Doanh nghiệp ngành phân bón đối diện nhiều khó khăn

Hiện tại, dù kết quả sản xuất kinh doanh tốt, song, ngành sản xuất phân bón trong nước đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức và nguy cơ thua lỗ vì những bất ổn của thị trường cùng chính sách quản lý chưa phù hợp.

Một vài tháng trở lại đây, giá phân bón trong nước đã bắt đầu giảm theo chiều giảm của giá phân bón thế giới. Tuy nhiên mức giá hiện nay vẫn còn rất cao so với giá của 2 năm trước. Trong 2 năm qua, khi phân bón tăng cao thì nông dân lại luôn phải ở trong tình cảnh điêu đứng vì chi phí đầu vào sản xuất nông nghiệp tăng cao trong khi giá cả nông sản thì rớt thê thảm vì nhiều lý do, như không thể xuất khẩu vì dịch bệnh. Nông dân thua lỗ, nhiều nơi nông dân phải bỏ vụ.

Giá phân bón trong nước thời gian qua tăng cao cũng không phải là điều khó để lý giải. Bởi các chi phí đầu vào sản xuất đều tăng cao, nhất là nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài hay gần đây là nguyên liệu khí tăng cao theo đà tăng giá dầu...

san-xuat-va-kinh-doanh-npk-phu-my-tang-truong-an-tuong-1657350208.jpg

Các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước luôn vận hành tối đa công suất để phục vụ nhu cầu trồng trọt - Ảnh minh họa.

Các chi phí đầu vào có tác động mạnh, đã đẩy giá thành sản phẩm phân bón tăng rất cao. Thực tế, các doanh nghiệp sản xuất phân bón lớn trong nước hiện nay đều không muốn tăng giá vì sẽ giảm thị trường, giảm sức mua và ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Giá khí đầu vào để sản xuất phân đạm của Việt Nam hiện nay thuộc hàng cao nhất thế giới. Tuy nhiên, giá cả phân bón trong nước luôn được các doanh nghiệp như Phân bón Phú Mỹ, Phân bón Cà Mau, Hà Bắc.. duy trì ở mức thấp hơn so với giá thế giới nhằm hỗ trợ bà con trong giai đoạn khó khăn.

Thậm chí, có thời điểm doanh nghiệp phải điều chỉnh chỉ số điều tiết giá nội địa ở mức âm đến trên 20% so với mặt bằng giá thế giới, dù điều này rất có thể là nguyên nhân khiến người điều hành doanh nghiệp sẽ phải giải trình với các cơ quan hậu kiểm sau này. Thế nhưng họ vẫn chấp nhận vì mục tiêu duy nhất là đồng hành, chia sẻ với bà con nông dân trong cơn bão giá.

Với đặc thù ngành hàng vật tư nông nghiệp, sản lượng lớn, sử dụng nguồn nhân lực lớn, từ cung ứng nguyên liệu đầu vào đến tiêu thụ sản phẩm đầu ra đều có tính liên kết chuỗi cao nên ảnh hưởng của dịch bệnh đã và đang gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón theo tác động dây chuyền. Nhiều khi chỉ cần trục trặc ở một mắt xích là đủ để toàn bộ chuỗi liên kết bị tê liệt.

Thế nhưng hiện tại, một số chính sách của cơ quan quản lý Nhà nước đối với ngành phân bón không chỉ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mà cả nông nghiệp, nông dân vào thế khó khăn!

Đầu tiên là việc đưa mặt hàng phân bón từ đối tượng chịu thuế VAT 5% sang đối tượng không chịu thuế (theo Luật Thuế 71, từ năm 2014) đã khiến giá phân bón tăng lên 5-8% do doanh nghiệp phải hạch toán chi phí vào giá bán. Điều này khiến chi phí đầu tư cho sản xuất nông nghiệp cũng tăng lên đáng kể, đồng thời khiến doanh nghiệp bị giảm sức cạnh tranh với phân bón ngoại ngay trên sân nhà.

Mặc dù vấn đề này đã được các chuyên gia, các cơ quan ban ngành đưa ra phân tích, đánh giá mấy năm qua nhưng cho đến nay, Luật thuế 71 vẫn chưa được sửa đổi và vẫn đang là rào cản cho sự phát triển của nông nghiệp, doanh nghiệp trong nước.

Đặc biệt phải kể đến là gần đây, ngành phân bón lại bị đề xuất áp thuế xuất khẩu 5% với mục đích kiềm hãm xuất khẩu, đảm bảo nguồn cung trong nước để giảm giá thành. Cũng giống như Luật thuế 71, các chuyên gia kinh tế phân tích rằng, chính sách này sẽ gây hiệu ứng ngược hoàn toàn nếu được áp dụng. Và rất có thể đây sẽ là cú bồi đè bẹp doanh nghiệp sản xuất trong nước...

daychuyensanxuat1-1-1657350692.jpg

Năng lực sản xuất phân bón trong nước luôn dư thừa ít nhất khoảng 800 nghìn tấn/năm - Ảnh minh họa.

Nhu cầu ure trong nước bình thường vào khoảng 1 triệu 800 nghìn tấn/năm, trong khi năng lực sản xuất của 4 doanh nghiệp lớn nhất trong nước là Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, Phân bón Phú Mỹ, Phân bón Cà Mau là khoảng 2 triệu 600 nghìn tấn/năm. Tức là năng lực sản xuất luôn dư thừa ít nhất khoảng 800 nghìn tấn/năm. Ở những thời điểm thấp vụ hay nhu cầu giảm mạnh như hiện nay thì tình trạng dư cung, tồn kho sẽ càng lớn hơn nhiều, dự báo có thể lên đến 1 triệu 500 nghìn tấn trong năm nay nếu không xuất khẩu.

Nếu thuế xuất khẩu phân bón 5% được áp dụng, doanh nghiệp trong nước sẽ bị cản trở sức cạnh tranh so với các doanh nghiệp ngoại. Và một khi chi phí sản xuất đầu vào đang ngày càng tăng cao, cầu trong nước thì giảm mạnh, lại kém cạnh tranh với sản phẩm ngoại thì hàng tồn kho sẽ càng nhiều...

Có thể nói, đây là những thực trạng, thách thức hiện nay của ngành phân bón trong nước nói chung, của các doanh nghiệp sản xuất phân bón nói riêng. Nếu không có những đánh giá, chính sách điều tiết vĩ mô đúng đắn, kịp thời, không chỉ đẩy ngành phân bón vào thế khó mà cả ngành nông nghiệp, nông dân đều chịu thiệt hại về lâu dài.

Thy Nhân (t/h)