Một số lưu ý về yêu cầu của các thị trường "khó tính" để xuất khẩu nông sản

Tại Diễn đàn "Ổn định chất lượng và đảm bảo tiêu chuẩn nông sản của các hợp tác xã nông nghiệp", TS. Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam đã đưa ra một số điểm lưu ý trong quy định của thị trường Trung Quốc và một số thị trường chính đối với nông sản xuất khẩu.

Hiện, Trung Quốc có nhiều thay đổi trong quy định an toàn thực phẩm. Hai bên đã có các nghị định thư, thỏa thuận kiểm soát An toàn thực phẩm (ATTP) sản phẩm thủy sản xuất nhập khẩu giữa hai nước; kiểm soát an toàn nông sản, thực phẩm xuất nhập khẩu giữa hai nước; nghị định thư kiểm dịch gạo xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc...

Theo đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, thị trường Trung Quốc hiện mới tập trung truy xuất nguồn gốc, chưa thực hiện nhiều quy định kiểm tra, giám sát mức dư lượng. Song đối với các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam hiện đã nhận cảnh báo từ phía bạn về lượng thuốc trừ sâu, ô nhiễm vi sinh vật.

ts-le-thanh-hoa-1669190947.png
TS. Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản. Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam.

Đối với thị trường Nhật Bản, các quy định đều thuận lợi cho doanh nghiệp song yêu cầu tính minh bạch, trung thực của doanh nghiệp sang thị trường này. Hàn Quốc cũng là một thị trường khó tính. Họ có quy định cụ thể về dư lượng, các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật.

Đối với thị trường EU, sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang thị trường này cần tuân thủ các quy định về ATTP. Doanh nghiệp cần đăng ký danh sách với cơ quan có thẩm quyền (NAFIQAD) để kiểm tra và phê duyệt vào danh sách được phép xuất khẩu sang EU...

Với các quy định này, ông Hòa kiến nghị doanh nghiệp cần nâng cao năng lực và nhận thức trong việc nắm bắt các qui định về kỹ thuật và yêu cầu về SPS của thị trường. Đồng thời, nâng cao nhận thức và quan niệm – từ số lượng sang chất lượng và tính an toàn của sản phẩm cũng như đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng an toàn thực phẩm của thị trường.

Bên cạnh đó, cần thiết lập cơ chế hợp tác giữa Cơ quan quản lý - doanh nghiệp - người sản xuất nhằm đảm bảo toàn về chất lượng và số lượng cho toàn bộ chuỗi cung ứng; xây dựng chiến lược quảng bá và tiếp thị cho sản phẩm (thị trường trong nước và nước ngoài: Hội chợ, Triển lãm và kết nối hệ thống siêu thị).

Ông cũng đề xuất tăng cường đầu tư máy móc thiết bị và nghiên cứu sản xuất sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu; đào tạo cán bộ kỹ thuật có kỹ năng quản lý và giám sát về ATTP cho quá trình sản xuất và chế biến...

Đông Nghi