Techcombank: Mối lo từ khoản nợ nguy cơ mất vốn tăng vọt và áp lực từ 32 nghìn tỷ trái phiếu sắp đáo hạn

Khoảng 44% tổng giá trị của cả trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu tổ chức tín dụng, tương đương khoảng 32 nghìn tỷ đồng của Techcombank sẽ đến hạn thanh toán trong vòng một năm tới. Đây sẽ là thách thức rất lớn với nhà băng này.

Trong báo cáo mới đây, Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) đã chỉ ra 3 rủi ro mà Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) sẽ phải đối mặt trong thời gian tới.

Theo đó, Techcombank không cung cấp thông tin về thời gian đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, khoảng 44% tổng giá trị của cả trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu tổ chức tín dụng (32 nghìn tỷ đồng) sẽ đến hạn thanh toán trong vòng một năm tới.

Bên cạnh đó, dư nợ cho vay chủ đầu tư bất động sản, xây dựng, vật liệu cao (126 nghìn tỷ đồng, tương đương 29% tổng tín dụng) là một quan ngại của SSI Research.

taechcombank-1661938067.jpeg
Techcombank sẽ có khoảng 44% tổng giá trị của cả TPDN và trái phiếu tổ chức tín dụng (32.000 tỷ đồng) sẽ đến hạn thanh toán trong vòng một năm tới. (Ảnh: Internet)

Theo nhóm chuyên gia của SSI Research, hoạt động này có thể gặp biến động tiêu cực trong ngắn hạn do hạn chế về nguồn vốn. Nếu giả định rằng chỉ 5% trong số các khoản vay này phải đối mặt với các thách thức về khả năng trả nợ thì 6.300 tỷ đồng (1,5% tổng tín dụng và 1,6 lần dự phòng) có nguy cơ trả nợ trễ hạn. Dù Techcombank có vốn hóa đủ mạnh để hấp thụ các cú sốc ngoại sinh, lợi nhuận vẫn có thể bị ảnh hưởng do áp lực tăng trích lập dự phòng.

Một rủi ro nữa đến từ các khoản cho vay mua nhà của Techcombank có thời gian ân hạn từ 2020 - 2022. Techcombank không còn cung cấp thông tin tổng hợp về các khoản cho vay mua nhà theo từng phân khúc khách hàng. Ngân hàng cũng không cung cấp tỷ trọng dư nợ cho vay mua nhà đang trong thời gian ân hạn.

Dựa trên số liệu được cung cấp tại thời điểm tháng 6/2020, SSI Research cho rằng phần lớn khách hàng vay mua nhà vẫn là phân khúc khách hàng có thu nhập cao với thu nhập hộ gia đình hàng năm trên 1,3 tỷ đồng.

Nếu lấy dự án Vinhomes OceanPark làm ví dụ, thì khoản dư nợ vay mua nhà với thời gian vay 30 năm sẽ ở mức trung bình là 5,6 tỷ đồng. Điều này có nghĩa là khoản phải trả hàng tháng sau khi hết thời gian ân hạn lãi là 44 triệu đồng, và sau khi hết cả ân hạn lãi và gốc là 60 triệu đồng, so với thu nhập hàng tháng của hộ gia đình gia đình có thu nhập cao là hơn 108 triệu đồng.

Khả năng trả nợ đúng hạn của khách hàng vay với thu nhập ở cận dưới của phân phúc giàu có thể phần nào bị ảnh hưởng từ cuối năm 2023, và do đó ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng tại Techcombank.

"Chưa kể đến khả năng một khách hàng đang đứng tên trên nhiều hơn một hợp đồng vay mua nhà. Do đó, rủi ro tín dụng trong lĩnh vực bất động sản cần được theo dõi chặt chẽ và xem xét một cách thận trọng vào năm 2023," các chuyên gia của SSI Research nhận định.

Trước đó, như chúng tôi đã thông tin, theo báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2022 sau soát xét, tính tại thời điểm cuối tháng 6/2022, tổng tài sản của Techcombank ở mức 623.738 tỷ đồng, tăng 9,6% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng đạt 391.823 tỷ đồng và ngân hàng cũng đã phải chi ra hơn 4.000 tỷ đồng để dự phòng rủi ro cho vay khách hàng.

Về chất lượng dư nợ, tại thời điểm cuối tháng 6/2022, tổng nợ xấu của Techcombank ở mức 2.359 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức 2.293 tỷ đồng hồi đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng 27% so với đầu năm lên mức 959,2 tỷ đồng; Nợ nghi ngờ mất vốn ở mức 890,7 tỷ đồng, tăng 3,5%. Tỷ lệ nợ xấu của Techcombank ở mức 0,6%.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính, dư nợ cho vay khách hàng của Techcombank chủ yếu nằm ở lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản với 94.358 tỷ đồng, chiếm 24,08% tổng dư nợ cho vay khách hàng; Lĩnh vực xây dựng 13.011 tỷ đồng, chiếm 3,32% tổng dư nợ cho vay khách hàng. Đáng nói, kinh doanh bất động sản là một trong những lĩnh vực được Ngân hàng Nhà nước xếp vào diện rủi ro khi cấp tín dụng.

Theo tìm hiểu của phóng viên dựa trên báo cáo tài chính công bố, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản tính đến cuối tháng 6/2022 tại các ngân hàng đều không vượt quá 30% tổng dư nợ cho vay khách hàng. Thậm chí, nhiều nhà băng còn kiểm soát tỷ trọng này ở mức dưới 10%.

Trong số đó, Techcombank lại là ngân hàng có tỷ lệ dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản lớn nhất toàn ngành, với khoảng 24,08% tổng dư nợ, tức hơn 95.900 tỷ đồng. Như vậy, nếu xét theo giá trị tuyệt đối, dư nợ cho vay bất động sản tại Techcombank đã giảm khoảng hơn 1.500 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm 2022.

Nhóm PV