Bình Phước:

Nâng tầm trái sầu riêng nhờ canh tác công nghệ và chế biến sâu

Là tỉnh có diện tích sầu riêng đứng thứ 2 khu vực Đông Nam bộ, Bình Phước đã có nhiều nỗ lực nâng cao chất lượng loại trái cây vua này. Hầu hết các nhà vườn sầu riêng nơi đây đã chủ động thay đổi phương thức sản xuất, đẩy mạnh đầu tư công nghệ, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật canh tác bền vững theo hướng VietGAP, GlobalGAP.
sau-rieng-binh-phuoc-01-1708828335.jpg
Đến nay, tỉnh Bình Phước có tổng diện tích sầu riêng đạt gần 6.000ha, đứng thứ 2 khu vực Đông Nam bộ, chỉ sau Đồng Nai. (Ảnh minh họa)

Hiện đại hóa quy trình canh tác sầu riêng

Đến nay, tỉnh Bình Phước có tổng diện tích sầu riêng đạt gần 6.000ha, đứng thứ 2 khu vực Đông Nam bộ, chỉ sau Đồng Nai. Đáng chú ý, nhờ đi sau, hầu hết các nhà vườn sầu riêng nơi đây đã chủ động thay đổi phương thức sản xuất, đẩy mạnh đầu tư công nghệ, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật canh tác bền vững theo hướng VietGAP, GlobalGAP. Minh chứng là nhiều nhà vườn đã được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu chính ngạch qua Trung Quốc.

Huyện Phú Riềng là một trong những địa phương có diện tích sầu riêng lớn và lâu đời của tỉnh Bình Phước, với tuổi cây từ 10 - 15 năm, thậm chí có vườn trên 25 năm đang giai đoạn "hoàng kim" cho quả. Chỉ vài năm trở lại đây, nhiều tỷ phú nông dân đã ra đời. Không chỉ làm giàu cho bản thân, các chủ trang trại còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm thông qua việc thành lập các HTX, từng bước hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến xuất khẩu sản phẩm.

HTX Long Phú ở xã Long Tân, huyện Phú Riềng là một trong những HTX được Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước chọn làm “đầu tàu” dẫn dắt sầu riêng Bình Phước xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhờ sớm thay đổi tư duy sang canh tác hữu cơ và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, ngay sau khi nghị định thư được ký kết, HTX đã được cấp mã số vùng trồng.

Là một trong những người tiên phong canh tác theo hướng hữu cơ, đạt chuẩn VietGAP, ông Nguyễn Hữu Năm, Chủ tịch HĐQT HTX Long Phú cho biết, trước đây ông sở hữu lên tới 30ha cao su. Năm 2005 khi cao su già cỗi, trong khi nhiều người chuyển sang trồng hồ tiêu vì thời điểm đó hồ tiêu đang trong thời kỳ hoàng kim thì ông lại trồng sầu riêng - cây trồng còn khá lạ lẫm với người dân trong vùng và không ít người lời ra tiếng vào, thậm chí cho rằng ông "khùng" bởi thiếu kinh nghiệm sản xuất, bệnh thối thân xì mủ hoành hành, ông thất bại triền miên.

Sau nhiều nỗ lực thử nghiệm nhiều phương pháp, ông Năm tự hào là một trong những người có thể áp chế hoàn toàn bệnh thối thân xì mủ và các bệnh khác trên cây sầu riêng. Theo ông Năm, cây sầu riêng không chịu được ngập úng và khá mẫn cảm với chất hoá học. Để canh tác sầu riêng hiệu quả, ngoài làm tốt công tác tiêu thoát nước, việc làm đất và đảm bảo chất dinh dưỡng cho cây bằng phân hữu cơ rất quan trọng.

Theo đó, trước khi xuống giống cần bón một lượng phân hữu cơ hoai mục đủ lớn để đảm bảo đủ cho cây phát triển trong thời gian dài. Đối với xử lý sâu bệnh, cần ưu tiên phòng hơn trị.

sau-rieng-binh-phuoc-03-1708828322.jpg
Người trồng sầu riêng Bình Phước chủ động thay đổi phương thức sản xuất, đẩy mạnh đầu tư công nghệ, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật canh tác bền vững. (Ảnh minh họa)

Phương pháp ông Năm ưu tiên hàng đầu và thường xuyên áp dụng là sử dụng chế phẩm Trichoderma với hàm lượng gấp 2 lần so với khuyến cáo, không chỉ đối kháng với nấm Phytophthora - tác nhân chính gây bệnh thối thân xì mủ mà chế chẩm này còn phân giải hữu cơ, giúp vi sinh vật có lợi trong đất phát triển, giúp bộ rễ cây khoẻ, phát triển tốt.

“Lâu nay, nhiều người cho rằng sử dụng các loại thuốc hóa học, chất kích thích cây mang lại lợi nhuận cao hơn. Nhưng thực tế, làm nông nghiệp hữu cơ mới thật sự tốt về lâu dài vì đất được nuôi dưỡng, không bị hóa chất làm bạc màu, cây có tuổi thọ lâu hơn. Và cây sầu riêng càng lâu năm càng cho trái ngon ngọt, sản phẩm sạch và có giá trị kinh tế cao”, ông Năm tự tin khẳng định.

Bên cạnh đó, để tối ưu hoá chi phí sản xuất, ông Năm còn được biết đến là "kiện tướng" sáng chế, các sáng kiến của ông được ứng dụng rộng rãi, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất. Từ chiếc máy cày xới, tuy không qua một lớp chính quy nào đào tạo về cơ khí, song ông Năm đã cải tiến thành máy phun xịt "5 trong 1".

“Ưu điểm của máy là bảo vệ sức khỏe con người, lượng thuốc tản đều khắp cây, cả mặt trong và mặt ngoài tán lá, giúp cây hấp thụ một cách triệt để thuốc khi phun xịt và sâu bệnh được loại bỏ hoàn toàn. Mọi công đoạn đều được tự động từ khâu pha thuốc, bơm lên bồn, và xịt lên cây. Tài xế chỉ việc ngồi trong khoang đầu điều khiển”, ông Năm chia sẻ.

Ngoài máy cày phun xịt đa năng, từ thực tiễn sản xuất, ông Năm còn sáng chế ra kéo cắt tỉa trái non, máy phát cỏ chạy bằng động cơ xe máy… rất hiệu quả. Những sáng chế này đang được các thành viên trong HTX và người trồng sầu riêng trong vùng áp dụng rộng rãi.

Đẩy mạnh chế biến sâu, đưa sầu riêng đến thị trường khó tính

Sầu riêng đang là cây trồng mang lại giá trị cao đối với người dân canh tác nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Việc thực hiện canh tác bài bản theo theo Tiêu chuẩn GAP, quản lý bằng mã số vùng trồng và liên kết theo chuỗi sản phẩm để xuất khẩu nông sản, đang là những cách làm mà người nông dân trồng sầu riêng tại Bình Phước thực hiện.

Bù Đăng là huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh Bình Phước, đây cũng là địa phương có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất tỉnh. Đại diện Ủy ban Nhân dân huyện Bù Đăng cho biết trên địa bàn hiện có 2.441ha trồng sầu riêng; trong đó có 993ha đang cho thu hoạch với năng suất bình quân trên 21 tấn/ha.

Ông Nguyễn Huy Long - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Bù Đăng, cho biết trên địa bàn huyện có 33 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp đang hoạt động; trong đó có 8 hợp tác xã dịch vụ, cung ứng, liên kết với các hộ nông dân sản xuất sầu riêng, thu hút gần 450 thành viên đang tích cực phát huy vai trò tập hợp nông dân, liên kết sản xuất, giải quyết đầu vào và đầu ra cho hơn 500ha sầu riêng trên địa bàn huyện.

“Người nông dân, doanh nghiệp trồng sầu riêng cũng đã nâng cao nhận thức trong việc hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sẽ đem lại lợi ích cho nông dân và doanh nghiệp. Do đó, từng bước thay đổi tư duy sản xuất, tạo ra sản phẩm an toàn chất lượng, tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật theo tiêu chuẩn đặt ra, tuân thủ nội dung hợp tác giữa các bên," ông Long nhận định.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, tiềm năng của thị trường Trung Quốc rất lớn. Muốn sầu riêng vào được thị trường Trung Quốc đòi hỏi phải có mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói... Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp và nông dân tại địa phương đã sớm nhận thấy tiềm năng từ thị trường tỷ dân và thay đổi tư duy sản xuất. Phía Sở NN-PTNT cũng đã tập trung hỗ trợ nông dân, tạo vùng nguyên liệu có mã vùng trồng, các doanh nghiệp có mã đóng gói giúp cây sầu riêng phát triển bền vững.

Toàn tỉnh hiện có hơn 1.015ha sầu riêng được chứng nhận tiêu chuẩn GAP. Trong đó có 831ha đạt tiêu chuẩn VietGAP và 184 GlobalGAP. Riêng trong tháng 7/2023, Bình Phước đã có 21 mã số vùng trồng sầu riêng và 2 mã số đóng gói được cấp mới, nâng tổng số mã số vùng trồng sầu riêng toàn tỉnh lên 38 với diện tích có mã số chiếm trên 20%/tổng diện tích sầu riêng cả tỉnh. Đặc biệt, địa phương có 31 chuỗi liên kết trong trồng sầu riêng, trong đó có 20 doanh nghiệp tham gia liên kết với 29 HTX xây dựng mã số vùng trồng tại tỉnh.

sau-rieng-binh-phuoc-04-1708828433.jpg
Người nông dân, doanh nghiệp trồng sầu riêng cũng đã nâng cao nhận thức trong việc hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. (Ảnh minh họa)

Theo ông Nguyễn Viết Toại - Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Nông nghiệp Hoa Lư (huyện Lộc Ninh, Bình Phước), Công ty đã liên kết sản xuất với 10 tổ sản xuất, tổ liên kết và hợp tác xã sầu riêng trong và ngoài tỉnh Bình Phước với tổng diện tích gần 1.000ha. Hiện Công ty đã được cấp VietGAP cho gần 300ha, cấp một mã số vùng trồng đối với Hợp tác xã Thác Mơ. Ngoài ra, 3 vùng trồng tại huyện Bù Đốp là Phước Minh và Đăk Ơ với 200 ha trồng sầu riêng đang trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ cấp mã số vùng trồng.

“Doanh nghiệp hỗ trợ các hộ sản xuất sầu riêng kết nối được với các cơ sở đóng gói uy tín để trái sầu riêng có giá ổn định không bị ép giá. Từ đầu năm 2023 đến nay, doanh nghiệp đã hỗ trợ nông dân bán hơn 3.000 tấn sầu riêng tươi. Kế hoạch năm 2024 sẽ hỗ trợ nông dân tiêu thụ khoảng 10.000 tấn sầu riêng tươi," ông Toại cho biết.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp tham gia vào “chuỗi sầu riêng” cho rằng, hiện nay diện tích trồng cây sầu riêng trên địa bàn Bình Phước còn phân tán, chất lượng chưa đồng đều. Diện tích được cấp mã vùng trồng, sản xuất đảm bảo Tiêu chuẩn an toàn VietGAP, GlobalGAP còn thấp so với tổng diện tích canh tác.

Ngoài ra, cây sầu riêng là cây khó tính kén chọn đất, nước và dễ mẫn cảm thời tiết và sâu bệnh đặc biệt là bệnh nguy hiểm, khó trị. Nếu người trồng thiếu am hiểu kỹ thuật, đặc tính của cây mà trồng theo phong trào nguy cơ thiệt hại sẽ rất lớn (theo tính toán, thời gian kiến thiết cơ bản cây sầu riêng từ 4-6 năm, chi phí khoảng 250-300 triệu/ha/4 năm).

Để phát triển bền vững, hiệu quả cây sầu riêng phải có sự liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị; duy trì và đảm bảo đáp ứng Tiêu chuẩn tối thiểu VietGAP và nâng dần Tiêu chuẩn GAP để cạnh tranh sản phẩm, tìm kiếm nhiều thị trường mới Tiêu chuẩn GAP cao hơn, tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc./.

Bình Nguyên