Ngày 03/12/2021, Văn phòng Chính phủ ban hành Công điện số 8857/CĐ-VPCP về chấn chỉnh hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp và đấu giá quyền sử dụng đất. Công điện yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra tình hình và hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, kịp thời phát hiện và cảnh báo các rủi ro và có biện pháp xử lý theo quy định, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Đến thời điểm tháng 4/2022, cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng đã tiến hành thanh tra tại 7 ngân hàng gồm Techcombank, HDBank, TP Bank, SHB, PVCombank, VietBank, SeABank.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng đầu năm 2022, tính đến ngày 30/6/2022, tổng giá trị chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán của Techcombank (HoSE: TCB) đạt 97.227 tỷ đồng.
Trong đó, trái phiếu do các tổ chức tín dụng khác là gần 25.435 tỷ đồng, chiếm hơn 26% tổng giá trị chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán; Chứng khoán Chính phủ ghi nhận 22.169 tỷ đồng, chiếm 22,8% và lượng trái phiếu doanh nghiệp tại Techcombank đạt 49.345 tỷ đồng, chiếm tới 50,7% tổng giá trị đầu tư.
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, trong vòng chưa đầy 3 tháng, Techcombank đã hoàn tất phát hành 11 lô trái phiếu với tổng giá trị lên tới 11.950 tỷ đồng.
Cụ thể, từ ngày 15/4/2022 đến ngày 07/7/2022, Techcombank đã hoàn tất phát hành các lô trái phiếu TCBL2225001, TCBL2225002, TCBL2225003,TCBL2225004, TCBL2225005, TCBL2225006, TCBL2225007, TCBL2225008, TCBL2225009, TCBL2225010 và TCBL2225011. Tất cả các lô trái phiếu này đều có kỳ hạn 36 tháng, đáo hạn từ tháng 4 đến tháng 7/2025.
Báo cáo tài chính của Techcombank cho thấy, chỉ sau 4 năm, dòng tiền đổ vào trái phiếu tăng gần gấp đôi. Tới quý 1/2022, bất chấp hoạt động trái phiếu bị “siết” do trước đó đã bộc lộ quá nhiều rủi ro, Techcombank vẫn mạnh tay đầu tư cho trái phiếu. Tại thời điểm cuối quý 1/2022, chỉ tiêu chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành vọt lên 76.583 tỷ đồng, chiếm 12,4% tổng tài sản Techcombank.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của doanh nghiệp theo đúng chủ trương của Chính phủ về phát triển cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ, tín dụng...
Tuy nhiên thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp đã tăng cường huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo hình thức phát hành riêng lẻ với quy mô lên tới hàng trăm nghìn tỷ tiềm ẩn nhiều rủi ro.