Trên cơ sở quan điểm, định hướng chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã quán triệt, cụ thể hóa trong các chương trình, kế hoạch hành động, đặc biệt là bám sát diễn biến dịch bệnh và tình hình biến động của kinh tế thế giới để linh hoạt trong điều hành, tập trung rà soát, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, nhanh chóng những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm huy động mọi nguồn lực cho phát triển.
Hoạt động sản xuất công nghiệp dần phục hồi
Trong quý I/2022, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 7,07%, tăng cao hơn so với mức tăng chung của toàn nền kinh tế (tăng 5,03%) và tăng cao hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm trước (Quý I/2021 tăng 6,44%), đóng góp 2,42 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 7,79%, đóng góp 2,05 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng tăng trưởng dương 1,23% (khai thác than tăng 3,2% và quặng kim loại tăng 5%), làm tăng 0,04 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Với các giải pháp đồng bộ hỗ trợ, khôi phục sản xuất kinh doanh nên SXCN tháng 3 đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, chỉ số SXCN (IIP) tháng 3 tăng 22,9% so với tháng 2 và tăng 8,5% so với cùng kỳ. Tính chung quý I năm 2022, chỉ số SXCN tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 6,5%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 7%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,1%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,3%; ngành khai khoáng tăng 1%.
Chỉ số sản xuất quý I/2022 một số ngành trọng điểm thuộc các ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ, quặng và hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác dầu thô và khí tự nhiên cùng tăng 47,7%; Sản xuất máy móc và thiết bị văn phòng (trừ máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy vi tính) tăng 43,7%; Sản xuất máy chuyên dụng khác tăng 28,3%; sản xuất đồ chơi, trò chơi tăng 23,9%; Sản xuất gỗ dán, gỗ lạng, ván ép và ván mỏng khác tăng 22,6%; sản xuất điện dân dụng tăng 27,9%; Chế biến và bảo quản rau quả tăng 13,3%; sản xuất trang phục tăng và may trang phục (trừ trang phục từ da lông thú) cùng tăng 24,1%...
Ở chiều ngược lại, một số ngành có chỉ số giảm: Lắp đặt máy móc và thiết bị công nghiệp giảm 17,1%; Sửa chữa và bảo dưỡng phương tiện vận tải (trừ ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác) giảm 16,8%; Sản xuất máy cho ngành dệt, may và da giảm 14,1%; Sản xuất sản phẩm từ plastic và Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic cùng giảm 15,5%; Sản xuất pin và ắc quy giảm 12,8%; Khai thác quặng sắt giảm 13,7%.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3/2022 tăng 19,1% so với tháng trước và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2022, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước (quý I/2021 tăng 5,8%), trong đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao: Sản xuất trang phục tăng 25,5%; Sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 14,2%; Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 16,7%; Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 15,2%; Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 13,1%...
Nhìn chung, sản xuất công nghiệp Quý I năm 2022 được khôi phục ở hầu hết các ngành, nhu cầu và sản lượng sản xuất đều tăng, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã hoạt động trở lại, nối lại các chuỗi cung ứng cơ bản thông suốt. Chỉ số Nhà Quản trị mua hàng (PMI) tháng 2 tiếp tục tăng đạt 54,3 điểm, số lượng đơn đặt hàng mới tăng và điều kiện kinh doanh ổn định đã góp phần làm tăng sản lượng sản xuất trong nước. Tuy nhiên, ở một số ngành sản xuất do nguyên vật liệu khan hiếm, giá tăng cao đã kìm hãm sự gia tăng của sản lượng sản xuất, mặt khác ở một số ngành lao động chưa hoàn toàn trở lại làm việc cũng đã tác động đến hoạt động khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng cao
Mặc dù tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, chi phí vận chuyển tăng cao, ảnh hưởng bởi căng thẳng, xung đột chính trị giữa Nga và Ukraine … nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong quý I/2022 vẫn ghi nhận mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước, ước tính đạt 176,35 tỷ USD, tăng 14,37% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 88,58 tỷ USD, tăng 12,9%; nhập khẩu hàng hóa đạt 87,77 tỷ USD, tăng 15,9%. Cán cân thương mại hàng hóa quý I/2022 ước tính xuất siêu 809 triệu USD.
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 3/2021 hồi phục mạnh mẽ, ước đạt 34,06 tỷ USD, tăng 45,5% so với tháng trước và tăng 14,8% so với cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu tăng cả về lượng và giá ở nhiều nhóm hàng, đặc biệt ở một số nhóm mặt hàng như: nông sản, dầu thô, xăng dầu, phân bón, chất dẻo…
Tính chung quý I/2022, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 88,6 tỷ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ, trong đó khu vực doanh nghiệp trong nước tăng cao (tăng 22%) hơn so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (tăng 10%), điều này cho thấy sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước trong việc khôi phục sản xuất kinh doanh, nối lại chuỗi cung ứng trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn phức tạp. Trong quý I/2022 có 16 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tăng 5 mặt hàng so với quý I/2021, chiếm 83,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (5 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 57,9%).
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 03/2022 ước tính đạt 32,67 tỷ USD, tăng 28,7% so với tháng trước. Tính chung quý I/2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 87,77 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 29,43 tỷ USD, tăng 13,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 58,3 tỷ USD, tăng 17,1%.
Nhìn chung, nhập khẩu tăng do các doanh nghiệp tăng cường nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu để đẩy mạnh phục hồi sản xuất và do giá nhiều nguyên vật liệu tăng cao cũng là yếu tố khiến kim ngạch nhập khẩu tăng.
Tình hình xuất nhập khẩu có đà tăng trưởng cao giúp cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 1,39 tỷ USD. Ước quý I/2022, xuất siêu 809 triệu USD (cùng kỳ xuất siêu 2,76 tỷ USD). Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 6,16 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 6,97 tỷ USD.
Đối với thị trường trong nước, hoạt động thương mại dịch vụ đã từng bước khôi phục, thị trường hàng hóa và đời sống của người dân dần ổn định, các điểm bán lẻ, hệ thống phân phối, nhà hàng, khách sạn, hàng quán kinh doanh ăn uống… đã mở cửa trở lại toàn hệ thống; các cơ sở kinh doanh bán hàng song song cả hình thức trực tiếp và trực tuyến đã khiến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ gia tăng, tháng 3 đạt 438.000 tỷ đồng, tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 9,2%). Tính chung quý I/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 1.318.000 tỷ đồng, tăng 4,4%, nếu loại trừ yếu tố giá, tăng 1,6% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 2%).
Hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại 3 tháng đầu năm 2022 đạt được nhiều kết quả tích cực trên là nhờ chủ trương “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiếm soát hiệu quả dịch Covid-19" của Chính phủ cùng các cơ quan liên quan; Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, tạo đà cho quá trình phục hồi kinh tế, xã hội trong cả năm 2022 và các năm tiếp theo.