Nâng tầm giá trị nông sản Lâm Đồng từ nỗ lực xây dựng thương hiệu tạo bứt phá xuất khẩu

Phát huy lợi thế sản xuất nông nghiệp với quy mô hàng hóa với các loại nông sản ưu thế, tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều giải pháp xây dựng thương hiệu nông sản, hỗ trợ kết nối thị trường nhằm tạo đột phá thị trường xuất khẩu.
nong-san-lam-dong-4-1738591388.jpg
Năm 2024, tổng giá trị xuất khẩu nông sản toàn tỉnh Lâm Đồng năm 2024 khoảng 588,1 triệu USD, tăng hơn 13,6% so với năm 2023.(Ảnh minh họa)

Năm 2024, tổng giá trị xuất khẩu nông sản toàn tỉnh Lâm Đồng năm 2024 khoảng 588,1 triệu USD, tăng hơn 13,6% so với năm 2023. Trong đó bao gồm sản phẩm cà phê nhân (gần 226,2 triệu USD); rau, củ, quả (112 triệu USD); tơ thô (gần 41 triệu USD), tăng lần lượt so với cùng kỳ hơn 10,3%, 20% và 12%.

Đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng có 1.900 sản phẩm nông nghiệp của 700 chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cá nhân đã tham gia vào hệ thống phần mềm kết nối cung cầu, quảng bá và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử.

Bước sang năm mới 2025, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, chú trọng chuyển đổi số trong nông nghiệp, hướng đến nền nông nghiệp thông minh, hiện đại và bền vững; là trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp thông minh tầm quốc gia và quốc tế; đưa nông sản của tỉnh tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó, các sản phẩm mang thương hiệu “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” là ngành hàng quan trọng, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Thành phố Đà Lạt là địa phương có tiềm năng và lợi thế về tài nguyên đất đai, nguồn nước, nguồn nhân lực và điều kiện sinh thái phù hợp để sản xuất nông nghiệp với quy mô hàng hóa với các loại nông sản ưu thế so với các vùng khác như: Rau, hoa, chè, cà phê có nguồn gốc ôn đới và á nhiệt đới. Giá trị sản xuất ngành nông lâm thủy theo giá hiện hành đạt 5.600 tỷ đồng (trong đó, giá trị tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đạt khoảng 3.694 tỷ đồng).

Hiện, diện tích canh tác nông nghiệp của thành phố là 10.690ha, trong cơ cấu kinh tế của thành phố Đà Lạt; diện tích gieo trồng cây hàng năm 18.657 ha (trong đó, diện tích gieo trồng rau các loại 12.057 ha, sản lượng 450 ngàn tấn. Diện tích gieo trồng hoa đạt 5.870 ha, sản lượng đạt 2,7 tỷ cành). Diện tích chè 275,8 ha, diện tích cà phê đạt 5.150 ha, sản lượng đạt 16.170 tấn; ngành nông nghiệp chiếm 15,5% cơ cấu kinh tế (riêng cơ cấu nội bộ ngành Nông nghiệp, trong đó: Trồng trọt 87%, chăn nuôi 3%, dịch vụ 10%).

nong-san-lam-dong-2-1738591466.jpg
UBND tỉnh Lâm Đồng đã đầu tư xây dựng, phát triển thương hiệu "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành" nhằm thúc đẩy các mặt hàng nông sản chủ lực của địa phương phát triển.(Ảnh minh họa)

Trước những tiềm năng, lợi thế của Đà Lạt và khu vực phụ cận về sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… cơ hội cho việc phát triển vùng rau Đà Lạt và vùng phụ cận là rất lớn.

Tuy nhiên, rau Đà Lạt phải đối mặt với những thách thức có ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển như về năng suất, chất lượng sản phẩm rau không đồng đều, sự giả mạo, lạm dụng địa danh Đà Lạt đối với những sản phẩm không có nguồn gốc xuất xứ tại Đà Lạt; công tác liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ còn hạn chế; ý thức ngày càng cao của người tiêu dùng trong việc lựa chọn sản phẩm tốt cho sức khỏe; vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; khả năng cạnh tranh…

Bên cạnh đó, vấn đề đặt ra cho vùng rau Đà Lạt và vùng phụ cận là phải tìm kiếm thị trường tiêu thụ, đặc biệt là thị trường xuất khẩu; thay đổi phương thức sản xuất để có sản phẩm chất lượng cao, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng; xây dựng một thương hiệu chung cho rau Đà Lạt là mối quan tâm hàng đầu của chính quyền thành phố Đà Lạt.

Theo báo cáo của Phòng Kinh tế Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, hiện nay, nhiều sản phẩm nông sản Đà Lạt đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu gồm: Rau Đà Lạt, nhãn hiệu độc quyền “Hoa Đà Lạt”, sản phẩm Cà phê Cầu Đất Đà Lạt, Hồng Đà Lạt, Dâu tây Đà Lạt đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

Đặc biệt, UBND tỉnh Lâm Đồng đã đầu tư xây dựng, phát triển thương hiệu "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành" nhằm thúc đẩy các mặt hàng nông sản chủ lực của địa phương phát triển, thu hút du khách với sứ mệnh mang những điều kỳ diệu kết tinh từ miền đất đặc biệt đến với mọi người. Năm 2017, Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, đã công nhận và cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành". Năm 2023 UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu “Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.

nong-san-lam-dong-3-1738591368.jpg
Trước những tiềm năng, lợi thế của Đà Lạt và khu vực phụ cận về sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… cơ hội cho việc phát triển vùng rau Đà Lạt và vùng phụ cận là rất lớn. (Ảnh minh họa)

Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, Lâm Đồng luôn quan tâm xây dựng thương hiệu nông sản, nhiều sản phẩm của tỉnh đã tham gia vào chuỗi toàn cầu, hiện địa phương có 30 thương hiệu nông sản và nông sản địa phương chủ yếu phục vụ xuất khẩu. Đặc biệt, Lâm Đồng đã xây dựng thương hiệu “Đà Lạt kết tinh diệu kỳ từ đất lành” tập trung vào sản phẩm rau hoa, cà phê arabica và du lịch canh nông trở thành thương hiệu mạnh, có giá trị cao.

Ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khuyến nghị, các địa phương cần gắn phát triển xây dựng nhãn hiệu chung sản phẩm nông sản với quản lý xây dựng mã số vùng trồng, mã số doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản và liên kết giữa người nông sản, doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản.

Song song với đó, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật, tăng cường thanh tra, kiểm tra và phòng chống các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng nhái... trên địa bàn các tỉnh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng./.

Bình Nguyên