Ngành công nghiệp hỗ trợ "đói" nhân lực chất lượng cao

Việc thiếu nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn và tay nghề cao đã khiến nhiều doanh nghiệp tốn không ít nguồn lực, chi phí đào tạo lại để phù hợp với trình độ chuyên môn và mục tiêu sản xuất kinh doanh.
san-xuat-cong-nghiep202208031431424790600-1697616776.jpg
Chất lượng nhân lực ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn còn yếu. Ảnh minhh họa

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, nguồn nhân lực hiện nay là yếu tố quan trọng đối với việc cải thiện chất lượng sản phẩm, do vậy, phát triển nguồn nhân lực là vấn đề rất quan trọng trong sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ.

Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng lao động có tay nghề cao trong ngành công nghiệp hỗ trợ đang rất hạn chế so với nhu cầu của ngành. Ngoài ra, chất lượng nguồn nhân lực có tay nghề cao trong các ngành này tại Việt Nam thấp hơn so với các nước phát triển khác.

Đồng thời, việc đào tạo ngành kỹ sư chế tạo ở các trường đại học, cao đẳng cũng thường ít hơn các ngành khác. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp trong nước chưa gắn kế hoạch phát triển nguồn nhân lực với các trường đại học, cao đẳng nên có sự thiếu hụt về nhân lực có tay nghề cao, không chủ động nguồn nhân lực.

Trong khi đó, qua nhiều khảo sát các doanh nghiệp sản xuất hầu hết đang gặp vấn đề về nhân sự. Nhiều đơn hàng đổ về, nhưng doanh nghiệp lo không đủ nhân công để thực hiện. Nguồn lao động vốn đã thiếu nay càng thiếu hơn sau đợt dịch Covid-19. Không chỉ lo thiếu lao động, nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ còn đang rất “khát” nhân lực có tay nghề, kỹ năng để nâng cao năng suất.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ, theo các Cục công nghiệp (Bộ Công Thương), thời gian tới cần tập trung đẩy mạnh việc gắn kết đào tạo và cung ứng lao động. Cụ thể, các trường cũng nên đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thu hút hoặc tận dụng các chuyên gia nước ngoài giàu kinh nghiệm để đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ kỹ thuật của Việt Nam. Việc tận dụng hiệu quả nguồn lực chuyên gia, giảng viên chất lượng, giàu kinh nghiệm và kiến thức từ các nước bạn đi trước trong ngành công nghiệp hỗ trợ, được kì vọng sẽ mang lại những hiệu quả cao trong việc phát triển nguồn nhân lực.

Bên cạnh đó, Cục cũng lưu ý các doanh nghiệp cần tự nâng cao ý thức trong phát triển nguồn nhân lực, có định hướng trong thu hút nhân tài và phát triển nhân lực chất lượng cao. Khi có nhân lực rồi cần tiếp tục đào tạo nội bộ thường xuyên, tạo điều kiện cho cán bộ, công nhân viên, người lao động tiếp tục được học và đào tạo, để tăng cường trình độ khoa học kỹ thuật, đáp ứng các yêu cầu mới mà thị trường và chuỗi cung ứng đặt ra.

Đông Nghi