Tại Việt Nam, tiềm năng phát triển du lịch sinh thái nông thôn rất lớn, với tài nguyên thiên nhiên phong phú, văn hóa truyền thống đặc sắc. Hiện có khoảng 1.300 điểm du lịch, khu du lịch do các địa phương quản lý, trong đó 70% điểm, khu du lịch ở khu vực nông thôn.
Phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch nông thôn được đánh giá là xu hướng phát triển bền vững trong giai đoạn hiện nay nhằm hiện thực hóa các cam kết của Chính phủ Việt Nam với cộng đồng thế giới, cũng như góp phần định hướng một ngành nông nghiệp phát triển bền vững và hiệu quả.
Mô hình này sẽ giúp khai thác nguồn lực sẵn có tại địa phương, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương, bảo vệ môi trường sinh thái khu vực nông thôn duy trì, quảng bá bản sắc văn hóa, đời sống nông thôn các dân tộc, vùng miền, từ đó, góp phần thu hút đầu tư phát triển kinh tế cộng đồng, địa phương.
Để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn bền vững, Việt Nam cần xây dựng một chiến lược và kế hoạch phát triển du lịch bền vững gắn liền với du lịch nông nghiệp, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết những vấn đề này và khai thác tiềm năng của ngành trong tương lai.
Bên cạnh đó, cần tăng cường kết nối du lịch với cộng đồng, hình thành các "điểm đến vệ tinh" gắn với các trung tâm du lịch lớn. Cần ưu tiên thiết kế sản phẩm du lịch nông nghiệp xanh ở cấp độ thôn bản gắn với quy hoạch không gian, kiến trúc tổng thể.
Đồng thời, đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số các điểm du lịch nông thôn được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số; các điểm du lịch nông thôn được giới thiệu xúc tiến quảng bá, ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch.