Kiến tạo thương hiệu nông sản từ nỗ lực vượt khó của Võ Nhai

Là huyện vùng cao, có diện tích tự nhiên rộng nhưng diện tích đất canh tác lại "chật hẹp" đây là bài toán khó từ bao năm của người dân Võ Nhai. Tuy nhiên, sự cần cù, sáng tạo chắt chiu từng cơ hội, Võ Nhai hôm nay đã tạo dấu ấn khởi sắc với những thương hiệu nông sản tạo sức hút mạnh mẽ.
2-na-vo-nhai-1719535393.jpg
Cây na ở Võ Nhai đã trở thành nông sản chủ lực là minh chứng cho thành công của huyện trong xây dựng thương hiệu.

Đến Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên) hôm nay không khỏi bất ngờ với những vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản như: Na, nhãn, bưởi, ổi tập trung tại các xã: Tràng Xá, La Hiên, Lâu Thượng, Phú Thượng, Dân Tiến… với sản lượng gần 12 nghìn tấn/năm.

Thông tin từ UBND huyện cho biết, toàn huyện hiện có khoảng 2.000 nghìn ha cây ăn quả và diện tích này đang tiếp tục được mở rộng theo định hướng của tỉnh. Cùng với đó thì huyện đã có 12 sản phẩm nông nghiệp đạt OCOP, trong đó có 02 sản phẩm đạt OCOP 4 sao với 58 hợp tác xã, 15 làng nghề hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp.

Những năm qua, cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện được chuyển dịch đúng hướng. Các dự án, mô hình được triển khai tích cực, hiệu quả, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: Cây ăn quả, chè VietGAP, dược liệu… cụ thể như: Vùng trồng chè tại các xã: Tràng Xá, Liên Minh, Thần Sa, Cúc Đường, La Hiên, Bình Long, Phú Thượng, Lâu Thượng với diện tích trên 1.300 ha, sản lượng đạt trên 13.000 tấn; trong đó gần 150 ha được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, cho thu nhập từ 280 đến 320 triệu đồng trên 01ha.

1-na-vo-nhai-2-1719535379.jpg
Huyện Võ Nhai đã có sáng kiến tổ chức lễ hội "Võ Nhai mùa na chín" với chuỗi hoạt động xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Đặc biệt, từ nhiều năm trở lại đây, cây na ở Võ Nhai đã trở thành nông sản chủ lực là minh chứng cho thành công của huyện trong xây dựng thương hiệu và kết nối thị trường. Vùng trồng na tại các xã: La Hiên, Lâu Thượng, Phú Thượng, thị trấn Đình Cả, Tràng Xá, Dân Tiến với diện tích gần 1000 ha; sản lượng khoảng trên 6000 tấn, giá trị đạt 420 triệu đồng/1ha.

Để nâng tầm giá trị trái na, huyện Võ Nhai đã có sáng kiến tổ chức lễ hội "Võ Nhai mùa na chín" với chuỗi hoạt động xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm na Võ Nhai và nông sản tỉnh Thái Nguyên. Đây sẽ là sự kiện được tổ chức thường niên cùng với các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm na của huyện và của tỉnh Thái Nguyên.

3-vo-nhai-1-1719535528.jpg
Võ Nhai có những vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản như: Na, nhãn, bưởi, ổi...

Ông Dương Văn Toản, Phó Chủ tịch UBND huyện nhận định: Các hoạt động này đã tạo cơ hội để huyện Võ Nhai quảng bá, truyền thông, xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm na và các loại nông sản khác đến các tổ chức, người dân trong và ngoài tỉnh biết để hỗ trợ tiêu thụ; tạo điều kiện lưu thông trên thị trường qua các kênh phân phối hiện đại và truyền thống. Qua đó giúp quả na - nông sản đặc trưng của huyện tiếp tục vươn xa.

Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị địa phương, cùng sự năng động của đội ngũ cán bộ cơ sở đã giúp bà con nông dân trên địa bàn huyện Võ Nhai thuận lợi hơn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm na nói riêng và cây ăn quả nói chung, từ đó đẩy mạnh việc xây dựng các chuỗi liên kết khép kín trong tiêu thụ sản phẩm, góp phần giữ vững và phát triển nhanh hơn thương hiệu nông sản đặc trưng của địa phương./.

Năm 2024, huyện Võ Nhai phấn đấu giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 1.112 tỷ đồng trở lên (tăng 5,5% so với năm trước); giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt đạt 109 triệu đồng trở lên; phấn đấu thêm 2 sản phẩm đạt OCOP 3 sao trở lên (hiện nay, địa phương có 12 sản phẩm nông nghiệp đạt OCOP, trong đó 2 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, 10 sản phẩm đạt 3 sao).

Trọng Đạt