Phát triển các điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn

Bên cạnh lợi thế về văn hóa, lịch sử, kiến trúc, cảnh quan, Hà Nội có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững trên địa bàn thành phố Hà Nội là phù hợp với xu thế hiện nay.

Thông tin từ Sở Du lịch thành phố cho biết, hiện Hà Nội có 11 trang trại nông nghiệp sinh thái hoạt động theo mô hình giáo dục, du lịch trải nghiệm; 4 hợp tác xã nông nghiệp khai thác mô hình trang trại đồng quê Các mô hình này luôn là lựa chọn phù hợp cho hoạt động giáo dục, trải nghiệm của các nhà trường tại Hà Nội. Một số điểm được du khách biết đến nhiều như Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), làng gốm Bát Tràng, làng hoa giấy Phù Đổng (huyện Gia Lâm), làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân (huyện Thường Tín), hồ Đồng Đò, núi Hàm Lợn (huyện Sóc Sơn)...

du-lich-nong-thon-1-1689730367.jpg
Du lịch nông nghiệp, nông thôn phát huy thế mạnh của sản xuất nông nghiệp, tạo sức bật cho phát triển kinh tế vùng ngoại thành.

Thành phố hiện có hai sản phẩm OCOP đầu tiên được đánh giá, phân hạng 4 sao thuộc nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch. Đồng thời cũng công nhận 7 điểm du lịch ở khu vực ngoại thành, gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn, làng nghề, sinh thái gồm: Điểm du lịch xã Dương Xá, điểm du lịch Phù Đổng (huyện Gia Lâm); điểm du lịch làng nghề lược sừng Thụy Ứng, điểm du lịch làng nghề mộc cao cấp Vạn Điểm (huyện Thường Tín); điểm du lịch Đại Áng, điểm du lịch Yên Mỹ (huyện Thanh Trì); điểm du lịch thôn Lòng Hồ, xã Kim Sơn (thị xã Sơn Tây).

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Hà Nội vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Theo đó, các địa phương chưa nhìn thấy tiềm năng từ loại hình du lịch này. Không ít mô hình còn mang tính tự phát, sao chép lẫn nhau, chưa kết nối được sự tham gia của cộng đồng. Cơ chế quản lý đất đai cho nông nghiệp, nông thôn còn chưa thỏa đáng...

Hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ tại nhiều điểm du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn chưa được đầu tư hoàn chỉnh, chất lượng chưa cao. Du lịch nông nghiệp, nông thôn Hà Nội chủ yếu vẫn manh mún, nhỏ lẻ, chất lượng dịch vụ hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp. Liên kết ngành giữa du lịch, nông nghiệp và khu vực nông thôn để tạo chuỗi giá trị sản phẩm chưa thực sự hiệu quả, chưa phát huy được lợi thế của một quốc gia nông nghiệp.

Nhằm phát huy thế mạnh và tiềm năng, điều kiện của từng vùng, Thành phố Hà Nội cũng đã chỉ đạo, vận động, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tiếp tục sáng tạo ra các sản phẩm mới lạ, độc đáo trên cơ sở tập trung vào thế mạnh của địa phương, chú trọng khai thác và phát triển nhóm sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, làng nghề, nghề truyền thống gắn với nông nghiệp, giáo dục tại các huyện Ba Vì, Đan Phượng, Thường Tín, Sóc Sơn, thị xã Sơn Tây....

Thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả, chất lượng các nhiệm vụ giải pháp, chương trình kế hoạch phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 của Trung ương và Thành phố. Bên cạnh đó, nghiên cứu xây dựng phần mềm công nghệ thông tin để thu thập, xử lý các cơ sở dữ liệu về điều tra, đánh giá hiện trạng du lịch nông nghiệp nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội phục vụ công tác quy hoạch, quản lý mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với nông thôn mới.

du-lich-nong-thon-2-1689730393.jpg
Thành phố sẽ tập trung xây dựng thí điểm 6 mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Sở cũng sẽ nghiên cứu, xây dựng khung hướng dẫn chung phục vụ cơ quan quản lý nhà nước có cơ sở chỉ đạo thực hiện, giám sát, đánh giá quá trình thực hiện các kế hoạch hành động. Tổ chức lựa chọn, hỗ trợ xây dựng và phát triển các điểm đến du lịch cộng đồng gắn với làng nghề truyền thống, ngành nghề nông nghiệp, nông thôn; Khuyến khích phát triển sản phẩm OCOP "Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch"; Xây dựng các mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc thù có sự tham gia của các chủ thể Nông dân - Hợp tác xã - Hộ kinh doanh - Doanh nghiệp.

Theo kế hoạch về phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, mỗi huyện, thị xã có tiềm năng và thế mạnh về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố triển khai ít nhất từ 1 đến 3 sản phẩm "Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch"; phấn đấu có ít nhất 50% số sản phẩm này được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và công nhận OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên. Hà Nội phấn đấu mỗi huyện, thị xã có tiềm năng xây dựng ít nhất 1 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc thù có sự tham gia của các chủ thể là nông dân, hợp tác xã, hộ kinh doanh và doanh nghiệp

Thành phố Hà Nội sẽ tập trung xây dựng thí điểm 6 mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch cộng đồng; làng du lịch thông minh; du lịch làng nghề... theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững tại các huyện: Thường Tín, Đan Phượng, Thanh Trì, Mỹ Đức, Thạch Thất và thị xã Sơn Tây.