Vào đầu tháng 3/2025 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã gửi Tờ trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo trình tự, thủ tục rút gọn. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước đề xuất sửa đổi về mức cho vay không có tài sản đảm bảo đối với cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và chủ trang trại.
Trước đây, theo quy định, các đối tượng được tổ chức tín dụng cho vay không có tài sản đảm bảo theo các mức như sau: Tối đa 200 triệu đồng đối với cá nhân, hộ kinh doanh; tối đa 300 triệu đồng đối với tổ hợp tác và hộ kinh doanh; tối đa 1 tỷ đồng đối với hợp tác xã và chủ trang trại.
Với quy định hiện tại, việc triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn còn gặp một số khó khăn như: Thủ tục tiếp cận tín dụng còn phức tạp; tín dụng theo chuỗi nông nghiệp chưa được áp dụng phổ biến; khả năng xử lý rủi ro tín dụng thấp, chưa gắn với bảo hiểm nông nghiệp; nhiều quỹ tín dụng ưu đãi còn thiếu chức năng khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã khi đầu tư vào sản xuất sạch...

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng nhận thấy, Nghị định số 55/2015/NĐ-CP vẫn còn đang thiếu các chính sách cho mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn. Việc bổ sung thêm những ưu đãi này sẽ khuyến khích người dân, doanh nghiệp phát triển nông nghiệp bền vững.
Theo nội dung sửa đổi, Ngân hàng Nhà nước dự kiến đề xuất cho vay không có tài sản đảm bảo tối đa 300 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình; tối đa 500 triệu đồng đối với tổ hợp tác và hộ kinh doanh và tối đa 3 tỷ đồng đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ trang trại.
Ngoài ra, trong Nghị định sửa đổi, bổ sung, khách hàng có dự án, phương án sản xuất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp hữu cơ hoặc sản phẩm nông nghiệp đáp ứng tiêu chí về kinh tế tuần hoàn theo quy định pháp luật về kinh tế tuần hoàn sẽ được hưởng chính sách tín dụng tương tự khách hàng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét cho vay không tài sản đảm bảo tối đa bằng 70% giá trị của dự án, phương án.