5.580 sản phẩm phân bón hữu cơ đã được công nhận lưu hành, tăng 6 lần so với năm 2017. Sản lượng phân bón hữu cơ sản xuất công nghiệp trong nước tăng từ 1,07 triệu tấn năm 2017 lên 2,4 triệu tấn năm 2020.
Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, lượng phân bón sản xuất công nghiệp sử dụng trong sản xuất nông nghiệp của Việt Nam trên 10 triệu tấn/năm và 3/4 trong số đó là phân bón vô cơ.
Tình trạng sử dụng phân bón mất cân đối, lạm dụng phân bón vô cơ còn phổ biến dẫn đến giảm chất lượng nông sản, thoái hóa đất và ô nhiễm môi trường.
Trong khi đó, mỗi năm Việt Nam có khoảng 280 triệu tấn chất thải hữu cơ từ trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản... có thể sử dụng làm nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ. Từ đó, tạo chuỗi giá trị tuần hoàn, vừa mang lại lợi ích về kinh tế, vừa bảo vệ môi trường.
Thống kê từ các địa phương trong cả nước cho thấy, hàng năm chúng ta mới chỉ khai thác được khoảng 17 triệu tấn phân bón hữu cơ do nông hộ tự sản xuất để sử dụng trong nông nghiệp từ các nguồn nguyên liệu sẵn có nêu trên.
Chính vì vậy, để xây dựng được nền nông nghiệp bền vững, nông nghiệp sinh thái nhằm nâng cao chất lượng và giá trị nông sản, bảo vệ môi trường, phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ là hướng đi tất yếu của nông nghiệp Việt Nam kể cả trước mắt và lâu dài.
Trong thời gian qua, nhiều giải pháp để phát triển phân bón hữu cơ đã và đang được Chính phủ triển khai thực hiện và đạt được kết quả bước đầu rất quan trọng
Đó là một hành lang pháp lý về phân bón hữu được xây dựng hoàn thiện cơ bản, đồng bộ từ Luật Trồng trọt, Nghị định của Chính phủ quy định về quản lý phân bón, Nghị định 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ. Các Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng phân bón và mới đây nhất là Chỉ thị 117/CT-BNN-BVTV năm 2020 của Bộ NN-PTNT về tăng cường phát triển, sử dụng phân bón hữu cơ.
Từ các hành lang pháp lý và những chính sách hỗ trợ của Chính phủ, Bộ NN-PTNT, đến nay đã có các cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ trong nước trang bị dây chuyền công nghệ sản xuất hiện đại.
Trong đó, nhiều doanh nghiệp như Quế Lâm, Sông Gianh, Tiến Nông, T&T 159... đã sử dụng các thiết bị điều khiển tự động, chính xác để điều chỉnh các thông số môi trường, đồng thời sử dụng các chủng vi sinh vật chức năng cho phép xử lý nhanh, hiệu quả nguyên liệu hữu cơ đầu vào nên đã nâng cao được công suất sản xuất và tạo ta các sản phẩm chất lượng cao, không thua kém với các sản phẩm nhập khẩu từ các nước tiên tiến.