Tiền Giang: Xử phạt cơ sở bán phân bón giả 50 triệu đồng

Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 6, Cục QLTT Tiền Giang vừa hoàn chỉnh hồ sơ, xử phạt hành chính số tiền 50 triệu đồng đối với một cơ sở kinh doanh, bán 3 tấn phân bón giả.

Căn cứ kết quả thẩm tra, xác minh thông tin, ngày 11/5/2022, Đội QLTT số 6 chủ trì Đoàn kiểm tra liên ngành 389/TG tiến hành kiểm tra đột xuất tại 01 cơ sở kinh doanh phân bón trên địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra có lấy 01 mẫu phân bón gửi kiểm nghiệm chất lượng. Kết quả, mẫu phân bón này là hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng. Đáng chú ý, có chỉ tiêu chất lượng chỉ đạt 25% so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật. Lô hàng tồn tại thời điểm lấy mẫu là 3 tấn phân bón, với trị giá gần 20 triệu đồng.

07-55-06-05-1657076126-1657102123.jpg
Tổng số tiền phạt lên đến 50 triệu đồng với trị giá tang vật vi phạm gần 20 triệu đồng

Lô phân bón này giả về giá trị sử dụng, công dụng. Sau khi lập biên bản vi phạm hành chính, Đội QLTT số 6 hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị Cục QLTT tỉnh Tiền Giang trình và ngày 17/6/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Quyết định xử phạt đối với hộ kinh doanh vi phạm với tổng số tiền 50 triệu đồng. Hành vi vi phạm là buôn bán phân bón giả về giá trị sử dụng, công dụng; đến nay, cơ sở này đã nộp tiền phạt theo quy định.

Lãnh đạo Cục QLTT tỉnh Tiền Giang cho biết, liên quan lĩnh vực phân bón, các hành vi vi phạm trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua chủ yếu là kinh doanh phân bón giả, phân bón không bảo đảm chất lượng, địa bàn có nhiều trường hợp vi phạm là huyện Châu Thành, huyện Tân Phước... Điển hình, ngày 17/5 vừa qua, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với một cá nhân gần 180 triệu đồng về hành vi buôn bán phân bón giả về giá trị sử dụng, công dụng; trị giá hàng hóa vi phạm gần 60 triệu đồng.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, người nông dân rất khó phân biệt được phân bón giả, kém chất lượng khi căn cứ bao bì, nhãn mác vì chỉ nhìn cảm quan thì phân bón giả, kém chất lượng cũng có đầy đủ logo thương hiệu, hàm lượng các chất đầy đủ. Chỉ khi sử dụng phân bón sau vài tháng, đánh giá hiệu quả sử dụng, người dân mới có thể biết hàng giả, hàng thật. Nếu dùng phải phân bón giả, hàm lượng dinh dưỡng không đạt tiêu chuẩn thì năng suất rất thấp, vừa gây hại đất, ảnh hưởng môi trường, nguồn nước, người nông dân vừa thua lỗ nặng. Với những hộ trồng cây ăn trái, thì thiệt hại về đất, cây trồng có thể sau vài năm mới phát hiện và phục hồi được.

Theo dự báo của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, thời gian tới, giá phân bón có xu hướng tiếp tục giữ ở mức cao, do đó các ban, ngành hữu quan cần có chính sách để điều tiết giá phân bón, hỗ trợ người nông dân. Hiệp hội Phân bón Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, phát hiện phân bón giả. Người dân cũng nên tìm mua các sản phẩm vật tư nông nghiệp có hóa đơn, chứng từ rõ ràng, không sử dụng hàng hóa trôi nổi để tránh mua phải hàng kém chất lượng.

Để thích ứng tốt nhất trong bối cảnh hiện nay, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng khuyến cáo người dân cần đẩy mạnh sử dụng phân bón hữu cơ thay thế một phần phân bón vô cơ; ứng dụng công nghệ hiện đại để giảm lượng phân bón sử dụng mỗi vụ. Điều này sẽ giúp giảm chi phí phân bón trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời tiến tới sản xuất xanh và sạch hơn.

Thy Nhân (t/h)