Đẩy mạnh nâng cao giá trị sản phẩm sen Đồng Tháp

Tỉnh Đồng Tháp đặt mục tiêu đến năm 2025, địa phương này đầu tư phát triển vùng sản xuất nguyên liệu sen tập trung với diện tích khoảng 1.400 ha, sản lượng ước đạt 1.148 tấn. Được biết, sen là một trong 5 ngành hàng chủ lực của tỉnh trong Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Nâng cao giá trị sản phẩm cây sen

UBND tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành kế hoạch Phát triển ngành hàng sen tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025. Theo đó, tỉnh Đồng Tháp phát triển ngành hàng sen hướng theo mục tiêu “giảm chi phí, nâng cao chất lượng, tăng sản phẩm chế biến”; phát triển sản phẩm theo hướng chất lượng, an toàn, có giá trị gia tăng cao, theo nhu cầu thị trường, an toàn thực phẩm và bền vững.

Đồng thời, tăng cường liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến một cách đồng bộ, tạo vùng nguyên liệu ổn định, tạo ra sản phẩm đủ số lượng, chất lượng và với giá cạnh tranh; nâng cao các giá trị văn hóa, du lịch từ sen.

Theo Kế hoạch, năm 2025 tỉnh sẽ đầu tư phát triển vùng sản xuất nguyên liệu sen tập trung với diện tích khoảng 1.400 ha, sản lượng ước đạt 1.148 tấn; tăng cường nghiên cứu ứng dụng giống sen phù hợp với điều kiện tự nhiên, mở rộng sản xuất đối với các giống sen chuyên biệt, phục vụ cho các nhu cầu khác nhau như hoa trang trí, lấy hạt, lấy ngó, lấy lá, sản phẩm cao cấp, chiết suất từ sen; tập trung nghiên cứu, đẩy nhanh dự án thí điểm 100 ha vùng trồng tại Tháp Mười để đưa ra được giống sen phù hợp với điều kiện tự nhiên, mở rộng sản xuất.

Kế hoạch còn đề ra chỉ tiêu phát triển thêm ít nhất 60 sản phẩm chế biến từ sen được xếp hạng OCOP cấp tỉnh; trong đó có ít nhất 01 sản phẩm chiết xuất từ sen; nâng chất các sản phẩm từ sen hiện có để tham gia chương trình OCOP; xây dựng các sản phẩm từ sen phục vụ phát triển du lịch và Lễ hội Sen.

0525c07349394fda50ccec28d2204233images1408697-anh-1-2-1646554466-1662453833.jpeg
Để có sản phẩm tốt, chất lượng cao, vấn đề đầu tiên là phải có vùng nguyên liệu đạt chuẩn và ổn định về sản lượng.

Thực hiện cấp mã số vùng trồng gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho các vùng sen nguyên liệu và các sản phẩm chế biến. Xây dựng và hoàn thiện ít nhất 03 mô hình canh tác sen an toàn, chuyển đổi sang hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ và du lịch trải nghiệm. Các mô hình được cấp mã số vùng trồng gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Để đạt được những mục tiêu trên, trong thời gian tới tỉnh Đồng Tháp đẩy mạnh xây dựng vùng sản xuất sen tập trung theo chuỗi giá trị. Trong đó, tập trung quy hoạch vùng nguyên liệu sen cần dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa, tập quán sản xuất của người dân, góp phần phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phát triển sản phẩm OCOP từ nguyên liệu sen gắn với xây dựng vùng nguyên liệu được cấp mã số vùng trồng, định hướng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, quản lý tài nguyên và bảo tồn đa dạng sinh học, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, góp phần bảo tồn thiên nhiên, duy trì cảnh quan nông thôn và bảo vệ môi trường.

Biểu tượng địa phương

Những năm qua, diện tích và sản lượng cây sen Đồng Tháp không ngừng tăng lên. Hiện toàn tỉnh có 1.252ha sen, sản lượng 1.088 tấn (tập trung tại các huyện Tháp Mười, Tam Nông, Cao Lãnh, Tân Hồng, Lấp Vò). Cây sen ở Đồng Tháp không chỉ được trồng để bán gương, ngó, giờ đây còn được đa dạng hóa với những sản phẩm từ tinh dầu sen, tơ sen...

Tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng, khai thác hiệu quả kinh tế từ cây sen mang lại gấp nhiều lần so với trồng lúa. Đến nay, đã có hơn 20 sản phẩm được chế biến từ sen được xuất khẩu trong và ngoài nước, mang về giá trị kinh tế cao cho người dân.

Hiện nay, cây sen được tỉnh Đồng Tháp chọn, đưa vào xây dựng và phát triển thương hiệu các nông sản chủ lực giai đoạn 2021- 2025. Thời gian qua, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đang phối hợp với Sở KH&CN tỉnh Đồng Tháp xây dựng “đề án phát triển sản phẩm sen Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030”.

Trong đó, có nhiều giải pháp về khoa học công nghệ để phát triển sen như, xây dựng trung tâm bảo tồn, lưu giữ các giống sen; tuyển chọn và lai tạo bộ giống sen mới, phân theo các nhóm trồng sen để lấy hoa, ngó, củ và các giống sen trồng chậu làm cảnh; hoàn thiện các quy trình kỹ thuật trồng, canh tác sen; quy trình kỹ thuật thu hái, bảo quản, chế biến sâu về sen, để tạo ra nhiều sản phẩm từ sen hơn nữa.

Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đề ra giải pháp gắn sản xuất sen với phát triển văn hóa, du lịch. Tỉnh quy hoạch vùng nguyên liệu sen dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa, tập quán sản xuất của người dân; phát triển sản phẩm OCOP từ nguyên liệu sen gắn với xây dựng vùng nguyên liệu được cấp mã số vùng trồng, định hướng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, quản lý tài nguyên và bảo tồn đa dạng sinh học, bảo đảm an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, góp phần bảo tồn thiên nhiên, duy trì cảnh quan nông thôn và bảo vệ môi trường.

Thi Nguyên (t/h)