Chuyện từ hơn 50 năm trước được ông bà kể lại trong ngôi nhà khang trang bên khu vườn rộn rã tiếng chim, ngan ngát hương cau, hương bưởi ở phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội, làm người nghe vui lây.
Cựu chiến binh Vũ Đình Chi nhớ lại: Trạm may mặc của Quân chủng Phòng không - Không quân do tôi phụ trách, sơ tán về làng Thượng Cát này từ năm 1966. Sau lễ Táo Quân 23 tháng Chạp năm 1967, trạm nhận lệnh: 100% quân số thường xuyên tại trạm, sẵn sàng “trẩy hội mùa Xuân”. Sau này tôi mới rõ, đó là cách nói để chỉ sự kiện Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 mà chúng ta phải giữ bí mật tuyệt đối.
Anh Nguyễn Sừ, cán bộ trên quân chủng đến kiểm tra trạm và liên hệ với địa phương để phối hợp công tác. Trước khi rời trạm, anh bảo tôi: “Chi có muốn lấy vợ Thượng Cát thì anh giới thiệu cô Đồi, Bí thư xã đoàn. Cô ấy cũng mồ côi cha mẹ từ nhỏ như em, đang ở với bà.
Bố là liệt sĩ. Anh trai và em trai đang chiến đấu ở chiến trường B. Đồi mới 21 tuổi đã là đảng ủy viên. Các anh ở xã khen lắm. Đã có vài người “đặt vấn đề” nhưng chính thức là cô ấy chưa nhận lời yêu ai”. Tôi thầm cảm ơn anh Sừ, và quả thật, trong lòng không khỏi suy nghĩ, nhất là về hoàn cảnh Đồi cũng mồ côi cha mẹ từ nhỏ...
Trước Tết, Đồi được lãnh đạo xã phân công đến hợp đồng với chúng tôi về tổ chức vui Tết quân dân. Cảm nhận đầu tiên của tôi đó là một cô gái trẻ trung, xinh đẹp, đầy tinh thần trách nhiệm. Phong cách lại nền nã, hợp với đôi mắt dịu buồn. Tôi nghĩ trong bụng: Đây là cô Tấm do trời đưa đến. Trong lòng xốn xang với những lời anh Sừ nói hôm trước về Đồi.
Hôm Đồi giúp trạm gói bánh chưng, tôi ngồi tước lạt giang. Cánh lính nữ họ tinh lắm, nhìn tôi rồi hát trêu: “Lạt này gói bánh chưng xanh/ Cho mai lấy trúc, cho anh lấy nàng”. Tôi và Đồi làm bộ tảng lờ, họ càng trêu tợn: “Con chuột rúc rích bờ ngòi/ Anh tước (lạt) chị gói, bánh đòi lấy nhau”. Tôi phấn khích, liếc sang bắt gặp ánh mắt của Đồi. Linh tính dẫn tôi nhớ đến câu Kiều: “Tình trong như đã, mặt ngoài còn e!”.
Ngay hôm sau, tôi nhờ một người bạn trên cơ quan quân chủng kiếm cho mẩu ống dẫn nhiên liệu của máy bay Mỹ bị ta bắn rơi, rồi suốt đêm kỳ cạch “chế tạo” một chiếc nhẫn khá đẹp, để trong túi ngực. Thỉnh thoảng lại thò tay sờ nó, lòng lâng lâng như chim vỗ cánh!
Nói đến nhẫn, bà Đồi cười rất vui: “Phi vụ” trao nhẫn, đúng ra phải gọi là áp nhẫn. Đầu Xuân ấy, Ban chấp hành đoàn xã Thượng Cát phối hợp với Trạm may mặc của anh Chi giao lưu mừng Xuân chiến thắng. Anh Thơ, Hiệu trưởng Trường Cấp 1 - Phó bí thư xã đoàn, chủ trì.
Giữa lúc tôi cùng với các khách mời còn đang chào xã giao, chuẩn bị vào ghế dành cho đại biểu thì bỗng có người từ phía sau nắm lấy bàn tay trái của tôi, áp vào đó một chiếc nhẫn rồi ấp các ngón tay của tôi lại. Tôi giật bắn cả người mà không dám quay ra xem ai đã làm việc ấy. Đúng là do “trời định” nên tôi mới qua được phút lúng túng và không để rơi chiếc nhẫn xuống đất.
Vào tiệc, anh Thơ giới thiệu tôi hát bài “Xuân chiến khu” của nhạc sĩ Xuân Hồng để tạo đà. Tôi hát trong sự hồi hộp của cô gái đang có một người đàn ông để ý. Đến câu “Mai vàng đang nở lưng đồi chào anh bộ đội thêm một tuổi đời; mừng anh thêm một tuổi quân, thêm nhiều chiến công toàn dân đang mong”, tôi nhìn sang phía các chiến sĩ, bắt gặp ánh mắt của anh Chi. Tôi cảm nhận đó là ánh mắt của người trao nhẫn vừa rồi...
Ông Chi hồi tưởng giây phút rất đẹp ấy, bộc bạch: “Khi biết chiếc nhẫn đã không bị để rơi, tôi mừng lắm. Tự thấy mình sẽ không bị cho là vô duyên nếu đến thăm Đồi. Thế là, việc tặng nhẫn tuy có hơi kỳ quặc nhưng nó đã làm được vai trò khởi phát để hai đứa tôi “bên trông đầu nọ, bên chờ cuối kia” giữa những ngày Xuân mới”.
Bà Đồi tiếp lời: “Thực tình, lúc đó tôi chưa nghĩ đến chuyện hôn nhân. Độ cuối tháng ba, trong một lần bên nhau, anh Chi hỏi tôi: Hay là em thấy anh mồ côi bố mẹ nên còn đắn đo?”. Câu hỏi ấy làm tôi sững người, nước mắt trào ra. Tôi nghĩ đến câu bà tôi từng nói: “Con Đồi mồ côi cha mẹ từ lúc chưa đầy 6 tuổi. Đứa nào có hoàn cảnh như thế, chăm chỉ lao động mà yêu thương nó thì bà gả cho!”.
Ngày 20-4-1968, đơn vị anh Chi cùng Chi đoàn Nông nghiệp xã Thượng Cát phối hợp tổ chức đám cưới cho chúng tôi theo nghi thức “đời sống mới”, thanh niên toàn hát nhạc chống Mỹ.
Hôm ấy, hai bạn học sinh lớp 7 giúp tiếp tân, mải xem hò hát quên khóa vòi ru-mi-nê đựng nước uống. Đợi chè ngấm thì nước lan ra khắp sân! Thùng thì khô toàn thấy bã chè! Thế là các bạn của chú rể phải ra tay “cứu nước”.
Bây giờ vẫn còn lưu truyền câu: “Khen ai chăm chỉ học hành/ Nhưng quên “giữ nước”, để anh phải đền!”. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, tình yêu của ông bà vẫn thắm tươi, nồng ấm..../.