Liên tục vay nước ngoài hàng trăm triệu USD
Ngày 02/12 vừa qua, Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) đã ký kết hợp đồng vay hợp vốn tín chấp trị giá khoảng 125 triệu USD (hơn 3.000 tỷ đồng). Bốn định chế tài chính lớn gồm Ngân hàng CTBC Bank, Taishin International Bank, Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC - Singapore) và Chứng khoán Maybank (Singapore) – thành viên của Tập đoàn Ngân hàng đầu tư Maybank cùng tham gia với vai trò đồng thu xếp cho khoản vay này.
Đây là lần thứ 3 từ đầu năm TCBS huy động thành công huy động vốn từ nước ngoài. Trước đó vào tháng 4, CTCK này đã ký hợp đồng vay hợp vốn 170 triệu USD (khoảng 3.900 tỷ đồng) từ 4 định chế hàng đầu Đài Loan (Cathay United Bank, CTBC Bank, Taipei Fubon Bank và Taishin International Bank). Đến tháng 9, TCBS tiếp tục ký hợp tác vay song phương với Ngân hàng HSBC Singapore với hạn mức 30 triệu USD (khoảng 700 tỷ đồng). Tất cả các khoản huy động trên đều là các khoản vay tín chấp, không cần tài sản đảm bảo.
Mới đây, TCBS cũng thông báo về kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ trị giá hơn 10.000 tỷ đồng, đẩy tổng nguồn vốn chủ sở hữu của TCBS dự kiến vượt 21.000 tỷ đồng. Sau khi bổ sung nguồn vốn, TCBS sẽ tiếp tục sử dụng để phân bổ vào các hoạt động ngân hàng đầu tư, tăng cường năng lực cạnh tranh trong ngành chứng khoán và hỗ trợ tài chính cho khách hàng.
Lợi nhuận sụt giảm, vẫn sống dựa vào trái phiếu
Về kết quả kinh doanh quý 3/2022, TCBS ghi nhận doanh thu hoạt động giảm 15% so với cùng kỳ, xuống mức 1.184 tỷ đồng. Chi phí tài chính và chi phí quản lý trong kỳ lần lượt tăng 17% và 26% so với cùng kỳ, lên mức 168 tỷ đồng và 114.6 tỷ đồng. Kết quả, TCBS lãi ròng 579,3 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ.
Trong cơ cấu doanh thu, mảng cho vay và lãi từ tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) tăng mạnh. Cụ thể, lãi từ các khoản cho vay và phải thu đạt gần 370 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ. Ngược lại, mảng môi giới sụt giảm 7% doanh thu, xuống còn 227,5 tỷ đồng. Doanh thu bảo lãnh phát hành cũng giảm gần 60% xuống còn 190,1 tỷ đồng.
Lợi nhuận ở mảng tự doanh ghi nhận 358 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ. Lãi từ các tài sản tài chính AFS tăng hơn 150% lên 84 tỷ đồng. Ngoài ra, lãi từ các khoản đầu tư đợi tới ngày đáo hạn (HTM) cũng tăng mạnh gấp 4 lần nhưng chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ với 13,6 tỷ đồng.
Tính tới cuối quý 3, tổng tài sản TCBS đạt gần 29.000 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm. Dư nợ cho vay chiếm một nửa tổng tài sản, ở mức 15.200 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Danh mục tài sản tài chính AFS của TCBS vào khoảng 8.400 tỷ đồng, tăng 28% so với đầu năm trong đó trái phiếu chiếm chủ đạo trong danh mục này. Tổng giá trị trái phiếu ở thời điểm 30/9 đạt gần 7.000 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm.
Bán trái phiếu vẫn là mảng đem lại lợi nhuận lớn cho TCBS. Lãi bán trái phiếu quý 3 đạt hơn 265 tỷ đồng đồng, lỗ bán trái phiếu chỉ ở mức 6 tỷ đồng. Tuy vậy, so với cùng kỳ, lợi nhuận từ mảng này vẫn giảm khoảng 12%. Thực tế, hoạt động kinh doanh của TCBS những năm qua cũng phụ thuộc rất lớn vào sự sôi động trên thị trường trái phiếu.
Tuy nhiên, những khó khăn đã bắt đầu xuất hiện sau khi cơ quan quản lý siết chặt các hoạt động phát hành trái phiếu, đặc biệt là TPDN riêng lẻ. Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 153/2020/NĐ-CP về chào bán trái phiếu riêng lẻ đã được ban hành vào ngày 16/09/2022 được dự báo sẽ có tác động mạnh đến thị trường trái phiếu.
Đối với công ty chứng khoán, các nguồn thu từ hoạt động tư vấn phát hành trái phiếu có nguy cơ bị thu hẹp về nguồn thu tại mảng này do sự thắt chặt trong chính sách quản lý. Triển vọng tăng trưởng doanh thu đến từ việc phân phối lại trái phiếu doanh nghiệp sẽ là một điểm chưa chắc chắn sau Nghị định 65.