Ngành nuôi trồng thuỷ sản Nghệ An vượt khó, phấn đấu hoàn thành kế hoạch

Năm 2024, nghề nuôi trồng thủy sản Nghệ An phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: thời tiết cực đoan, dịch bệnh có nhiều diễn biến khó lường… Đặc biệt là thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra đã ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch của các hộ nuôi nói riêng và cả ngành nói chung. Tuy nhiên, do được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của các cấp, các ngành và sự nỗ lực vượt khó của các hộ nuôi nên ngành nuôi trồng thuỷ sản vẫn đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
img-8232-1729090134.jpg
Người dân căng lưới che để hạn chế nước mưa xâm nhập vào ao nuôi trước bão số 3.

Theo báo cáo từ Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư Nghệ An, trong 9 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã thả nuôi được 21.229 ha thuỷ hải sản, đạt 96,49% kế hoạch. Trong đó, nuôi ngọt: 19.424 ha; nuôi mặn lợ: 1.805 ha (riêng tôm đạt 1.576 ha). Sản lượng ước đạt 36.479 tấn bằng 52,11% KH năm và bằng 103,96 % so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó: nuôi ngọt: 30.162 tấn, nuôi mặn, lợ 6.317 tấn (tôm 4.439 tấn). Sản xuất, ương dưỡng tôm giống: 1.539 triệu con. Sản xuất cá giống các loại: đạt 518 triệu con.

Đáng chú ý là nuôi tôm thương phẩm, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng ngày càng được đầu tư theo hướng thâm canh, tăng vụ, tăng năng suất. Công tác ứng dụng các quy trình kỹ thuật tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao vào nuôi trồng được áp dụng rộng rãi và đạt được những kết quả tốt. Một số ứng dụng công nghệ được người nuôi áp dụng phổ biến như: Công nghệ sinh học, nuôi nhiều giai đoạn, nuôi tuần hoàn,.. kết hợp với đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng cả vùng nuôi và từng cơ sở nuôi (xây dựng hệ thống nhà kính, lồng nổi có mái che nhằm ổn định nhiệt, hạn chế sự lây lan mầm bệnh và những tác động khác gây ảnh hưởng đến sinh trưởng tôm nuôi,...).

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 81 cơ sở áp dụng mô hình nuôi tôm nhiều giai đoạn với diện tích 136,75 ha (trong đó có 21 cơ sở nuôi tôm trong lồng nổi với 35,4 ha) làm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Để thuận tiện trong công tác quản lý giám sát quá trình sản xuất nhiều cơ sở sản xuất, nuôi trồng thủy sản có quy mô lớn đã lắp thiết bị Camera, cập nhật dữ liệu trên hệ thống máy tính…

Đối với nuôi trồng thủy sản nước ngọt, trong thời gian gần đây, một số địa phương đang có xu hướng phát triển nuôi các đối tượng có giá trị kinh tế cao cho hiệu quả kinh tế tốt như: Ốc nhồi, cá Lóc, rô phi, Lươn, cá Lăng, cá Leo....

img-8233-1729090144.jpg
Mô hình nuôi cá lồng trên các lòng hồ tại Nghệ An đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trong các hình thức nuôi trồng thủy sản nước ngọt thì hình thức nuôi lồng trên sông, hồ đập thủy lợi, thủy điện được người dân quan tâm đầu tư phát triển mạnh từ công nghệ đến đối tượng nuôi. Với ưu điểm tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên, nguồn nước sạch hạn chế được dịch bệnh, đem lại hiệu quả cao cho người nuôi. Số lượng lồng nuôi toàn tỉnh trong năm vừa qua ước đạt là 2.200 lồng tăng 27 lồng so năm 2023. Các địa phương có nghề nuôi cá lồng phát triển mạnh như: huyện Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Tân Kỳ, Con Cuông...

Bên cạnh những kết quả đạt được thì ngành nuôi trồng thủy sản Nghệ An vẫn còn đó nhiều tồn tại và thách thức như: hiện tượng tôm chết không rõ nguyên nhân, giá vật tư đầu vào tăng cao, một số vùng nuôi hệ thống kênh bị bồi lắng, chưa hình thành được liên kết chuỗi giá trị, việc ảnh hưởng cơn bão số 3 đã làm nhiều ao, hồ, vùng nuôi bị mất trắng, cơ sở hạ tầng và tài sản bị cuốn trôi... Đặc biệt là việc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi đang còn nhiều vướng mắc, khó khăn.

Để đạt được kết quả, kế hoạch đề ra, theo đánh giá của cơ quan chức năng thì ngành nuôi trồng thuỷ sản Nghệ An và người nuôi phải nỗ lực, cố gắng rất nhiều để khắc phục những thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra. Ngoài những chính sách, biện pháp hỗ trợ của bộ ngành Trung ương, chính quyền địa phương cũng cần phải linh hoạt, kịp thời nắm bắt được những khó khăn, vướng mắc của các hộ nuôi để có biện pháp giải quyết nhanh nhất trong phạm vi quyền hạn.

Đồng thời cần có các cơ chế, chính sách mới nhằm giúp người dân dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để khôi phục và phát triển việc nuôi trồng. Bên cạnh đó, các HTX, cơ sở nuôi trồng thuỷ sản và các hộ dân cần chủ động ứng phó với thời tiết, có các biện pháp bảo vệ vùng nuôi và phòng ngừa dịch bệnh thì tin rằng khó khăn sẽ được khắc phục và ngành nuôi trồng thuỷ sản Nghệ An sẽ hoàn thành được kế hoạch./.

Quốc Cường