Lời giải nào cho bài toán ô nhiễm môi trường tại xã biển đông dân nhất Việt Nam?

Hòa chung với nhịp phát triển kinh tế của tỉnh, nhiều năm qua, bộ mặt kinh tế - xã hội của xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) đã có nhiều đổi thay. Tuy nhiên, song song với tốc độ phát triển nhanh chóng đó, thực trạng ô nhiễm môi trường cũng đã, đang đặt ra nhiều thách thức và trở thành một bài toán nan giải của địa phương.

Vấn nạn dai dẳng

Đặt chân tới xã Ngư Lộc, chẳng mấy khó khăn, cứ đi dọc các trục đê ngăn biển của địa phương này sẽ dễ dàng bắt gặp các bãi rác lộ thiên. Những bãi rác này được hình thành sau mỗi chuyến tàu, thuyền cập bến; hoặc đến từ hoạt động của các cơ sở sơ chế hải sản. Theo tìm hiểu, mỗi ngày, tổ thu gom và xử lý rác thải xã Ngư Lộc tiếp nhận khoảng 12 tấn rác thải để đưa đi xử lý. Tuy nhiên, con số này là chưa đủ để giải quyết triệt để lượng rác thải của người dân địa phương xả ra môi trường.

anh-1-1649128356.jpg
Những phế phẩm sau quá trình chế biển hải sản bị người dân Ngư Lộc chất đống ngay tại nơi ở của mình
anh-2-1649128356.jpg
Mùi hôi thối từ những phế phẩm hải sản khiến cho ai đi qua cũng phải nín thở, bịt mũi

Ghi nhận thêm, nước thải từ các cơ sở chế biển hải sản cũng được xả thẳng ra đường hoặc xuống các rãnh, cống thoát nước nước gần nhà. Lâu ngày nguồn nước này không thoát được trở nên đen kịt, đặc quánh, hôi thối, là môi trường thích hợp cho nhiều loại bệnh dịch ẩn ấp. Trên địa bàn xã Ngư Lộc hiện có hơn 50 cơ sở kinh doanh và hộ chế biến hải sản. Các sản phẩm chủ yếu là hải sản khô, đông lạnh, nước mắm, mắm tôm... Tiêu chí bảo vệ môi trường hầu hết các cơ sở đã ký, tuy nhiên, việc thực hiện đúng cam kết thì còn bỏ ngỏ?!

anh-3-1649128355.jpg
Cống rãnh ở xã Ngư Lộc thường bị ô nhiễm nặng 
anh-4-1649128355.jpg
Rác thải bủa vây bở biển Ngư Lộc

Số liệu từ phía UBND xã Ngư Lộc cung cấp, hiện nay, dân số của xã Ngư Lộc xấp xỉ 18.000 người nhưng diện tích đất ở tính trên đầu người chỉ vỏn vẹn 0,47km2. Tính ra, mật độ dân số của xã biển này là trên 36.000 người/km2. Để dễ so sánh, mật độ dân số của Hà Nội là 2.398 người/km2, trong khi con số của TP.HCM là 4.363 người/km2 (theo điều tra dân số năm 2019). Như vậy, mật độ sinh sống ở Ngư Lộc cao gấp 15 lần Hà Nội và 8,25 lần so với TP.HCM. Thậm chí, quốc gia có mật độ dân số cao nhất thế giới là Monaco cũng chỉ đạt 19.500 người/km2.

Với mật độ dân số lớn như thế này, lời giải cho bài toán ô nhiễm thật khó để có câu trả lời trọn vẹn, khả dĩ. Bởi vậy mà khi được Phóng viên hỏi về vấn đề này, đa số người dân nơi đây đều có chung một câu trả lời đầy “thỏa hiệp”: “Sống nhờ biển, quỹ đất lại có hạn, chế biến hải sản ngay tại nơi ở, nên việc xả rác thải, nước thải ra môi trường là bất đắc dĩ. Cực chẳng đã chúng tôi mới phải sống như vậy!”

Cần những giải pháp hài hòa, bền vững

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc, thẳng thắn: “Với mật độ dân số cao, nên khối lượng rác thải của địa phương là vô cùng lớn; điều này dẫn đến việc thu gom và vận chuyển rác gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, ý thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, thường xả rác bừa bãi, không đúng điểm, gây khó khăn cho công tác thu gom và xử lý.”

Ông Quang chia sẻ thêm, hầu hết các cơ sở kinh doanh, hộ chế biến hải sản trên địa bàn đều có quy mô nhỏ lẻ; phương thức chế biến thủ công; thiếu đất nên các cơ sở không thể mở rộng quy mô sản xuất; hệ thống xử lý nước thải, các trang thiết bị, bảo hộ lao động chưa đảm bảo; phế phẩm, rác thải từ chế biến hải sản xả thải ra môi trường chưa được xử lý triệt để, vẫn còn mùi hôi tanh...

Trước những khó khăn trên, để hài hòa việc phát triển kinh tế và giữ gìn môi trường, UBND xã Ngư Lộc đã tăng cường các công tác tuyên truyền, vận động người dân thu gom, đổ rác đúng nơi quy định; hạn chế tối đa mức độ rác thải nhựa tuyến biển; giải quyết dứt điểm các khu vực có nguy cơ bị ô nhiễm nặng. Địa phương cũng đã thực hiện các bước cam kết về đảm bảo vệ sinh môi trường với 100% số phương tiện tầu thuyền khai thác hải sản và hộ kinh doanh chế biến hải sản. Đồng thời tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa để tuyên truyền về ý nghĩa và sự cần thiết của công tác bảo vệ môi trường với cuộc sống con người, hướng dẫn các kỹ năng bảo vệ môi trường trong gia đình và cộng đồng dân cư cho thanh thiếu niên và học sinh. Mỗi tổ chức đăng ký số lượng hội viên, đoàn viên thực hiện và định kỳ sơ kết, báo cáo kết quả thực hiện công tác vệ sinh môi trường trong đó Hội LHPN xã, Đoàn thanh niên là lực lượng xung kích trong việc thực hiện nhiệm vụ này.

Để giảm thiểu tác động của các cơ sở kinh doanh chế biến hải sản đến môi trường, xã Ngư Lộc đã thực hiện Quyết định số 77-QĐ/UBND, ngày 13-1-2017 của UBND huyện Hậu Lộc về việc kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với các cơ sở chế biến thủy sản trên địa bàn. Đồng thời, UBND xã phân công ban giao thông - môi trường, cùng cán bộ chuyên môn phối hợp với lãnh đạo các thôn thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở các hộ kinh doanh, chế biến hải sản đảm bảo vệ sinh môi trường. Tăng cường công tác kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp cố tình làm ảnh hưởng đến môi trường.

Những khó khăn trong công tác giữ gìn vệ sinh môi trường trên địa bàn xã Ngư Lộc, cũng là khó khăn chung của các địa phương còn lại trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Để giải quyết bài toán này, thiết nghĩ, ngoài sự chỉ đạo mang tính hành chính của các cơ quan quản lý nhà nước, cần nhiều hơn nữa những giải pháp hài hòa, bền vững. Đừng chỉ dừng lại ở việc “quản lý” và “xử phạt”, mà phải làm sao để người dân “hào hứng” hơn với công tác bảo vệ môi trường. Làm thế nào để mỗi cá thể phải cảm nhận được trách nhiệm và quyền lợi khi được thụ hưởng môi trường trong lành./.

Pv: Sơn Hà Nguyễn Trường