Tham dự lễ phát động có các ông: Nguyễn Đức Trung – Bí thư Tỉnh ủy; Lê Hồng Vinh – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đại diện trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các Sở, Ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội…
Cách đây 66 năm, tại lễ phát động "Tết trồng cây" đầu tiên năm 1959, Bác Hồ kính yêu đã căn dặn: “Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Thấm nhuần tư tưởng đó, phong trào trồng cây, trồng rừng đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, được duy trì và phát huy mạnh mẽ trên quê hương Nghệ An.
Trong những năm qua, với sự nỗ lực của các cấp, ngành và nhân dân trong tỉnh, diện tích rừng trồng của Nghệ An ngày càng mở rộng, chất lượng rừng được nâng cao. Rừng tự nhiên trong toàn tỉnh được quản lý và bảo vệ tốt hơn; diện tích, năng suất và chất lượng rừng trồng tăng nhanh, độ che phủ rừng của tỉnh được duy trì ổn định với trên 58%, góp phần quan trọng bảo vệ môi trường sinh thái, giảm thiểu tác hại do thiên tai gây ra.
Phong trào trồng cây, trồng rừng, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tạo công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập, ổn định đời sống cho hàng chục ngàn hộ gia đình vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn; đời sống của người làm nghề rừng ngày càng được cải thiện, nhiều hộ gia đình đã giàu lên từ phát triển kinh tế rừng, góp phần thực hiện nhanh chủ trương xoá đói, giảm nghèo và giữ vững an ninh - quốc phòng trên địa bàn tỉnh.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu đang gây ra những thách thức lớn, thiên tai, bão lũ xảy ra thường xuyên hơn, việc trồng cây, gây rừng không chỉ mang ý nghĩa môi trường mà còn là nhiệm vụ chiến lược vì sự phát triển bền vững của tỉnh và đất nước.
Trồng thêm cây xanh chính là giải pháp hiệu quả để chống xói mòn, bảo vệ nguồn nước, tạo sinh kế ổn định cho người dân và góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Đối với các thành phố, trung tâm công nghiệp, trồng thêm cây xanh còn góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, giữ cho không khí trong lành.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các địa phương, đơn vị cần nâng cao chất lượng và quản lý tốt cây trồng. Trong đó, chuẩn bị cây giống chất lượng, đảm bảo vật tư, nhân lực, kinh phí để tổ chức thực hiện tốt “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Ất Tỵ năm 2025 theo kế hoạch đã chỉ đạo.
Sau khi trồng phải tổ chức chăm sóc, bảo vệ để cây trồng, rừng trồng phát triển tốt; tránh tình trạng trồng cây xong nhưng không duy trì được hiệu quả. Mặt khác, cần ưu tiên phát triển các mô hình rừng gỗ lớn, rừng thâm canh, rừng phòng hộ ven biển nhằm đảm bảo cả mục tiêu kinh tế và sinh thái.
Đối với việc phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất lâm nghiệp, từ chọn giống, trồng rừng, đến khai thác và chế biến lâm sản. Phát triển các vùng nguyên liệu rừng trồng thâm canh, chất lượng cao gắn với cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững và công nghiệp chế biến lâm sản.
Thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ tốt 961.000 ha rừng hiện có; khoanh nuôi tái sinh 76.000 ha; chăm sóc 54.000ha rừng; trồng mới 20.000ha rừng; thực hiện quản lý rừng bền vững và phấn đấu tăng diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững phục vụ cho công nghiệp chế biến gỗ.
Với khí thế của mùa xuân mới, tin tưởng rằng phong trào "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" Xuân Ất Tỵ 2025 sẽ tiếp tục lan tỏa sâu rộng và mang lại những kết quả thiết thực. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục chung tay hành động vì một Nghệ An xanh, một Việt Nam xanh, phát triển bền vững, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.