiêu cảm biến tự động; sử dụng máy tính để điều phối các hoạt động canh tác phức tạp như điều khiển phun phân bón dựa vào phân tích các yếu tố môi trường; cung cấp thức ăn hỗn hợp cho vật nuôi theo tỷ lệ đã qua kiểm nghiệm, chi phí thấp nhất, năng suất tốt nhất; cung cấp và kiểm soát môi trường nhiệt độ và độ ẩm cho gia cầm.

Nhờ sự hỗ trợ của kỹ thuật tiên tiến, kể từ khi Israel được thành lập, sản lượng nông nghiệp của nước này đã tăng trưởng gấp 15 lần, cao gấp 3 lần so với tốc độ tăng trưởng dân số. Diện tích đất làm nông nghiệp của Israel cũng tăng vọt từ 30.000 ha (năm 1948) lên trên 360.000 ha (năm 2020) [5]. Với công nghệ nông nghiệp hiện đại, số lao động trong ngành nông nghiệp và lượng nước cần dùng cho tưới tiêu ngày một giảm.

2.3. Kibbutz và sự phát triển kinh tế của Israel

Kibbutz nắm giữ vị trí quan trọng trong sự phát triển kinh tế của Israel.

Về nông nghiệp:

Ngay trước khi trở thành nhà nước, những người tiên phong đầu tiên của Israel đã khởi đầu cho sự đổi mới nông nghiệp bằng cách thành lập Kibbutz đầu tiên: một cộng đồng nông nghiệp tập trung vào việc chia sẻ đất đai và tài nguyên, cùng nhau giải quyết những thách thức canh tác khó khăn. Ngày nay, Kibbutz nằm ở nền tảng đổi mới công nghệ nông nghiệp của Israel và hơn một nửa số dự án công nghệ nông nghiệp của đất nước được quản lý bởi các xã viên trong Kibbutz. Với sự nhanh nhạy thích nghi đối với các kỹ thuật mới nhất, trong những buổi đầu sơ khai của Kibbutz khi nông nghiệp được coi là nên kinh tế chủ lực, hiện nay các thành viên đã trồng nhiều loài cây mới có khả năng thích nghi trong nước thông qua công nghệ sinh học hiện đại và phát minh ra thiết bị tưới nhỏ giọt, tưới phun tiên tiến, cùng nhau tạo ra nền nông nghiệp hiện đại hóa với đặc trưng hiệu quả cao, chất lượng cao và năng suất cao.

Theo số liệu cập nhật đến năm 2020, có khoảng trên dưới 300 kibbutz với số lượng xã viên từ 40 tới hơn 1.000 người/kibbutz hiện diện khắp nơi trên đất nước Israel. Hầu hết kibbutz có quy mô 300-400 xã viên, còn nếu tính cả con cái họ, số người của một kibbutz trung bình là 500-600 [6]. Mặc dù lao động trong nông nghiệp chiếm 3,7% tổng lực lượng lao động trong nước cùng với chỉ khoảng một phần tư diện tích đất là đất nông nghiệp, Israel tự sản xuất được 95% nhu cầu thực phẩm đồng thời xuất khẩu chừng 3 tỷ USD nông sản, trở thành một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới nhờ sự chăm chỉ kết hợp phương pháp canh tác tiên tiến của các kibbutz. Tổng diện tích đất canh tác đã tăng từ 1.650km2 (1948) lên 4.300 km2 hiện nay, số cộng đồng nông nghiệp tăng từ 400 lên 725. Sản lượng nông nghiệp tăng 16 lần, nhanh gấp 3 lần tốc độ dân số (Rusell A. Stone, 2020) [7].

Về công nghiệp:

Hiệp hội Công nghiệp Kibbutz (Kibbutz Industry Association- KIA) đại diện, hỗ trợ và thúc đẩy ngành công nghiệp kibbutz, là cơ sở hạ tầng kinh tế chính của các Kibbutz. Hiệp hội Công nghiệp Kibbutz bao gồm 250 Kibbutz và các nhà máy định cư tập thể, chiếm 10% doanh thu công nghiệp quốc gia. Nhờ có hiệp hội Công nghiệp Kibbutz cùng sự phối hợp với các doanh nghiệp [8], các Kibbutz đã đa dạng hóa các ngành sản xuất của mình, mở rộng cơ sở sang các ngành công nghiệp và dịch vụ khác nhau. Mặc dù chỉ với số dân chiếm hơn 2% dân số Israel (trong 273 Kibbutz) nhưng đóng góp của người dân Kibbutz cho nền sản xuất trong nước lại vượt xa tỉ lệ này bởi vì họ đã tạo ra khoảng 38% sản phẩm nông nghiệp và sản xuất khoảng 8,4% sản lượng công nghiệp (không kể đến kim cương) [9].

3-1685341771.jpg

Biểu đồ thể hiện sản lượng các ngành công nghiệp ở Israel năm 2017. (Nguồn: La Camera di Commercio Israel - Italia - Phòng Thương mại Israel - Ý)

Về du lịch:

Ngành công nghiệp thứ ba là du lịch đã phát triển một cách nhanh chóng và trở thành nguồn thu nhập quan trọng cho các xã viên của Kibbutz. Các cơ sở du lịch, các nhà kho nhà máy, các nơi giao dịch bán hàng gần đây là một phần quan trọng của nền kinh tế Kibbutz cũng như nền kinh tế Israel. Có thể kể đến như Kibbutz Ein Gev nổi tiếng với Cá St. Peter và rượu vang đỏ được sản xuất ở Cao nguyên Golan, thu hút một lượng lớn khách du lịch hàng năm. Kibbutz Ein Gev, nằm trên bờ biển phía đông của Biển hồ Galilee, là một trong những Kibbutz lớn nhất và giàu có nhất ở Israel. Ein Gev sở hữu một phòng hòa nhạc 2.500 chỗ ngồi để tổ chức Liên hoan Âm nhạc Ein Gev, được tổ chức hàng năm trong Lễ Vượt qua. Lễ hội Cá hay lễ hội Âm nhạc Kibbutz Ein Gev hàng năm là một sự kiện lớn nổi tiếng trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, các xã viên Kibbutz cũng mời các tình nguyện viên trong và ngoài nước đến trải nghiệm lối sống của mình nhằm quảng bá thương hiệu và nét văn hóa có 1-0-2 trên thế giới.

3. Tiềm năng từ Kibbutz đối với FTA Việt Nam - Israel và bài học đối với Việt Nam

3.1. Nội dung đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Israel

Hiệp định Thương mại tự do (FTA) là một thỏa thuận quan trọng giữa hai hoặc nhiều quốc gia nhằm loại bỏ các rào cản trong thương mại, tăng cường quan hệ kinh tế giữa các quốc gia và đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Khởi động đàm phán từ tháng 12/2015, sau hơn 07 năm với 12 phiên đàm phán, Việt Nam và Israel đã ra Tuyên bố về việc kết thúc đàm phán Hiệp định FTA giữa hai nước vào tháng 04/2023. Qua đó, hai nước sẽ sớm xúc tiến các công việc nội bộ và pháp lý cuối cùng để chuẩn bị cho việc ký Hiệp định FTA Việt Nam - Israel dự kiến ngay trong năm 2023 để chào mừng 30 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước [10].

Trong quá trình đàm phán, hai bên đã thảo luận về nhiều lĩnh vực có tiềm năng để hợp tác, nổi bật là: nông nghiệp và công nghệ.

Về lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam và Israel đều là những quốc gia có nền nông nghiệp phát triển. Việt Nam hiện là một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, còn Israel được tôn vinh là quốc gia có nền nông nghiệp hiện đại bậc nhất thế giới, nơi các công nghệ tiên tiến như tưới tiêu cảm biến tự động, vắt sữa bằng robot và quản lý trang trại dựa trên dữ liệu đám mây được sử dụng phổ biến [11]. Do đó, ký kết FTA sẽ giúp tăng cường hợp tác và chia sẻ giữa hai bên trong lĩnh vực này.

Về lĩnh vực công nghệ, Israel được xem là “Thung lũng Silicon” của Trung Đông với nhiều công ty công nghệ tiên tiến. Việt Nam cũng đang phát triển rất mạnh trong lĩnh vực công nghệ với nhiều startup và lực lượng lao động trẻ. Vì vậy, ký kết FTA giữa hai bên sẽ giúp các doanh nghiệp của Việt Nam và Israel chia sẻ kinh nghiệm, đổi mới công nghệ và thúc đẩy đầu tư.

3.2. Đánh giá tiềm năng để phát triển từ Kibbutz đối với FTA Việt Nam - Israel và bài học đối với Việt Nam

Đối với FTA Việt Nam - Israel, Kibbutz có thể đem đến nhiều tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp. Từ kinh nghiệm của Israel, dưới đây là một số bài học Việt Nam có thể vận dụng.

Một là, Việt Nam cần chú trọng công tác rà soát, sửa đổi và hoàn thiện lại hệ thống pháp luật hiện hành, đặc biệt là các đạo luật liên quan như Luật Đất đai, Luật Hợp tác xã, Luật Công nghệ cao,…

Theo đó, quy định về đất đai trong Luật Đất đai hiện nay đang dẫn đến tình trạng đất bị phân tán nhỏ lẻ, không thể tập hợp để phát triển thành những cánh đồng lớn và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Trong khi đó, một trong những nguyên tắc tổ chức cơ bản làm nên sự thành công của mô hình Kibbutz đó là công hữu về tư liệu sản xuất; đất nông nghiệp trong Kibbutz được tập trung, sở hữu và quản lý chung bởi cả cộng đồng, thay vì mỗi thành viên sở hữu một mảnh đất riêng như trong mô hình nông thôn truyền thống [12].

4609-ynh-chung-1685341730.jpg

Ảnh minh họa.

Tương tự, đối với mô hình hợp tác xã (HTX) tại Việt Nam, Luật Hợp tác xã cần thiết được sửa đổi, không nên hạn chế giao dịch của hợp tác xã với các đối tác bên ngoài; không quy định giao dịch của hợp tác xã với các thành viên phải chiếm trên 50% tổng giá trị giao dịch của hợp tác xã; bổ sung những quy định về điều kiện cho phép hợp tác xã thành lập doanh nghiệp của hợp tác xã. Xét thực tế, Kibbutz rất coi trọng nền kinh tế hàng hóa. Với tư cách là những thực thể kinh tế đối với thế giới bên ngoài, các Kibbutz đã chủ động kinh doanh hàng hóa và tham gia cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Trên cơ sở đó sự nghiệp của họ ngày càng trở nên mạnh mẽ, đóng góp một phần rất lớn vào nền kinh tế nước nhà [13].

Hai là chú trọng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ nông nghiệp: Kibbutz là một ví dụ điển hình của nông nghiệp công nghệ cao với hơn một nửa các dự án công nghệ nông nghiệp của Israel được quản lý bởi các Kibbutz. Việt Nam cần tập trung hơn vào đầu tư nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ cho ngành nông nghiệp và dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp; tăng cường nghiên cứu khoa học ứng dụng và thương mại theo nhu cầu kinh tế thị trường, phù hợp với phát triển bền vững.

Ba là phát triển các mô hình kinh tế tập thể và chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ: Kibbutz thành công nhờ vào việc xây dựng mô hình kinh tế tập thể bền vững và chuỗi liên kết sản xuất từ trang trại cho đến các nhà máy chế biến và xuất khẩu. Điều này giúp tránh làm lãng phí các nguồn lực của sản xuất nông nghiệp, phát huy vai trò của trí tuệ tập thể và ưu thế của chuyên môn hóa, làm tăng hiệu quả sản xuất. Hiện nay, thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”, số lượng các hợp tác xã (HTX) ở Việt Nam cũng ngày một tăng. Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ Kibbutz để phát triển các HTX bằng cách tập trung đất đai để tạo ra các mô hình kinh tế tập thể và chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản, hỗ trợ các HTX liên kết với nhau và với các tổ chức kinh tế khác, thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị nông sản, sản xuất các sản phẩm đạt chuẩn mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và liên kết với chương trình xây dựng nông thôn mới.

Bốn là chú trọng đến bảo vệ môi trường: Kibbutz đã đạt được nhiều thành công trong việc bảo vệ môi trường và sử dụng tài nguyên nước một cách bền vững. Việt Nam cần chú trọng đến bảo vệ môi trường và tìm kiếm giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Xử lý nước thải và sử dụng nước đã qua xử lý để tưới cây trồng, trồng rau thủy canh không cần đất và không sử dụng hóa chất, thu gom và tái chế rác thải, sử dụng năng lượng mặt trời trong các nông trường là một số gợi ý gợi ý hữu ích mà Việt Nam có thể áp dụng.

Năm là chú trọng đến tính dân chủ, minh bạch và khoa học trong tổ chức và hoạt động sản xuất.

Các hoạt động quản lý trong kibbutz dựa trên nguyên tắc tự nguyện, dân chủ và tự quản. Những vấn đề thường nhật được Hội đồng xử lý kịp thời, công khai, công bằng và bị giám sát chặt chẽ. Để tránh tham nhũng, mọi khoản thu nhập và chi phí của kibbutz được công khai dán trên bảng thông tin của cộng đồng. Ban lãnh đạo kibbutz được đại hội xã viên bầu ra, chịu trách nhiệm giám sát của một cơ chế công khai hoàn toàn mọi quyết định và chính sách của kibbutz [14]. Chính những điều đó đã giúp cho kibbutz ổn định và phát triển khá thịnh vượng [15]. Từ đó, Việt Nam cần học hỏi và áp dụng những yếu tố tiên quyết này để có một môi trường sản xuất lành mạnh.

Sáu là thực hiện cải cách hiệu quả và phù hợp với sự phát triển kinh tế trong nền kinh tế thị trường.

Khía cạnh này rất đáng học hỏi đối với các hợp tác xã nông thôn ở Việt Nam. So với kibbutz, các hợp tác xã nông thôn ở Việt Nam vẫn còn thiếu đổi mới trong sở hữu cốt lõi, cụ thể là sở hữu tập thể. Do đó, hợp tác xã cần được cải cách một cách hiệu quả. Cơ cấu tổ chức hợp tác xã cần được thiết lập sao cho phù hợp với trình độ phát triển kinh tế. Thiết lập một cơ cấu tổ chức hợp tác xã phù hợp là rất quan trọng. Tổ chức hợp tác xã nông nghiệp cấp quốc gia hoặc cấp vùng không phải là cấp trên của các hợp tác xã ở làng, xã mà là tổ chức tạo ra sự hợp tác giữa các hợp tác xã cơ sở với nhau, cũng như tạo ra sự hợp tác giữa các hợp tác xã cơ sở với các tổ chức, doanh nghiệp liên quan nhằm cung cấp thông tin thị trường cho người nông dân để họ có thể sản xuất đúng cái mà thị trường cần, tạo thị trường rộng lớn cho hợp tác xã, phát huy lợi thế nhờ quy mô, thúc đẩy số người tham gia [16].

Giảng viên Trần Phương Chi và Nhóm sinh viên Học viện Ngoại giao (Nguyễn Ngọc Hoàng Hà, Nguyễn Thu Hà, Trần Cẩm Ly, Lê Nguyệt Minh, Lê Minh Nguyệt, Nguyễn Mai Trang, Đặng Thị Thu Uyên)